Thủ tướng Australia từ chối gặp tân đại sứ Trung Quốc
Tin thế giới
author28/03/2022 12:09

Thủ tướng Australia Morrison đã từ chối gặp tân đại sứ Trung Quốc ở nước này với lý do Bắc Kinh đình chỉ đối thoại cấp bộ trưởng giữa hai nước.

Truyền thông Australia tuần trước đưa tin Thủ tướng Scott Morrison đã từ chối yêu cầu chính thức về tổ chức cuộc gặp với tân đại sứ Trung Quốc Tiêu Thiên hồi đầu tháng này, trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng vì nhiều vấn đề.

“Tôi cho rằng đó là phản ứng hoàn toàn tương xứng chừng nào Trung Quốc còn từ chối đối thoại với các bộ trưởng và Thủ tướng Australia”, ông Morrison giải thích quyết định của mình với các phóng viên hôm 26/3. “Đồng ý gặp đại sứ sẽ là minh chứng cho sự nhu nhược và tôi có thể đảm bảo với tư cách thủ tướng rằng đó là thông điệp tôi không muốn gửi tới Trung Quốc”.

Theo ông, với việc Trung Quốc từ chối tiếp xúc cấp bộ trưởng, “người dân Australia sẽ thấy rất không thích hợp khi tôi tham gia đối thoại với một đại sứ”.

Thủ tướng Australia Scott Morrison trả lời truyền thông tại thành phố Perth hôm 27/3. Ảnh: Reuters.

Tân đại sứ Tiêu Thiên, người đến Australia từ tháng một, cuối cùng hội đàm với Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm 9/3. Cuộc gặp không dẫn đến bất kỳ đột phá ngoại giao nào, nhưng là cuộc gặp cấp cao nhất giữa quan chức hai nước trong gần hai năm.

“Australia đã đối xử với Trung Quốc như kẻ thù. Australia phải quyết định là thù hay là bạn của Trung Quốc”, đại sứ Tiêu Thiên chuyển thông điệp từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới giới chức Australia trong cuộc gặp với các đại diện khu vực tư nhân gần đây.

Đây có thể sẽ là một quyết định phức tạp đối với Canberra, đặc biệt khi dự thảo thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon bị rò rỉ gần đây cho thấy Bắc Kinh có thể thiết lập căn cứ hải quân ở khu vực châu Đại Dương. Ông Morrison gọi động thái này là “mối lo ngại lớn của đại gia đình Thái Bình Dương”.

Australia duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ ở Quần đảo Solomon, cung cấp cho quốc đảo này viện trợ tài chính và an ninh. Quân đội và cảnh sát Australia sẽ ở lại nước này đến tháng 12/2023 sau khi được triển khai năm 2019 để giúp dập tắt các cuộc bạo động bắt nguồn từ việc chính phủ cắt quan hệ với đảo Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc đại lục.

Quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh trở nên lạnh nhạt từ khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 vào năm 2020. Hai nước đã không liên lạc cấp bộ trưởng từ tháng 4/2020. Trung Quốc cũng áp mức thuế cao với nhiều mặt hàng Australia xuất khẩu như rượu, lúa mạch, thịt bò, than đá và hải sản. Australia gọi đây là động thái “cưỡng bức kinh tế”.

Hồi tháng 9/2021, Australia tham gia thỏa thuận an ninh mới với Mỹ và Anh có tên AUKUS. Đây được coi là nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton tin rằng Australia sẽ có tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trước năm 2038. Trong khi đó, Bắc Kinh gọi thỏa thuận là mối đe dọa với hòa bình thế giới.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil