Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói dân tộc Việt Nam có truyền thống "nhiều bạn thì tốt, giàu vì bạn". Đến nay Việt Nam đã có mạng lưới 12 đối tác chiến lược toàn diện, cũng là 12 nền kinh tế tốp đầu thế giới và khu vực ASEAN.

Việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 đối tác đã giúp Việt Nam có một mạng lưới quan hệ sâu sắc về nội hàm và rộng lớn về địa lý.
Các lợi ích của Việt Nam
12 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam bao gồm: các đối tác truyền thống (Nga, Ấn Độ), láng giềng và trong khu vực (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trung tâm quyền lực hàng đầu của thế giới (Mỹ), quốc gia quan trọng ở châu Âu (Pháp), các đối tác quan trọng khác ở châu Đại Dương (Úc, New Zealand) và gần đây nhất là ba quốc gia thành viên ASEAN (Malaysia, Indonesia, Singapore).
Về mặt chính sách, quyết định nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 đối tác trên nhằm gia tăng mức độ tin cậy và đan xen lợi ích chiến lược với các đối tác thông qua việc tăng cường trao đổi thực chất ở cấp cao, tạo cho đối tác sự gắn kết lợi ích lâu dài ở Việt Nam về kinh tế, đầu tư, thông qua các dự án đầu tư lớn, tuổi thọ dự án dài...
Đồng thời việc nâng cấp cũng giúp tăng cường đầu tư vào các đối tác để các đối tác thấy rõ mức độ gia tăng gắn kết lợi ích từ cả hai bên.
Trên thực tế, so với các nước trong khu vực, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á có mạng lưới đối tác chiến lược toàn diện đa dạng và sâu rộng.
Hầu hết các đối tác đều là các nước thành viên G20 với vai trò dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu, trong đó có 4/5 đối tác là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp). Việc đồng thời duy trì quan hệ chiến lược toàn diện với cả Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... khẳng định vị thế, vai trò và bản lĩnh đối ngoại của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.
Mặt khác trong số đó có những nước còn đang có mối quan hệ cạnh tranh, thậm chí đối đầu nhau (Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Nhật - Trung...).
Việc Việt Nam duy trì quan hệ ở mức cao nhất với tất cả đối tác trên thể hiện chủ trương coi trọng quan hệ với các nước lớn và ưu tiên xử lý hài hòa quan hệ với những nước này để hóa giải từ sớm, từ xa các tác động bất lợi từ cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời tranh thủ khai thác tiềm lực kinh tế, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế của ta với các cường quốc thế giới.
"Ràng buộc mềm", "sức mạnh mềm"
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc với nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định; các cường quốc vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để đảm bảo lợi ích và vị thế của mình, 12 cặp quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Thứ nhất, các cơ chế hợp tác này giúp mở rộng không gian phát triển và gia tăng nội lực, giúp tạo nên sức mạnh tổng hợp cho đất nước.
Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam cần nguồn lực chất lượng cao, vốn, công nghệ, nhân lực để thực hiện các mục tiêu phát triển. Các đối tác chiến lược toàn diện hiện nay chiếm khoảng 70% tổng giá trị thương mại và trên 80% tổng đầu tư FDI vào Việt Nam (số liệu từ Bộ KH&ĐT, 2023).
Việc duy trì và nâng cấp các khuôn khổ hợp tác với các đối tác này giúp Việt Nam tạo khuôn khổ hợp tác thực chất hơn, có chiều sâu hơn nhằm kết hợp toàn diện sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, củng cố bền chặt mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực thông qua việc tiếp cận công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - những yếu tố là điều kiện tiên quyết để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển và vươn mình.
Đây cũng là định hướng chính để phát huy vai trò ngày càng chủ động hướng tới dẫn dắt và từng bước định hình môi trường đối ngoại.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với đối tác cũng có ý nghĩa chiến lược về mặt an ninh để tạo vành đai hòa bình, ổn định, tránh bị động, bất ngờ trước các biến động địa - chiến lược luôn tiềm tàng sẵn nguy cơ bùng phát. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tạo ra mạng lưới lợi ích đan xen sâu rộng từ đầu tư, thương mại, an ninh mạng, quốc phòng, đến văn hóa - giáo dục.
Đây là cơ chế "ràng buộc mềm" và cũng là "sức mạnh mềm" hiệu quả, khiến các đối tác có thêm động lực giữ gìn ổn định, tránh gây tổn hại đến quan hệ song phương. Đến khi lợi ích hai bên đạt đến độ đan xen bền chặt ở nhiều tầng nấc, khả năng xung đột giảm đi, tính ổn định tăng lên, hai nước sẽ bảo đảm được điều kiện thuận lợi để bảo vệ độc lập, chủ quyền và không gian phát triển.
Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử để bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng vươn lên thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, đối ngoại cần tiếp tục phát huy vai trò trọng yếu, thường xuyên tạo dựng môi trường hòa bình, tranh thủ nguồn lực phục vụ phát triển.
Với Mỹ, ưu tiên chuyển dịch hợp tác sang lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển năng lượng tái tạo. Với Trung Quốc, tăng cường kết nối hạ tầng, quản lý và phát triển kinh tế vùng biên giới, duy trì ổn định ở Biển Đông.
Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, mở rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, y tế và phát triển bền vững. Với Ấn Độ, Nga, Pháp, tăng cường hợp tác quốc phòng, năng lượng và văn hóa. Với Malaysia, Indonesia và Singapore, nâng cao đoàn kết nội khối, thúc đẩy tiếng nói và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã đi được một hành trình đáng tự hào từ chấm dứt chiến tranh, non sông thống nhất đến xây dựng, phát triển đất nước và từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng trên cả bình diện song phương và đa phương.
Nỗ lực biến cựu thù thành đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam đã trở thành hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh và là một minh chứng thuyết phục cho tinh thần hòa hiếu, "thêm bạn, bớt thù", "sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước".
Từ đó càng khẳng định sức mạnh của hợp tác và vai trò của ngoại giao trong việc thúc đẩy đối thoại, giải quyết các tranh chấp, xung đột và kiến tạo hòa bình cho phát triển trên thế giới hiện nay.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này