Trong xã hội Séc, nhiều người vẫn cho rằng một người bình thường không thể trở thành người vô gia cư chỉ trong chốc lát. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Dữ liệu cho thấy rằng trên đường phố có cả những người từng có công việc ổn định, học vấn và gia đình.
Nguyên nhân chính khiến họ rơi vào cảnh vô gia cư thường là do nghiện rượu hoặc ma túy. Theo các chuyên gia, một khi ai đó đã rơi vào hoàn cảnh sống trên đường phố, việc quay trở lại cuộc sống bình thường là vô cùng khó khăn.
Như ông Jiří và Martin đều có điểm chung là cuộc sống trên đường phố. Hai người thừa nhận rằng, ban đầu họ đều có một cuộc sống sung túc. Nhưng rồi một người nghiện rượu, người kia nghiện ma túy. Giờ đây, con đường họ đi hoàn toàn khác biệt.
Ông Jiří Macháček, gần 50 tuổi, đang chiến đấu để trở lại cuộc sống bình thường. Trước khi thành người vô gia cư, ông từng là đồng sở hữu công ty xây dựng, có vợ con. Nhưng vấn đề với rượu đã biến ông thành kẻ lang thang.
Ông tự chia sẻ: "Con người trở nên chai lì, rồi cứ thế ra trước nhà thờ ngửa tay xin ăn. Dần quen với ánh mắt khinh bỉ khi móc móc xới rác. Trước bóng hồng xinh đẹp ở trạm xe, thì vẫn lụi cụi nhặt mẩu thuốc lá thừa".
Ông Jiří phải mất nhiều năm để thoát khỏi cuộc sống đường phố. Ông đã trải qua quá trình cai nghiện rượu và hiện đang sống tại trại tị nạn, bắt đầu đi làm trở lại. "Có thể nói đây là lần khởi động lại, là sự tái sinh của tôi", ông chia sẻ thêm.
Ông Pavel Král, chủ lao động của ông Jiří, nhận xét: "Tôi làm việc với tổ chức từ thiện nhiều năm, thỉnh thoảng họ vẫn liên hệ hỏi xem có cần thêm nhân công không. Jiří là người đáng tin cậy và chăm chỉ."
Ngược lại ông Martin Šoul 41 tuổi đã sống lang thang gần 4 năm và dường như không có ý định thay đổi. Cùng điểm xuất phát là nghiện ngập, nhưng ông Martin là nghiện ma túy. "Bố mẹ tôi sống trong biệt thự. Khi tôi không còn gì, tôi lại trộm đồ của họ", ông Martin thừa nhận.
“Con người có thể rơi vào cảnh sống trên đường phố chỉ sau một đêm – mất việc, mất nhà, không có gì để ăn. Điều tồi tệ nhất là khi bạn sống ngoài đường, bạn luôn mang theo hàng đống thứ – túi xách, sách vở. Rồi bạn ngủ quên đâu đó, và sáng hôm sau bạn không còn gì cả,” ông Martin mô tả một cách chân thực và nghiệt ngã về thế giới của những người sống lang thang.
Dù trong quá trình ghi hình ông Martin đã bật khóc khi nói về hoàn cảnh của mình, nhưng theo lời kể, ông vẫn phần nào thấy thoải mái với sự tự do mà cuộc sống trên đường phố mang lại. Trợ lý cảnh sát thành phố Plzeň, người thường xuyên chăm sóc cho những người vô gia cư, ông Roman Nikodém nhận xét: "Ông ấy chưa thực sự muốn rời khỏi đường phố, hiện tại chưa có khao khát mạnh mẽ".
Tuy nhiên, những người như Jiří hay Martin không phải là cá biệt – ở Séc hiện có hàng nghìn người rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đồng thời có thêm hàng chục nghìn người khác sống trong tình trạng bấp bênh, thường phải qua đêm ở nơi tạm bợ như gara ô tô. Theo các chuyên gia, có tới 30% người dân Séc đang đối mặt với nguy cơ mất nơi ở. Do chi phí nhà ở tăng cao và thu nhập thấp, nhiều gia đình, người già và thanh niên rơi vào tình trạng mà sau khi trả tiền thuê nhà, họ không còn đủ tiền để trang trải những nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Theo TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này