Những nước châu Âu vượt sóng gió nhờ trung lập
Tin nổi bật, Tin nóng, Tin thế giới
author07/04/2022 11:03

Mô hình trung lập, không liên minh với bất cứ khối quân sự đã được một số nước châu Âu áp dụng để vượt qua sóng gió thời Chiến tranh Lạnh.

Khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, Ukraine từng cam kết trở thành quốc gia “trung lập vĩnh viễn”, không tham gia bất cứ khối quân sự nào. Tuy nhiên, sau phong trào Euromaidan lật đổ cựu tổng thống Viktor Yanukovych năm 2014, Kiev lại quyết định từ bỏ trạng thái này.

Quốc hội Ukraine năm 2019 thay đổi hiến pháp, bổ sung điều khoản quy định Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO và EU. Bước ngoặt này đẩy quan hệ Ukraine và Nga leo thang căng thẳng suốt nhiều năm qua, khi Điện Kremlin nhiều lần cảnh báo không chấp nhận NATO triển khai lực lượng, căn cứ trên lãnh thổ nước láng giềng. Đây được coi là một trong những nguyên nhân Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời họp báo tại Kiev ngày 12/3. Ảnh: Reuters.

Sau hơn một tháng chiến sự với Nga, tại bàn đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3, giới chức Kiev thông báo Ukraine sẵn sàng trở lại trung lập, chấp nhận từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, nếu Nga đồng ý rút quân và Ukraine nhận được những đảm bảo an ninh phù hợp từ phương Tây. Để hiện thực hóa cam kết này, chính phủ tại Kiev cần điều chỉnh hiến pháp hoặc tổ chức trưng cầu dân ý.

Giới quan sát cho rằng chính sách trung lập như vậy không mấy xa lạ ở châu Âu, đặc biệt trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, khi cạnh tranh giữa các siêu cường lên đến đỉnh điểm.

Theo Ulrika Moller, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Gothenburg của Thụy Điển, trung lập là công cụ để nước nhỏ bảo vệ toàn vẹn chính trị trước những láng giềng lớn hoặc cường quốc khu vực. Họ chấp nhận từ bỏ một số chính sách đối ngoại nhất định, đổi lại các nước khác sẽ đồng ý không tấn công họ.

Áo, Thụy Điển và Phần Lan là ba hình mẫu trung lập tại châu Âu được nhắc đến nhiều trong thời gian qua như giải pháp cho Ukraine. Ngoài ra, châu Âu còn một số nước khác giữ chính sách đối ngoại trung lập hoặc không liên kết quân sự như Ireland, Malta và Thụy Sĩ.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp phái đoàn Nga và Ukraine tại cung điện Dolmabahce ở Istanbul hôm nay. Ảnh: Reuters.

Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến năm 1939 từng khiến hơn 80.000 quân nhân nước này thiệt mạng. Cuộc chiến mùa đông 1939 được châm ngòi từ những tính toán an ninh địa chính trị trong Thế chiến II và mâu thuẫn mang tính lịch sử giữa hai bên.

Theo chuyên gia lịch sử Maurice Carrez thuộc Viện Khoa học Strassbourg của Pháp, tính trung lập của Phần Lan thực chất do hoàn cảnh ép buộc, khi họ phải tồn tại sát siêu cường. Xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu này duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu.

Tuy nhiên, tính trung lập này cũng là yếu tố quan trọng để Phần Lan không bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh cường quốc, trong khi tập trung phát triển mô hình dân chủ nghị viện và kinh tế thị trường kiểu phương Tây, theo Markku Kangaspuro, giáo sư nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Đại học Helsinki.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995. Tuy nhiên, nước này vẫn kiên trì chính sách trung lập về quân sự, khi kiên quyết từ chối gia nhập NATO.
Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO, nhưng không trở thành thành viên chính thức của khối này.

Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua. Trước khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, lần gần nhất Thụy Điển gửi viện trợ vũ khí ra nước ngoài là năm 1939, khi xung đột biên giới Phần Lan – Liên Xô xảy ra.

Chính sách trung lập của Thụy Điển dựa trên truyền thống thay vì hiệp ước quốc tế, được tuyên bố chính thức từ năm 1834. Họ từng cho phép quân đội Đức quốc xã di chuyển qua lãnh thổ đến mặt trận Phần Lan – Liên Xô vào năm 1941, nhưng đồng thời bảo vệ người tị nạn trước chủ nghĩa phát xít suốt Thế chiến II. Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, Thụy Điển chọn duy trì tình trạng trung lập giữa ảnh hưởng của hai siêu cường, dù an ninh quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng của Phần Lan và chính sách của Liên Xô đối với nước này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng đề cập mô hình trung lập của Thụy Điển hoặc Áo là lựa chọn khả thi cho tương lai của Ukraine. Sau Thế chiến II, khối Đồng minh (Pháp, Anh, Mỹ và Liên Xô) duy trì lực lượng đóng quân và giải giáp tại Áo. Để chấm dứt tình trạng quân đội nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ, nước này chấp nhận tuyên bố trung lập.

Ngày 26/10/1955, khi những người lính nước ngoài cuối cùng rút đi, Áo chính thức bổ sung cam kết trung lập vào hiến pháp. Nước này tuyên bố không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không chọn phe trong mọi cuộc chiến trong tương lai và không cho phép bất kỳ nước nào thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ.

Trung lập là sự đánh đổi của Áo để chấm dứt 10 năm lực lượng nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ. Tuy nhiên, theo thời gian, trung lập trở thành một phần “danh tính chính trị” quốc gia, tương tự như truyền thống trung lập tại Thụy Điển.

Theo Peter Ruggenthaler, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Hệ lụy Chiến tranh Ludwig Boltzmann của Áo, các đảng chính trị nước này phần lớn không mặn mà với ý tưởng gia nhập NATO. Đa số người dân Áo cũng phản đối mỗi khi đề xuất này được mang ra thảo luận trước công chúng.
Quân nhân Thụy Sĩ trong một cuộc huấn luyện vào tháng 6/2020. Ảnh: Swiss Info.

Thụy Sĩ là trường hợp trung lập lâu đời nhất châu Âu với lịch sử hơn ba thế kỷ, mở đầu với hiệp ước hòa bình Westphalia năm 1640 và các cường quốc châu Âu công nhận nền độc lập của nước này.

Pháp từng chiếm đóng một phần lãnh thổ Thụy Sĩ từ năm 1789. Sau khi chiến tranh Napoleon kết thúc, các cường quốc châu Âu năm 1815 thống nhất khôi phục Thụy Sĩ độc lập và cam kết tôn trọng tính trung lập của nước này.

Cam kết trung lập của Thụy Sĩ đã giúp nước này tránh được số phận trở thành chiến trường giữa hai cường quốc Đức và Pháp trong cả hai cuộc thế chiến. Khi bước vào kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, tính trung lập của Thụy Sĩ tiếp tục được tôn trọng bởi cả hai khối đối đầu về ý thức hệ do Mỹ và Liên Xô lãnh đạo.

Ireland chuyển chính sách sang trung lập vào Thế chiến II. Năm 1949, nước này được NATO mời gia nhập nhưng quyết định từ chối vì không muốn đứng chung liên minh với Anh vì vấn đề Bắc Ireland. Chính phủ ở Dublin đặt điều kiện tái thống nhất hòn đảo và Anh phải trao trả Bắc Ireland, nhưng phía London không chấp nhận.

Trên thực tế, Ireland trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh vẫn liên kết với phương Tây về mặt chính trị. Nước này chỉ duy trì trung lập về quân sự, nhưng không quy định cụ thể trong hệ thống luật pháp quốc gia.

Hiến pháp Ireland chỉ khẳng định nước này cam kết “hòa bình và hợp tác hữu nghị” dựa trên “công lý và đạo đức quốc tế”, không đề cập khái niệm trung lập và những điều kiện phổ biến như hiến pháp Áo. Tuy nhiên, vì Anh kiểm soát Bắc Ireland, NATO vẫn có khả năng triển khai lực lượng can thiệp trong trường hợp hòn đảo bị tấn công quân sự.

Theo Anatol Lieven, chuyên gia cấp cao Viện Quincy về Kỹ năng Quản lý nhà nước Có trách nhiệm tại Mỹ, lịch sử hiện đại ở châu Âu cho thấy các nước trong khu vực ý thức rõ hơn về hậu quả đối đầu giữa các cường quốc, khác với giới hoạch định chính sách đối ngoại và an ninh Mỹ, vốn luôn được an toàn về mặt địa lý.

“Nếu có đủ sự đảm bảo, trung lập sẽ có lợi cho quốc gia. Một trong những đảm bảo thiết thực là nước đó được tự do phát triển thị trường, với những minh chứng là Phần Lan và Thụy Điển trong Chiến tranh Lạnh”, Lieven nhận định, lưu ý cả hai nước từng cam kết không tham gia NATO lẫn khối Warsaw của Liên Xô nhưng mức thịnh vượng không thua kém Tây Âu.

Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cũng thừa nhận nước ông có thể không giữ được chủ quyền nếu không tự tuyên bố trung lập. “Không gian an ninh chính trị và quyết sách đối ngoại của Phần Lan bị hạn chế trong Chiến tranh Lạnh. Dĩ nhiên chúng tôi phải chịu rất nhiều gò bó, nhưng chúng tôi buộc phải xử trí khôn khéo”, ông chia sẻ.

Johanna Rainio-Niemi, sử gia Đại học Helsinki của Phần Lan, cũng đánh giá trung lập là “mô hình lý tưởng cho nhiều quốc gia trong thế kỷ 20” vì nó thường gắn liền với hòa bình và thịnh vượng. Trong tình hình quốc tế nhiều biến động hiện nay, khi cạnh tranh giữa các cường quốc tăng nhiệt, mô hình này vẫn còn nguyên giá trị.

“Trung lập sẽ luôn thành công nếu thỏa mãn lợi ích của mọi bên liên quan, hoặc ít nhất bên trung lập không là mối đe dọa sống còn đối với bất kỳ bên nào”, Pascal Lottaz, chuyên gia tại Đại học Waseda của Nhật Bản, nhận định. “Nếu xung đột quốc tế còn tồn tại, mô hình trung lập vẫn có tương lai. Vấn đề là chúng ta sẽ vận dụng nó như thế nào để đảm bảo hòa bình”.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil