Nghệ nhân kiếm tiền tỷ nhờ kéo dài ‘chân’ sứ kiểng
Tin tức, Tin Việt Nam
author18/05/2022 16:39

Không ngồi yên hưởng thụ truyền thống sẵn có của gia đình, anh Trần Duy Phong, 36 tuổi, tìm tòi tạo ra sứ “chân dài”, thu nhập hai tỷ đồng một năm.

Là con trai nghệ nhân trồng hoa nổi tiếng ở TP Sa Đéc, anh Phong luôn thấy áp lực dưới “cái bóng” quá lớn của người cha. Do đó ước muốn làm ra sản phẩm, tạo dựng tên tuổi cho riêng mình được anh ấp ủ từ tuổi đôi mươi. Năm 2014, trong lần sang Thái Lan tìm cây giống, anh bị thu hút bởi những sứ kiểng thân dài. Cây có thể cao hơn chục mét nhờ kỹ thuật kéo dài phần rễ.

Anh Duy Phong với sản phẩm mới sứ chẻ lồng. Ảnh: Ngọc Tài

Lúc đó mỗi cây sứ thân dài nhập về Việt Nam giá hàng chục triệu đồng. Chàng thanh niên vừa mua cây trưởng thành, vừa học kỹ thuật kéo dài thân cây. Về nước, ngoài thời gian phụ gia đình trồng hoa, anh tập tành trồng sứ, nắm bắt kỹ thuật. Bao nhiêu tiền dành dụm, anh mua hạt sứ giống kim tự tháp có thể kéo “chân” giá 18.000-20.000 đồng về trồng, trong khi sứ thường chỉ 300 đồng.

Do chưa nắm chắc kỹ thuật, hơn một nửa số hạt mua về gieo lên èo uột, không đủ sức sống để trải qua quá trình “phẫu thuật”. Giống sứ kim tự tháp hơn một nghìn loại khác nhau, mỗi loại đặc tính riêng, phù hợp thổ nhưỡng khác nhau, phải dùng đúng giống mới cho kết quả. Người mới trồng không dễ gì nắm bắt.

Mất gần hai năm trồng, anh mới hiểu hết kỹ thuật. Một vài sản phẩm trình làng, tạo được sức hút, song người nghệ nhân trẻ tuổi chưa ưng ý. Một mặt Phong sản xuất lượng lớn cây giống để bán cho người chơi lấy vốn, mặt khác tiếp tục học hỏi nâng cao tay nghề.

Một tác phẩm sứ “chân” dài chuẩn bị lần “phẫu thuật” kéo “chân” tiếp theo. Ảnh: Nguyễn Khánh

Trung bình cây sứ trồng 8 tháng có thể kéo “chân”. Nghệ nhân sẽ nhổ cây lên, giữ lại một rễ khỏe nhất. Phần rễ còn lại được anh dùng hai thanh tre kẹp, sao cho thân và rễ thẳng. Với chế độ chăm sóc đặc biệt, phần rễ lớn đều, bằng phần thân trong 6-8 tháng. Mỗi lần anh kéo dài được 30-40 cm, đạt đến chiều cao mong muốn thì dừng. Cây dài nhất anh kéo được 1,3 m trong vòng 2-3 năm.

Ban đầu tác phẩm chỉ dừng lại ở phần thân dài nên giá bán hơn 10 triệu đồng một cây. Nhận thấy còn dư địa để phát triển, anh tạo dáng độc đáo cho phần rễ cây, mất thêm một năm, để tăng giá trị. Ngoài đôi mắt thẩm mỹ, người chơi kiểng nhiều năm kinh nghiệm phải đoán được rễ sẽ phát triển trong 1-2 năm tới để có cách tạo thế độc cho cây.

Sau nhiều năm tìm tòi, chàng trai làng hoa Sa Đéc được đền đáp bằng nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần trồng hoa truyền thống. Giai đoạn 2015-2017, anh lãi 200-300 triệu đồng mỗi năm chủ yếu từ bán cây giống, tăng dần lên khi xuất bán cây thành phẩm giá vài chục triệu đồng.

Quá trình kéo dài “chân” cho sứ kiểng có thể kéo dài vài năm, giá bán cao gấp 100 lần so với sứ thường. Ảnh: Nguyễn Khánh

Những năm 2018-2019, anh thu về hai tỷ đồng mỗi năm, nhờ cung cấp ra thị trường 400.000 hạt giống, 2.000 cây sứ kiểng các loại. Hiện ngoài dòng sứ “chân” dài, anh còn chẻ thân sứ tạo thành hình đặc biệt như chậu hoa, lồng đèn, thắt bím tóc… Covid-19 khiến hai năm gần đây doanh thu giảm, song gần 4.000 m2 trồng sứ kiểng cũng cho anh thu nhập 700-800 triệu đồng.

Tại Hội thi Sinh vật cảnh Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng, tổ chức tại TP Sa Đéc năm nay, anh Phong đạt được một giải vàng, hai giải bạc và nhiều giải thưởng khác. Nghệ nhân cũng nhận được bằng khen UBND tỉnh vì những đóng góp cho sự phát triển của làng hoa thuộc tốp lớn nhất miền Tây.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil