Mùa nghỉ hè đang được các đối tượng tội phạm mạng và hacker tận dụng triệt để, khi chúng nhắm vào sự mất cảnh giác của du khách. Chúng tạo ra các trang web giả mạo của khách sạn, lợi dụng các nền tảng đặt phòng hoặc gửi email giả mạo về các khoản “thiếu thanh toán”. Mỗi năm có hơn 5,5 triệu người Séc đi du lịch nước ngoài, nhiều người trong số đó không sử dụng dịch vụ của công ty du lịch – và đây chính là nhóm đối tượng mà bọn lừa đảo nhắm tới.

Chỉ vài cú nhấp chuột, giấc mơ kỳ nghỉ tan biến cùng số tiền tiết kiệm. Số lượng các trang đặt phòng giả mạo đang gia tăng, điều này cũng được xác nhận bởi chuyên gia phân tích CNTT từ công ty ESET – ông Jakub Souček, người đã hợp tác với cảnh sát để điều tra các vụ lừa đảo. “Mỗi tháng có từ hàng chục đến hàng trăm người dùng gặp phải các tình huống này. Ở Cộng hòa Séc, đây là kiểu tấn công có tính chất mùa vụ. Năm ngoái số lượng tăng đột biến vào hè và điều tương tự có thể xảy ra năm nay,” ông Souček cho biết.
Tội phạm mạng sử dụng các trang web giả để gửi yêu cầu thanh toán gấp cho người đặt phòng. “Khi tiếp cận được tài khoản của công ty cho thuê phòng, bọn chúng có thể xem được danh sách khách hàng đã đặt và cả thông tin cá nhân của họ,” ông Souček giải thích.
Các chuyên gia khuyên nên kiểm tra địa chỉ web – có sự khác biệt rõ ràng giữa địa chỉ chính thức như “booking.com” và các trang giả mạo có địa chỉ lạ.
Một dạng lừa đảo khác là email giả danh thông báo "thiếu thanh toán"
Cảnh sát Cộng hòa Séc cảnh báo rằng bọn tội phạm còn gửi email yêu cầu thanh toán phần còn thiếu cho kỳ nghỉ – dù bạn đã thanh toán đầy đủ trên nền tảng đặt phòng chính thống. “Sau khi thanh toán, có thể bạn sẽ nhận được thông báo yêu cầu nạp thêm tiền – nhưng lần này không phải từ nền tảng đặt phòng, mà từ bọn lừa đảo,” phát ngôn viên cảnh sát trung ương Ondřej Moravčík cho hay. Cách phòng tránh tốt nhất là liên hệ trực tiếp với nơi lưu trú, lý tưởng là qua điện thoại.
Một hình thức giả mạo cũng xuất hiện dưới dạng thông tin sai lệch về hành lý bị thất lạc – với tuyên bố rằng sân bay Praha đang “bán lại” hành lý thất lạc. “Trên Facebook và Instagram xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo tự xưng là Sân bay Praha. Đây hoàn toàn là bịa đặt – chúng tôi không bán hành lý bị thất lạc,” phát ngôn viên sân bay Praha – bà Denisa Hejtmánková khẳng định.
Khách hàng của các công ty du lịch cũng cần cảnh giác
Ở Séc hiện có hơn 600 công ty du lịch. “Nếu người dân chuyển tiền cho các tổ chức hoạt động trái phép, họ có nguy cơ mất tiền hoặc gặp khó khăn khi trở về từ kỳ nghỉ,” cố vấn của Bộ trưởng Bộ Phát triển vùng – ông Stanislav Zima (Piráti) cảnh báo.
Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên kiểm tra xem công ty du lịch có giấy phép hoạt động và bảo hiểm chống phá sản hay không. Danh sách đầy đủ có thể được tra cứu trên website của Bộ Phát triển vùng.
(Theo CT
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này