“Những đứa trẻ chuối” phần 4: DIANA – Nữ đạo diễn trẻ gốc Việt với những trăn trở về cội nguồn
CỘNG ĐỒNG, Người Việt tại Séc
author07/09/2021 13:28

Tiếp tục với đề tài “Những đứa trẻ chuối”, TamdaMedia xin lược dịch series bài viết về những người Séc gốc Việt của nhật báo Aktuálně. Nhân vật tiếp theo của series là đạo diễn trẻ tuổi Diana. “Khi bé tôi cảm thấy mình rất xấu. Tôi không phải người Séc, nhưng CH Séc lại là nhà của tôi”.

Ảnh: Aktuálně

Những bộ phim trước đây của cô chủ yếu là sử dụng hình ảnh từ cuộc sống cá nhân của mình. Bộ phim thực hiện trong đợt thi bằng cử nhân của Diana nói về cuộc chia tay với người em gái sinh ra tại Séc nhưng lớn lên ở Việt Nam. Trong bộ phim tốt nghiệp, cô đã sử dụng hình ảnh từ những khoảnh khắc khi vượt qua mọi vấn đề trong mối quan hệ với bố của mình. Nhưng cô chủ yếu vẫn ưu tiên sự rạch ròi của bản thân giữa hai thế giới Séc và Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng cả cuộc đời của mình, tôi sẽ phải vật lộn với thực tế là tôi đang sống trong hai nền văn hóa khác nhau“, đạo diễn 26 tuổi Diana nói.

Cô gái trẻ nhìn sau chiếc máy bay đang cất cánh và cảm thấy khó khăn đang đè nặng lên bản thân. Rong – nhân vật chính của phim vừa mới chia tay với bố, mẹ và em gái, họ đã đáp chuyến bay quay về Hà Nội. Đây là một trong những cảnh cuối của bộ phim hoạt hình ngắn “Malá” của Nhà làm phim kiêm họa sĩ minh họa người Séc-Việt Diana Cẩm Vân Nguyễn. Bộ phim cử nhân của cô gái 26 tuổi người Séc gốc Việt đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi European Children’s Film Association – Hiệp hội Điện ảnh Thiếu nhi châu Âu và là sự khởi đầu cho sự nghiệp của cô. Bối cảnh của bộ phim đã thay đổi cuộc đời cô trước khi cô bắt đầu quay.

Diana sinh ra vào năm 1993 tại Cheb, bố mẹ là người Việt Nam, họ đã gặp nhau vào giữa những năm 1980 ở Nejdek. Mẹ cô khi đó làm trong nhà máy dệt, bố cô theo học đại học. Giống như nhiều cặp vợ chồng Việt Nam khác họ cũng lao đầu vào kinh doanh ở các vùng biên giới. Những người đó được gọi là thế hệ thứ nhất, thế hệ những người đã đến Tiệp Khắc lúc bấy giờ nhờ sự hợp tác của các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Bố mẹ Diana có sạp bán hàng ở Cheb và do đó cô đã lớn lên ở Františkovy Lázně. Cô học tiếng Séc ở trường mẫu giáo và nhờ bà tây, một bảo mẫu người Séc được bố mẹ cô thuê trông một vài giờ trong ngày.

“Vào những năm 90, những người từ Việt Nam sang Séc, đều sẽ định cư tại những khu vực gần biên giới, ở đó là những ngôi làng hoặc thành phố nhỏ. Ở đó có rất nhiều phụ nữ đã về hưu và trong thời kỳ đó họ về hưu sớm hơn hiện nay – những người đó rất thích kiếm thêm thu nhập. Đó là một “tình huống” thuận lợi cho cả 2 bên – người Việt Nam vui mừng vì con cái của họ sẽ nhanh chóng học được tiếng Séc, trải nghiệm cuộc sống trong môi trường Séc hoặc các bảo mẫu, còn những người có thời gian, thì lại có thể kiếm thêm thu nhập”. Marta Lopatková, chuyên gia Việt Nam học.

Khi còn bé tôi đã tham gia rất nhiều khóa học ngoại khóa, từ 10 tuổi tôi đã có thể tự đi học 1 mình. Hôm nào tôi cũng về nhà vào lúc 18 giờ tối và bố mẹ tôi đều về sau 1 tiếng”, cô kể. Khi học mẫu giáo, mặc dù cô là người Việt duy nhất, nhưng khi học tiểu học và sau đó học trường chuyên 8 năm, (gymnázium 8 năm) thì đã khác. “Có rất nhiều người Việt Nam sống ở miền tây Čechy và nhất là ở các trường chuyên – gymnázium. Do bố mẹ Việt luôn muốn con mình phải học ở trường gymnázium. Vì vậy, trong lớp của tôi có 30 học sinh, trong đó có 13 người Việt. Và trong mọi lớp học sau này cũng như vậy. Tôi đã quen khi có những người Việt Nam xung quanh tôi,” cô gái dễ mến với mái tóc nhuộm cho biết.

Diana thừa nhận rằng, mặc dù trong số những người bạn thân nhất của cô cũng có người Việt Nam, nhưng trong các mối quan hệ khác thì hầu như không có. Mặc dù tại trường FAMU, nơi cô sắp tốt nghiệp, tình trạng thiếu sinh viên Việt, các nhà làm phim và diễn viên người Séc gốc Việt ngày càng tăng trong những năm gần đây. Và Diana là minh chứng cho điều đó.

Khi còn nhỏ, cô chưa từng mơ ước trở thành một đạo diễn và họa sĩ phim hoạt hình, mà cô có mong muốn trở thành một giáo viên. “Sau đó, tôi đổi thành luật sư, kiến ​​trúc sư và tôi cũng muốn trở thành một nhà thiết kế, vì vậy ở tuổi 15, tôi đã đi học thiết kế tại một trường trung học ở Praha. Tôi đến với phim hoạt hình khá muộn, có lẽ là vào năm thứ 3 ở trường trung học, khi tôi nghĩ đến việc thiết kế nội thất. Tôi vẽ rất tốt và tôi rất thích vẽ hình tượng nhân vật. Do đó tôi đã quan tâm hơn đến FAMU, tôi đã đi nghe các buổi tư vấn, tôi đánh cược 1 lần, tôi đã thử và thành công“, cô chia sẻ.

Mẹ và em gái đã về Việt Nam, Diana sống một mình

Các bậc phụ huynh Việt Nam thường muốn con mình theo học ngành kinh tế, luật sư hoặc y khoa, nhưng bố mẹ Diana rất thoải mái. “Từ nhỏ tôi đã tham gia các khóa học ngoại khóa về nghệ thuật, họ đã xây dựng mối quan hệ với nghệ thuật trong tôi và tôi có thể phát triển tài năng của mình. Khi tôi nói với họ rằng tôi đã quyết định chọn lĩnh vực nghệ thuật, họ đã để tôi theo đuổi nó. Tôi thật may mắn, khi họ tin tôi.” cô thừa nhận.

“Điều này rất hiếm gặp, khi các bậc phụ huynh thường chọn các khóa học ngoại khóa có thể nâng cao thành tích của con mình (bao gồm các khóa học phụ đạo khác nhau) hay học các khóa học ngôn ngữ. Học vấn và điểm số tốt thường rất quan trọng đối với các bậc phụ huynh Việt Nam và thời gian buổi chiều sẽ là khoảng thời gian cha mẹ cho các con đi học ngoại khóa”, Marta Lopatková, chuyên gia Việt Nam học.

Những bộ phim trước đây của cô đều mang tính cá nhân, chẳng hạn như “Malá” được lấy cảm hứng từ cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ cô và việc mẹ cô trở về Việt Nam. Mẹ của cô cách đây vài năm cũng đã đem theo em gái kém 15 tuổi của cô đi cùng. Khi đó, nhà làm phim mới 20 tuổi và dù cuối cùng cô ấy đã chấp nhận được hoàn cảnh, nhưng cô phải thừa nhận rằng điều đó không hề dễ dàng. “Tôi nhận ra mình vẫn còn quá trẻ để phải nghĩ về những điều đó, nhưng đồng thời, tôi cảm thấy mình đủ lớn để có thể xử lý vấn đề. Dù sao thì tôi cũng đã sống một mình ở Praha 5 năm rồi“, Diana kể.

Sau khi mẹ và em gái về Việt Nam cô đã bắt đầu cảm thấy cô đơn, nỗi buồn ập đến đặc biệt vào Giáng sinh. Bất chấp thực tế là bố cô vẫn ở Cộng hòa Séc nhưng Diana không thường xuyên gặp bố mình, nhà làm phim trẻ vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận được việc bố rời xa mẹ, khi bà đang mang thai đứa con thứ hai và tìm được một người vợ mới. Ông có một cô con gái và một con trai với người vợ mới. “Tôi đã chọn sống một mình hơn còn hơn là sống với gia đình mới của bố. Bạn bè của tôi giúp tôi rất nhiều trong việc đối chọi với sự cô đơn, tôi đã tự tạo ra một gia đình Séc của riêng mình. Kể từ đó, chúng tôi vẫn giữ thói quen gặp nhau tại nhà tôi vào đêm Giáng sinh và tổ chức tiệc Giáng sinh cùng nhau. Chúng tôi đã làm điều đó trong 5 năm“. Đối với cô, năm đầu tiên là khó khăn nhất, nhưng bây giờ cô ấy đã cảm thấy ổn hơn. “Tôi không làm cá chép và salad, nhưng chúng tôi xem truyện cổ tích hoặc xem phim Pelíšky mà tôi yêu thích. Người Việt Nam đón Giáng sinh rất vật chất, chủ yếu họ quan tâm đến các món quà, không quá quan tâm đến gia đình và tôi không thích điều đó“.

Cô giải quyết mối quan hệ rạn vỡ với bố bằng phương pháp tâm lý, cô tìm cách để hiểu mọi hành xử của ông. Câu chuyện về cuộc sống gia đình, cô cũng sẽ cho vào một bộ phim hoạt hình mới, bộ phim sẽ là luận án tốt nghiệp của cô. Hàng năm, Diana thường xuyên bay về Sài Gòn, nơi mẹ và em gái đang sinh sống để thăm họ. “Mẹ rất tiếc khi, chúng tôi phải chia xa. Tôi nghĩ bà trải qua điều này tệ hơn tôi nhiều và buồn vì tôi sống ở Praha 1 mình. Nhưng tôi vẫn ổn và việc sống không có bố mẹ ở bên cạnh trong độ tuổi này rất bình thường”, nhà làm phim trẻ người Séc gốc Việt Diana cùng với những người bạn hoạt động trong nghệ thuật khác họ sống trong một căn hộ đầy phong cách ở Vinohrady cho biết.

“Trước tiên phải nhận ra rằng, rất khó để có thể nói một cách công khai rằng chúng ta có mối quan hệ không tốt đẹp với bố mẹ. Ngoài ra, tất cả mọi người đều phải trải qua xung đột giữa các thế hệ, bất kể họ đến từ một gia đình Việt Nam hay Séc. Ít người có mối quan hệ bình thường với bố mẹ của mình. Nhiều bạn trẻ Việt Nam có những mối quan hệ phức tạp xuất phát từ sự xa cách về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Ví dụ: cha mẹ thường dành toàn bộ thời gian ở chợ hoặc sau đó vào cửa hàng tiện lợi, tiệm hay quán ăn nhanh để kiếm thêm thu nhập cho gia đình và đơn giản là họ không còn thời gian cho con cái”, Marta Lopatková, chuyên gia Việt Nam học.

“Tôi sẽ không bao giờ dựa dẫm vào đàn ông như vậy”

Ảnh: Aktuálně

Tôi nghĩ rằng, nếu mẹ tôi được lựa chọn, bà sẽ muốn sống tại đây. Nhưng bố đã bỏ rơi mẹ và lấy đi cửa hàng khi mẹ phụ thuộc vào ông về mặt tài chính và ngôn ngữ. Do đó, mẹ đã không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở về nước, sau đó tất cả đối với bà dễ dàng hơn”, cô nói. “Tôi không bao giờ muốn trải qua tình huống này”, cô cho biết thêm.

Diana rất nhớ gia đình của mình, bởi vì mỗi lần về thăm đất nước, cô nhận ra mình thực sự có một gia đình lớn như thế nào. Tuy nhiên, cô vẫn phải thừa nhận rằng cô sẽ mất nhiều quyền riêng tư khi bị mọi người vây quanh liên tục. “Tôi tiếc nhất cho em gái mình, vì lớn lên ở châu Âu có sự khác biệt lớn so với Việt Nam. Vâng, hiện giờ họ có một gia đình lớn xung quanh mình và không cô đơn chút nào, vì vậy họ vẫn ổn. Tuy nhiên trong tương lai, điều này có thể sẽ không tốt đối với em gái tôi. Nhưng hãy để xem, biết đâu em ấy sẽ hạnh phúc ở đó và thậm chí sẽ không nhớ cuộc sống mà em đã trải qua đến năm 6 tuổi ở Cộng hòa Séc”, cô trầm ngâm.

Đối với người Việt, cô thích khả năng ứng biến, vui vẻ hoặc khiêm tốn của họ. “Nhưng tôi không thích khi họ rất chú trọng đến vật chất. Họ rất bận tâm đến việc những người khác phải nhìn mình tốt nhất có thể. Họ quan tâm đến loại xe mà họ lái và những bộ quần áo hàng hiệu mà họ mặc“, cô cho biết. Ở người Séc, cô rất thích khiếu hài hước mà nhiều người Việt không hiểu được. Ngược lại, cô không thích việc Séc sợ hãi trước những điều họ chưa biết.

Trong thời thơ ấu, cô đã phải nghe đến từ “čing čang čong” rất nhiều

“Hiện nay người Việt rất được yêu quý, nhưng tôi vẫn nhớ thời kỳ trước đây thì không được như vậy. Tôi nghĩ nó liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn, bởi vì so với người Hồi giáo, người Việt Nam có tình hình tốt hơn và thực sự không có vấn đề. Mọi người đã quen với chúng tôi và phát hiện ra rằng chúng tôi là hàng xóm và chúng tôi rất tốt. Tôi buồn, khi họ không cho người Hồi giáo cơ hội này.” Diana trầm ngâm.

“Khi một người có thể đến gần người Việt Nam, họ sẽ rất thân thiện và hào phóng. Họ thậm chí sẽ mời bạn về nhà của mình, cho bạn xem mọi thứ, mời bạn ăn uống và giới thiệu cho bạn biết nó đến từ đâu – ở Việt Nam, ẩm thực là một chủ đề lớn và mỗi ngôi làng nhỏ đều có đặc sản ẩm thực địa phương tự hào của mình”, Marta Lopatková, chuyên gia Việt Nam học.

Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, cô đã không tránh khỏi những lời chế giễu về ngoại hình và nguồn gốc của mình. “Tôi đã nghe từ ‘čing čang čong’ khá thường xuyên. Đây là những điều nhỏ nhặt, nhưng khi kết hợp lại sẽ khiến bạn cảm thấy tự ti. Khi còn nhỏ, tôi cảm thấy mình rất xấu xí, tôi muốn đẹp như người Séc. Tôi đã từng muốn có đôi mắt xanh, mái tóc vàng. Lý do cũng có lẽ là bởi vì tôi không có bất kỳ hình mẫu phụ nữ nào khi còn nhỏ. Tất cả các công chúa và barbies đều là người da trắng. Là người Việt Nam, tôi bắt đầu cảm thấy mình có lợi thế ở tuổi mười tám khi tôi ở Praha và cân bằng cuộc sống hơn. Môi trường của một thành phố lớn khá có ích cho cuộc sống của 1 cô gái Việt như tôi”, cô mô tả.

(Note của BBT: ‘čing čang čong’ không có nghĩa thực sự nào, nó chỉ là những từ bọn trẻ khi nghe người châu Á nói chuyện sẽ nhại ra mà tự hình thành rồi truyền đi theo từng thế hệ.)

“Trở về cội nguồn Việt Nam và chấp nhận nhiều hơn bản sắc Việt Nam là điều khá phổ biến ở giới trẻ Việt Nam ở lứa tuổi này, họ là những người đã đến Séc khi còn là một đứa trẻ hoặc được sinh ra ở đây. Họ thường dành cả tuổi thơ để cố gắng trở thành người Séc càng nhiều càng tốt, vì thường cũng giống như Diana, họ là người Việt Nam duy nhất trong lớp ở một thị trấn nhỏ. Sau đó, họ đến trường trung học ở một thành phố lớn hơn, nơi có nhiều người Việt Nam hơn. Hay sau khi đến một thành phố lớn khi học đại học, nơi họ bắt đầu coi trọng cội nguồn Việt Nam, tiếng Việt và hiểu rằng người Việt Nam là một nguồn năng lượng tích cực hoặc một lợi thế giống như Diana đã nói. Họ cũng thường quay lại sử dụng tên Việt Nam của mình ở trường trung học hoặc đại học. Còn khi ở trường tiểu học, mẫu giáo và thường là ở trường trung học, họ sử dụng tên tiếng Séc do giáo viên hoặc bảo mẫu của họ chọn”, Marta Lopatková, chuyên gia Việt Nam học.

Ảnh: Aktuálně

Khi bị chế nhạo, cô giá như mình có thể trở nên vô hình và biến mất càng nhanh càng tốt. “Nếu tình huống này xảy ra với tôi bây giờ, tôi không có vấn đề gì và có thể đáp trả lại. Nhưng đó là do sự tự tin, tôi đã từng rất thiếu tự tin về bản thân mà tôi thậm chí còn không nhận ra điều đó. Tôi đã không nói chuyện với bố mẹ tôi về những vấn đề này. Tôi đã không nói với họ rằng những đứa trẻ trên đường cười nhạo tôi vì tôi là người Việt Nam. Với “Malá”, tôi cũng muốn các bậc phụ huynh Séc nói với con cái của họ rằng bạn cùng lớp của họ có thể trông khác, nhưng đó không phải là lý do để chế giễu chúng”.

Hiện nay cô chủ yếu vẫn ưu tiên chủ đề giữa 2 nền văn hóa, ngôn ngữ và quốc tịch. “Tôi nghĩ rằng cả cuộc đời của mình, tôi sẽ phải vật lộn với thực tế là tôi đang sống trong hai nền văn hóa khác nhau. Nhưng đó là một lợi thế lớn, với tư cách là một đạo diễn, tôi rất vui khi được đảm nhận vị trí này“, cô thuyết phục.

Khi Diana mới 17 tuổi, lần đầu tiên cô suy nghĩ về việc cô thuộc về đâu. “Tôi biết rằng tôi không phải là người Séc, bởi vì tôi không giống như vậy, nhưng tôi cũng không cảm thấy tôi là người Việt”. Mặc dù cô không quan tâm liệu người khác coi cô là Séc-Việt hay người Việt-Séc, tuy nhiên tự gọi mình là người Séc khiến cô khó chịu.

“Trong bộ phim “Zrádci” cô đã đóng một vai diễn nhỏ, trong đó cô có nói lời thoại “Já vám rozumím, jsem Češka – Tôi hiểu bạn, tôi là người Séc”. Và khi tôi đọc cảnh đó, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ nói như vậy. Ví dụ, ở tuổi mười bảy, tôi tự hỏi liệu mình có hạnh phúc hơn không nếu tôi được sinh ra ở Việt Nam. Nhưng tôi đã đi đến kết luận rằng tôi rất biết ơn khi được hấp thụ bởi hai nền văn hóa khác nhau. Nó giúp tôi có một cái nhìn phong phú hơn về thế giới”, cô tuyên bố.

Cô bắt đầu quan tâm đến Việt Nam. “Tôi theo dõi 2 phòng trưng bày ở Sài Gòn, tôi bắt đầu theo dõi tình hình chính trị cách đây một năm rưỡi, khi các cuộc biểu tình bắt đầu và chế độ bắt giam các tù nhân chính trị. Nhưng tôi không đọc được tiếng Việt, đó là một vấn đề. Tôi xem thông tin từ BBC, nơi người Mỹ gốc Việt viết và theo dõi các nhà hoạt động của người trẻ“, cô nói.

Tuy nhiên, ở quê hương Séc của mình, cô rất tích cực quan tâm đến tình hình chính trị và không bao giờ quên đi bỏ phiếu và cô đã làm những việc mà nhiều người Việt tại tại Séc chưa làm khi là 1 dân tộc thiểu số tại Séc. “Kể từ khi tôi có quốc tịch Séc, tôi đã tham dự tất cả các cuộc bầu cử. Nó có vẻ quan trọng đối với tôi, bởi vì chúng tôi sống ở đây. Nhưng thế hệ người Việt Nam lớn tuổi không đi bỏ phiếu. Tôi cũng đi biểu tình. Tôi không phải là một nhà hoạt động, nhưng môi trường nghệ thuật đơn giản là có sự gắn bó hơn, điều đó ảnh hưởng đến tôi“, cô thừa nhận.

Nhờ học tập chăm chỉ, Diana đã nhận được các công việc thực tập ở Birmingham, Lyon hoặc Vienna. Cô cũng thừa nhận rất muốn được làm việc với các nhà làm phim nước ngoài trong tương lai. “Tham vọng của tôi là làm một bộ phim hoạt hình dài tập, nhưng điều này rất khó. Và hầu như không thể làm được điều đó nếu không có người nước ngoài hợp tác sản xuất. Với tư cách là một đạo diễn, nếu tôi muốn làm điều đó đối với tôi có nghĩa là, tôi sẽ phải đi rất nhiều nơi để giao tiếp với rất nhiều người“, cô giải thích. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc có lẽ sẽ mãi là quê hương của cô.

“Tôi không hài lòng về những nguyên tắc truyền thống của người phụ nữ Việt truyền thống”

Ảnh: Aktuálně

Tôi suy nghĩ như một người Séc, vì vậy tôi có vấn đề với vai trò là người phụ nữ Việt Nam truyền thống, người phụ nữ Việt phải luôn giúp đỡ chồng hoặc phải tôn trọng quan điểm của người lớn tuổi. Tôi không thể nhìn và thấu cảm về điều đó. Khi tôi về Việt Nam, tôi có thể đã để lại ấn tượng là một người thô lỗ“, cô thừa nhận và nói thêm rằng cô thậm chí không làm theo bất kỳ nguyên tắc truyền thống nào của phụ nữ Việt Nam. Và cô ấy cũng nghe được từ gia đình Việt Nam của mình phàn nàn rằng ở tuổi 26, cô vẫn chưa kết hôn và chưa có con.

Vào mùa hè năm ngoái khi tôi về Việt Nam, tôi nói rằng tôi có thể sẽ học lên bằng tiến sĩ. Họ đã nói với tôi rằng đừng có viển vông, tôi đã học quá nhiều rồi. Điều này khiến tôi thấy hơi buồn cười, bởi vì nó đối lập với cách bạn đã được nuôi dạy suốt cuộc đời. Là một phụ nữ, tôi nên cảm thấy đủ với trình độ giáo dục như bây giờ“, Diana nói.

“Nếu một cô gái muốn thi bằng tiến sĩ, từ cách nhìn của họ rất khó hiểu. Tuy nhiên điều này là vấn đề đối với nhiều bậc cha mẹ người Séc, chẳng hạn, nếu đó là một lĩnh vực nhân văn mà cha mẹ không thấy có nhiều ý nghĩa. Chắc hẳn sẽ có những ông bố bà mẹ Việt sẽ rất vui nếu con gái mình học tiến sĩ. Ở Việt Nam, các cô gái thường lấy chồng sớm hơn ở đây. Ở đây cũng vậy, các cô gái Việt Nam thường bị bố mẹ thúc ép phải học nhanh để lấy chồng”, Marta Lopatková, chuyên gia Việt Nam học.

Và cách nhìn này khiến cô rất khó chịu. “Từ những gì tôi thấy, tôi cảm giác môi trường Việt Nam rất bất bình đẳng. Trong gia đình của tôi, tôi chỉ nhìn thấy những người nội trợ và đó chính là số phận của họ. Những người cô, người bà của tôi có thể đã tự chọn con đường này, nhưng tôi nghĩ mọi phụ nữ nên có cơ hội như đàn ông và được lựa chọn. Và tôi không chắc điều này có thể xảy ra ở Việt Nam hay không“, cô suy nghĩ.

“Tại Việt Nam quyền của phụ nữ và sự giải phóng ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong những năm gần đây tuy nhiên, ví dụ, chăm sóc gia đình vẫn được coi là công việc của phụ nữ. Thông thường, phụ nữ có công việc làm toàn thời gian và chăm sóc gia đình và con cái khi họ đi làm về. Để người phụ nữ chỉ làm nội trợ, không đi làm, thì gia đình của họ phải có điều kiện và việc này không phải là chuyện khá phổ biến. Việc phân chia vai trò vẫn còn khá truyền thống ở Việt Nam, mặc dù tình hình đang dần thay đổi.” Marta, Lopatková, chuyên gia Việt Nam học.

Diana muốn ở lại Cộng hòa Séc cũng vì khi còn nhỏ, cô ấy đã thiếu sự chăm sóc bao bọc của cha mẹ. “Họ không thể nói với tôi, ‘Người thân của chúng ta sẽ chữa lành mọi vết thương cho con’, hoặc đại loại như vậy. Họ đã ở đây vì chính họ, họ bắt đầu từ con số không, điều mà tôi thực sự ngưỡng mộ ở họ. Nhưng tôi muốn có nền tảng cơ bản và đó là lý do tại sao tôi muốn ở lại đây“, cô kết luận.

(BBT TamdaMedia)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil