Thế giới sắp đạt thỏa thuận chống né thuế toàn cầu
KINH TẾ, Kinh tế thế giới
author08/10/2021 09:40

Gần 140 nước nhất trí với thỏa thuận áp mức thuế tối thiểu 15% nhằm chấm dứt tình trạng doanh nghiệp toàn cầu lợi dụng các thiên đường thuế.

Các nhà đàm phán của những nước này ngày 7/10 bày tỏ sẵn sàng đồng ý với mức thuế trên, trước thềm cuộc họp hôm nay của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tổ chức điều phối các cuộc đàm phán về thuế toàn cầu. Mức thuế 15% này là vấn đề đã được các bên đàm phán căng thẳng trong nhiều tháng qua.

Nếu được ban hành, thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc đua giảm thuế doanh nghiệp trong hàng thập kỷ, vốn cho phép các thiên đường thuế phát triển mạnh và làm thất thoát nguồn thu của nhiều quốc gia khác.

Chính phủ các nước đã thảo luận về thỏa thuận áp thuế toàn cầu này trong nhiều năm. Các cuộc đàm phán đạt được tiến bộ trong năm nay, khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang thay đổi mức áp thuế doanh nghiệp trong nước.

Trụ sở OECD tại thủ đô Paris, Pháp tháng 9/2009. Ảnh: Reuters.


Theo thỏa thuận mới, ngoài mức thuế tối thiểu 15%, các quốc gia cũng sẽ áp quy tắc mới buộc các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Amazon, Facebook cùng những doanh nghiệp toàn cầu lớn khác phải nộp thuế ở các quốc gia nơi họ bán hàng hóa hoặc dịch vụ, ngay cả khi họ không có trụ sở hoặc đại diện tại đó.

Sau nhiều tranh cãi, các quốc gia như Ireland, Estonia và Hungary gần đây chịu áp lực rất lớn trong việc đồng ý với thỏa thuận này, vốn cần được 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận.

Sau nhiều tuần đàm phán gay gắt cùng áp lực từ phía Mỹ và Pháp, Ireland cho biết họ sẵn sàng chấp nhận mức thuế tối thiểu 15%. Thủ tướng Michael Martin cho biết mức thuế này sẽ chỉ áp dụng với các doanh nghiệp đa quốc gia khổng lồ như Facebook và Apple khi hoạt động tại Ireland, song không áp dụng với các công ty trong nước.

Ireland áp mức thuế doanh nghiệp 12,5%, hệ thống thuế của nước này giúp các công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại đây tránh phải trả thuế tại các nước khác nơi họ thu lợi nhuận. Điều này giúp đưa hàng tỷ USD vào kho bạc của Ireland và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.

Pascal Donohoe, Bộ trưởng Tài chính Ireland, cho biết các công ty nhỏ trong nước với doanh thu hàng năm dưới 867 triệu USD sẽ được miễn đóng mức thuế cao hơn. Khoảng 160.000 doanh nghiệp Ireland thuộc diện này.

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann ngày 7/10 thông báo trên Twitter rằng Estonia đã đồng ý với mức thuế 15%.

Trụ sở Google tại thủ đô Dublin. Ireland ngày 4/10. Ảnh: NY Times.


Các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết dù thỏa thuận về mức thuế 15% cơ bản đã xong, một số quốc gia lớn nhất thế giới tiếp tục đấu tranh để được miễn trừ nhằm giảm tác động với mô hình kinh tế lâu đời, vốn thu hút đầu tư và tạo thêm công ăn việc làm.

Bất chấp thỏa thuận áp thuế toàn cầu ngày càng được ủng hộ, nhiều người lo lắng về cách các nước thực thi và liệu nó có được ban hành thống nhất trên toàn thế giới hay không.

Ấn Độ, Trung Quốc, Estonia và Ba Lan cho biết việc áp mức thuế tối thiểu 15% có thể làm tổn hại đến khả năng thu hút đầu tư của họ. Trung Quốc từ lâu sử dụng các đặc khu kinh tế với thuế suất thấp để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế.

Mỹ là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận, song cũng đối mặt thách thức trong đảm bảo cam kết của chính quyền Biden được quốc hội chấp thuận.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil