Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/RES/62/139 lấy ngày 2 tháng 4 hằng năm (bắt đầu từ năm 2008) là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (World Autism Awareness Day - WAAD) nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động để nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ; thúc đẩy các nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới cải thiện sức khỏe và khả năng hòa nhập của những người mắc phải hội chứng này.
Theo nghiên cứu mới nhất tháng 3 năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh làm khiếm khuyết các kỹ năng giao tiếp, lời nói và phát triển các mối quan hệ xã hội.. Đồng thời, trẻ tự kỷ có những vấn đề về hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn cứng nhắc, định hình. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh..
Tự kỷ là một rối loạn, không phải là bệnh và không lây lan từ người này sang người khác. Vì thế, hiểu đúng về tự kỷ sẽ giúp chúng ta phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ không bị bỏ lỡ “Thời gian vàng” – tức được can thiệp trước 3 tuổi, hạn chế sự kỳ thị và áp lực đối với trẻ và gia đình, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống.
Ngày 2 tháng 4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.
Lịch sử thành lập ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn về mặt hành vi và giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng tương tác xã hội, đồng thời các hành vi hạn chế và thường lặp đi lặp lại.
Thuật ngữ “tự kỷ” xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 1911. Nhà tâm thần học Eugen Bleuer đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả một nhóm các triệu chứng nhất định được coi là các triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh tâm thần phân liệt, một trạng thái thoái lui xã hội cực độ.
Sau đó, vào năm 1943, bác sĩ tâm thần trẻ em Leo Kanner mô tả tự kỷ là một chứng rối loạn xã hội và cảm xúc trong bài báo “Rối loạn tự kỷ về mặt cảm xúc” của mình. Năm 1944, Hans Asperger đã xuất bản “Bài báo về Tâm thần học tự kỷ” trong đó ông mô tả tự kỷ là một rối loạn ở trẻ em có trí thông minh bình thường nhưng gặp khó khăn đối với các kỹ năng xã hội và giao tiếp. Những bài báo này đóng góp một phần quan trọng vào những nghiên cứu phân biệt tự kỷ, là một chứng rối loạn với bệnh tâm thần phân liệt vào năm 1980.
Sau quá trình khảo sát và nghiên cứu liên tục về chứng tự kỷ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết 62/139 ấn định ngày 02 tháng 04 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ và được thông qua vào ngày 18/12/2008, nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động để nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới cải thiện sức khỏe và khả năng hòa nhập của họ.
Cuối cùng, vào năm 2013, khái niệm “phổ tự kỷ” được Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đưa vào ấn bản thứ năm của cuốn “Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Chứng Rối loạn Tâm thần” sau khi kết hợp tất cả các phạm trù nhỏ và các tình trạng có liên quan đến tự kỷ thành một phạm trù thống nhất, bao gồm các đặc điểm khác nhau, mức độ nghiêm trọng và biểu hiện của các triệu chứng.
Những cột mốc của ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4
Những năm 1970: Điều trị dược phẩm
Các phương pháp điều trị bao gồm tiêm secretin và risperidone để tác động lên các thụ thể dopamine.
Năm 1995: Nghiên cứu về hội chứng Asperger
Kết quả nghiên cứu kéo dài 30 năm của Sula Wolff cho biết trẻ em mắc hội chứng Asperger thuộc nhóm đối tượng lanh lợi và tài năng nhất trong số trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, vì các bé trở nên độc lập khi trưởng thành và thể hiện những năng khiếu khác thường.
Năm 2007: Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ
Đại Hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn ngày 02 tháng 04 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ.
Năm 2013: Tự kỷ là một phổ
Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ” đưa ra một danh mục thống nhất về Phổ tự kỷ trong Ấn bản thứ năm của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Chứng Rối loạn Tâm thần.
Các cách để hưởng ứng ngày 2/4 - Thế giới nhận thức về tự kỷ
Chia sẻ các thông tin về ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ
Mặc dù ngày nay, hầu hết mọi người đều được tiếp cận với thông tin, nhưng vẫn còn nhiều người không biết về chứng tự kỷ và những đặc điểm của người tự kỷ. Hãy ủng hộ cộng đồng người tự kỷ bằng cách chia sẻ các thông điệp và truyền thông để nâng cao nhận thức về tự kỷ.
Tham gia vào các hiệp hội về tự kỷ
Có nhiều người mắc chứng tự kỷ hoặc có thành viên trong gia đình mắc chứng tự kỷ và là thành viên của hiệp hội cộng đồng, quốc gia hoặc toàn cầu. Hãy liên hệ với họ để tham gia vào bất kỳ hoạt động nào được lên kế hoạch cho Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ.
Chăm sóc những người đang mắc chứng tự kỷ mà mình biết
Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ là một ngày hoàn hảo để bạn dành thời gian bên những người bạn được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ của mình! Hãy lên kế hoạch cho các hoạt động có thể dễ dàng cảm nhận bằng giác quan để cả hai cùng tham gia và mang theo các món ăn không chứa gluten và casein để chia sẻ với nhau.
Tầm quan trọng của ngày 2/4 - Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ
Vẫn chưa có cách để chữa trị nhưng có cách để điều trị
Hiện nay, có rất nhiều cách để điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ, những phương pháp này chỉ có thể thành công khi người bệnh đã được chẩn đoán! Nhận thức được điều đó, chúng ta có thể hỗ trợ người khác liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa và bắt đầu một phương pháp điều trị có thể giúp tăng cường sức khỏe của họ.
Đừng cố để thay đổi mà nên học cách cảm thông, thấu hiểu
Những người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có những đặc điểm, hành vi, sở thích và cách làm việc riêng! Điều quan trọng là bạn cần hiểu được cách họ nhìn nhận thế giới và hiệu suất của họ mà không phải cố gắng làm họ thay đổi.
Ở tuổi trưởng thành có thể mắc rối loạn tự kỷ
Hiện chưa tìm ra cách chữa trị cho các chứng rối loạn phổ tự kỷ! Khi đã được chẩn đoán, bạn sẽ ở trong tình trạng này suốt phần đời còn lại và nghiên cứu chỉ ra rằng các công việc khuyến khích tính độc lập có thể giúp nâng cao các kỹ năng hàng ngày và giảm bớt các triệu chứng tự kỷ.
(Nguồn: tổng hợp)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này