Trong hai ngày 15 và 16-11 tại Lima (Peru), các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau để thúc đẩy thương mại và đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng bao trùm, trước những biến động sắp tới khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.
Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm nay có chủ đề "Trao quyền, bao trùm, tăng trưởng" với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Lương Cường...
Giải quyết nhu cầu của 3 tỉ dân
Tại đây, các nhà lãnh đạo thảo luận về các chính sách có thể giúp các nền kinh tế vượt qua những thách thức như biến đổi khí hậu, các giải pháp năng lượng bền vững, quá trình chuyển đổi kinh tế số và tạo thuận lợi cho thương mại, đồng thời thúc đẩy đổi mới toàn diện.
Chủ nhà Peru thúc đẩy ba ưu tiên chính gồm: thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối, đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu, tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.
"Các ưu tiên theo chủ đề và mục tiêu của chúng tôi trong năm nay phản ánh cam kết của APEC trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách mà khu vực của chúng ta đang phải đối mặt, mỗi ưu tiên và mục tiêu đều phản ánh các vấn đề có liên quan vì lợi ích chung của nền kinh tế của chúng ta", Ngoại trưởng Peru Elmer Schialer khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng APEC.
Bà Rebecca Sta Maria, giám đốc điều hành của Ban Thư ký APEC, nhấn mạnh: "Các nền kinh tế của chúng ta là một mạng lưới phức tạp với nhiều bộ phận kết nối với nhau, vì vậy chúng ta không thể chỉ tập trung vào một lĩnh vực trong khi gạt các lĩnh vực khác sang một bên. Chúng ta cần đảm bảo rằng mọi bộ phận đều hoạt động trơn tru và xem xét tất cả các bộ phận chuyển động cùng nhau".
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Peru Desilu Leon cho biết các nước đã cam kết tăng cường kết nối, củng cố chuỗi cung ứng, mở rộng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào các thị trường chính thức và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua thương mại. Theo bà Leon, trọng tâm của APEC về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại sẽ dẫn đến hiệu quả, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng cao hơn, cuối cùng là nâng cao mức sống cho người dân.
Theo ông Carlos Vasquez - chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao APEC 2024, cam kết hợp tác của APEC giúp giải quyết nhu cầu của 3 tỉ dân trong khu vực APEC. Tham gia diễn đàn, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cũng cho rằng các sáng kiến khu vực như: Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực thương mại tự do trong chương trình nghị sự châu Á - Thái Bình Dương của APEC sẽ là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và kết nối.
Thảo luận "Donald Trump"
"APEC và G20 sẽ tập trung vào một vấn đề... Đó là Donald Trump và những gì mong đợi từ chính quyền Trump sắp tới về thương mại, liên minh và các vấn đề khác", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Victor Cha, lãnh đạo nhóm địa chính trị và chính sách đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, đánh giá.
Tại APEC, các nhà lãnh đạo thế giới đều hiểu rõ rằng kết quả bầu cử Mỹ đã thay đổi cục diện thương mại đối với các quốc gia xuất khẩu. Bộ trưởng Thương mại Todd McClay của New Zealand cho rằng mức thuế quan mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra sẽ là tin xấu cho toàn thế giới. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh như APEC tại Peru lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
"Các quốc gia khác ở châu Á và quanh vành đai Thái Bình Dương sẽ lo ngại về viễn cảnh xảy ra chiến tranh thương mại. Chúng tôi sẽ muốn giảm thiểu những rủi ro đó, bao gồm cả việc trao đổi với các quốc gia có thể có mối quan tâm tương tự", cựu ngoại trưởng New Zealand bình luận trên Đài RNZ.
Tương tự, chuyên gia quan hệ quốc tế Robert Patman cũng cho rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ có thể là cơ hội cho Trung Quốc. "Trung Quốc sẽ chủ động tại APEC. Có lẽ họ sẽ tự quảng bá mình là nhà vô địch của thương mại tự do", ông Patman nêu.
Liu Dongshu, phó giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học thành phố Hong Kong, cho rằng Trung Quốc sẽ gửi thông điệp đến các nước rằng nghiêng hẳn về phía Mỹ không phải là điều khôn ngoan và họ nên cân nhắc hợp tác với Bắc Kinh.
Trong những tháng qua, Bắc Kinh đã có những bước đi nhằm cải thiện mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ, ví dụ như miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của nhiều quốc gia châu Âu và nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc, theo Đài CNN.
Hoạt động của Chủ tịch nước Lương Cường tại Peru
Cuối ngày 14 và trong ngày 15-11 (giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Lương Cường đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Cùng ngày, tại cuộc hội kiến ở thủ đô Lima, Thị trưởng TP Rafael Lopez Aliaga đã trao tặng Chủ tịch nước Lương Cường chiếc chìa khóa biểu tượng của TP Lima và công nhận tư cách khách mời danh dự.
Chủ tịch nước cũng đã tiếp Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC, tiếp một số doanh nghiệp tiêu biểu của Peru, hội kiến Quốc vương Brunei Darussalam Hassanal Bolkiah. Chủ tịch nước dự và phát biểu tại Đối thoại không chính thức của các lãnh đạo APEC với khách mời.
Dự kiến ngày 16-11 (giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dự Đối thoại giữa các lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, dự lễ đón các trưởng đoàn và Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 31, đồng thời có các tiếp xúc song phương khác.
Theo: Tuổi trẻ
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này