Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi cụm Sinh Tồn
Tin Việt Nam
author04/11/2021 10:43

Bộ Ngoại giao yêu cầu tàu Trung Quốc chấm dứt hoạt động ở lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

“Các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.

Phát biểu được bà Phạm Thu Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi của VnExpress về phản ứng của Việt Nam với thông tin gần 150 tàu nghi thuộc dân quân biển Trung Quốc hiện diện ở cụm Sinh Tồn của Việt Nam, sau nhiều tháng tản ra các thực thể xung quanh.

Ảnh vệ tinh chụp khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 17/10. Ảnh: AMTI.
Ảnh vệ tinh chụp khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 17/10. Ảnh: AMTI.

Phó phát ngôn viên khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình theo quy định của UNCLOS.

“Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những quyền hợp pháp và chính đáng đó”, bà Hằng nói.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) gần đây công bố ảnh vệ tinh chụp ngày 17/10 cho thấy đội tàu Trung Quốc quay trở lại khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây được cho là những tàu Trung Quốc từng neo đậu trái phép trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông từ ngày 7/3, bật đèn suốt đêm và không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi. Tới cuối tháng 3, sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, nhóm tàu Trung Quốc rời khỏi bãi Ba Đầu, tản đi các thực thể khắp Trường Sa, một số tới đá Khúc Giác cũng thuộc chủ quyền Việt Nam cách đó khoảng 200 km.

AMTI cho biết từ đầu tháng 8, khoảng 40 tàu Trung Quốc bắt đầu quay lại khu vực phía bắc cụm Sinh Tồn, bao gồm bãi Ba Đầu. Đến tháng 9, đội tàu Trung Quốc ở cụm Sinh Tồn tăng lên hơn 100 chiếc và tiếp tục tăng lên 150 chiếc một tháng sau đó.

Các tàu Trung Quốc rải đều ở khu vực phía bắc cụm Sinh Tồn, một số quay lại neo đậu ở khu vực bãi Ba Đầu. AMTI cho rằng đội tàu Trung Quốc kéo từ bãi Khúc Giác tới bãi Ba Đầu cho thấy dân quân biển Trung Quốc không có ý định rời khỏi Trường Sa.

Vị trí đảo Sinh Tồn Đông (khoanh đỏ) thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa. Đồ họa: Wikipedia/RobertJordan.
Vị trí đảo Sinh Tồn Đông (khoanh đỏ) thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa. Đồ họa: Wikipedia/RobertJordan.

Philippines, bên nêu yêu sách chủ quyền với cụm Sinh Tồn, hồi tháng 3 cáo buộc nhóm tàu Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu “do dân quân biển điều khiển”. Một trợ lý cấp cao của Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 4 cảnh báo sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại khu vực có thể gây ra “hành động thù địch ngoài ý muốn” giữa hai bên.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil