Nguyên nhân bùng dịch ở ‘tâm bão’ Covid-19 mới của thế giới
Tin thế giới
author29/10/2021 09:34

Hàng loạt quốc gia Đông Âu đã trở thành tâm dịch mới của thế giới vì số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Nguyên nhân chủ yếu là tâm lý e ngại tiêm chủng của người dân.

Trước kia, Andriy Melnik – tài xế xe tải tại Ukraine – không tin vào sự đáng sợ của Covid-19. Anh và một người bạn còn rủ nhau đi mua chứng nhận tiêm chủng giả cho đủ giấy tờ trong lúc chở hàng tới các nước châu Âu khác.

Nhưng thái độ của anh đã thay đổi sau khi người bạn mắc Covid-19 và phải thở máy trong phòng hồi sức tích cực (ICU).

“Tôi nhận ra căn bệnh này nguy hiểm chết người và hệ miễn dịch tốt cũng không đủ, chỉ vaccine mới có thể bảo vệ được tôi”, ông Melnik, 42 tuổi, nói trong lúc chờ tiêm chủng tại thủ đô Kiev. “Cái chết vì Covid-19 cận kề hơn tôi tưởng”.

Cũng như các vùng khác tại Đông Âu và Nga, Ukraine đang chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng mạnh. Dù vaccine không thiếu, nhiều người dân ở một số quốc gia trong khu vực còn chần chừ tiêm chủng, trừ các nước vùng Baltic, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovenia và Hungary.

Tốc độ tiêm chủng chậm chạp của Đông Âu xuất phát từ một số yếu tố, bao gồm tâm lý ngờ vực và ấn tượng xấu do các loại vaccine khác để lại, Catherine Smallwood, giám đốc phụ trách các vấn đề khẩn cấp Covid-19 tại châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói.

nghi ngo vaccine anh 2
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại thủ đô Kiev, Ukraine vào ngày 26/10. Ảnh: Reuters.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp, virus lan nhanh

Ngày 28/10, Nga ghi nhận con số kỷ lục 1.159 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ, trong lúc chỉ khoảng 1/3 trong số 146 triệu dân của Nga đã tiêm đầy đủ. Điện Kremlin trong tuần này đã ban bố lệnh không làm việc trên toàn quốc cho tới ngày 7/11.

Tại Ukraine, chỉ 16% nhóm người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ. Đây là tỷ lệ thấp thứ 2 châu Âu, chỉ sau mức hơn 7% của Armenia.

Nhà chức trách Ukraine tuyên bố sẽ không trả lương cho giáo viên, công nhân viên chức nhà nước và những nhóm lao động khác nếu họ không tiêm đủ 2 mũi trước ngày 8/11. Khách đi máy bay, tàu hỏa hoặc xe bus đường xa cũng sẽ phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính.

Những quy định trên đã làm bùng nổ thị trường chợ đen. Tại đây, chứng nhận tiêm chủng giả được bán với giá 100-300 USD và thậm chí có ứng dụng giả cài sẵn chứng nhận tiêm chủng, Bộ trưởng Chuyển đổi Số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng, từ đó gây thêm sức ép lên hệ thống y tế vốn đã quá tải của Ukraine.

nghi ngo vaccine anh 3
Nhân viên y tế chuẩn bị quan tài cho bệnh nhân Covid-19 tại Rivne, Ukraine vào ngày 22/10. Ảnh: Reuters.

Khoa phẫu thuật của một bệnh viện tại thị trấn Biliaivka, Odesa, lúc này chỉ điều trị người mắc Covid-19, với 50 trên 52 giường đã có bệnh nhân. Thuốc men và oxy y tế ở đây ngày càng ít dần, một số nhân viên của bệnh viện đã nghỉ việc.

“Chúng tôi đang trên bờ vực thảm họa do những người phản đối tiêm chủng gay gắt và tình trạng thiếu kinh phí”, bác sĩ Serhiy Shvets, trưởng khoa phẫu thuật nói trên, cho biết. “Đáng tiếc là 5 người trong phòng tôi đã nghỉ việc trong tuần qua”.

Một bệnh viện khác với sức chứa 120 giường tại thành phố Chernivtsi ở phía tây Ukraine cũng gặp tình cảnh tương tự.

“Tôi khóc trong tuyệt vọng khi thấy 99% bệnh nhân Covid-19 thể nặng đều chưa tiêm chủng, trong khi họ vốn có thể tự bảo vệ bản thân”, bác sĩ Olha Kobevko nói. “Chúng tôi phải chật vật cứu họ mà không có đủ thuốc men và nguồn lực”.

Theo bà Kobevko, đợt bùng phát dịch lần này có vẻ đặc biệt nguy hiểm, với 10-23 bệnh nhân/ngày tại bệnh viện của bà tử vong vì Covid-19, so với mức chưa đầy 6 bệnh nhân/ngày vào mùa xuân năm 2020. Tỷ lệ bệnh nhân trong nhóm 30-40 tuổi đã tăng lên đáng kể, bà Kobevko nói.

nghi ngo vaccine anh 4
Nhân viên tàu hỏa kiểm tra chứng nhận Covid-19 của khách hàng tại Kiev, Ukraine vào ngày 26/10. Ảnh: AP.
Nhân viên y tế cũng ngại tiêm vaccine

Nguyên nhân gây ra đợt bùng dịch lần này là tâm lý nghi ngờ vaccine của nhiều người dân do tác động của mạng xã hội và tín ngưỡng tôn giáo, theo bà Kobevko.

“Các câu chuyện sai sự thật được phát tán rộng rãi khiến người dân tin rằng vaccine có microchip và gây đột biến gene. Một số giáo sĩ công khai kêu gọi người dân không tiêm chủng”, bác sĩ Kobevko nói.

Tâm lý e ngại vaccine còn tồn tại ở cả nhân viên y tế. Bác sĩ Shvets cho biết 30% nhân viên tại bệnh viện của ông ở Biliaivka đã từ chối tiêm chủng, trong khi Bộ trưởng Y tế Viktor Kyashko thừa nhận khoảng một nửa nhân viên y tế Ukraine vẫn do dự chưa tiêm chủng.

Ngọn lửa nghi ngờ vaccine cũng bùng lên ở các nước Đông Âu khác do thông tin sai sự thật trên mạng, tín ngưỡng tôn giáo, thái độ hoài nghi chính quyền và tâm lý chuộng các biện pháp điều trị phi truyền thống.

nghi ngo vaccine anh 5
Một người giơ biểu ngữ với nội dung “Tôi tin vào Chúa, không phải Covid-19” trong cuộc biểu tình ngày 2/10 tại Bucharest, Romania để phản đối các biện pháp chống dịch mới được ban hành. Ảnh: Reuters.

Tại Romania, nơi khoảng 35% người trưởng thành đã được tiêm đầy đủ, chính quyền trong tuần này siết chặt quy định chống dịch. Theo đó, người dân cần có chứng chỉ tiêm chủng cho nhiều hoạt động thường ngày như tới phòng gym, xem phim hoặc vào trung tâm mua sắm.

Giờ giới nghiêm tại Romania lúc này là 22h, hàng quán cần đóng cửa lúc 21h. Quán bar và hộp đêm sẽ dừng hoạt động 30 ngày, trong khi người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Với chỉ 25% người trưởng thành đã tiêm đầy đủ, Bulgaria trong tuần này cũng ghi nhận số ca mắc và ca tử vong kỷ lục. Theo dữ liệu chính thức, Bulgaria có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trong hai tuần qua cao nhất trong 27 nước Liên minh châu Âu (EU). 94% bệnh nhân tử vong đều chưa tiêm chủng.

Tại Georgia, trước việc chỉ 33% người dân mới tiêm đủ 2 mũi, nhà chức trách tổ chức quay số trúng giải thưởng tiền mặt cho người tiêm chủng. Dù vậy, bác sĩ Bidzina Kulumbegov vẫn chưa hài lòng với tốc độ tiêm chủng chậm chạp.

Chiến dịch thông tin của chính phủ “không được thiết kế cho phù hợp với đặc điểm đất nước chúng ta. Chẳng hạn, chính phủ lẽ ra nên hướng sự tập trung vào giáo hội Chính thống Georgia vì có nhiều giáo sĩ từng nói tiêm chủng là tội lỗi”, bà Kulumbegov phát biểu trên truyền hình.

Đối với Melnik, người tài xế ở Ukraine, nỗi sợ mắc Covid-19 vượt lên trên mọi nỗi lo ngại khác.

“Tôi không thể qua mặt căn bệnh này”, ông nói. “Chứng nhận giả còn mua được chứ kháng thể thì không. Người Ukraine đang dần nhận ra là không có cách nào khác ngoài tiêm chủng”.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil