Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết không có căn cứ xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong tội tham ô tài sản, từ đó đề nghị y án tử hình.
Ngày 15-11, VKSND cấp cao tại TP.HCM tiến hành đề nghị mức hình phạt trong phiên toà xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm ở giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Theo đó, trong phiên phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan không kháng cáo kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. 47 bị cáo đồng phạm cũng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.
Theo đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM, tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Căn cứ kết quả điều tra, xét hỏi, lời khai của các bị cáo, người liên quan, bản án sơ thẩm xét xử là đúng quy định, đúng người, đúng tội.
Theo đại diện VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty khác như Công ty An Đông, Công ty Việt Vĩnh Phú… hoạt động theo mô hình tập đoàn. Trong đó Vạn Thịnh Phát là trung tâm, kiểm soát hoạt động các công ty còn lại.
Đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM khẳng định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người sở hữu 91,5% cổ phần của SCB. Thông qua lời khai các bị cáo, lãnh đạo ngân hàng, thanh tra giám sát đã tái khẳng định bị cáo Lan là người lãnh đạo, quyết định các hoạt động và nhân sự chủ chốt tại SCB và là người có quyền hạn cao nhất tại SCB. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ khống, rút tiền ngân hàng SCB.
Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao cho biết không có căn cứ xem xét giảm nhẹ cho bà Trương Mỹ Lan trong tội tham ô tài sản. Ảnh: NGUYỆT NHI
Từ năm 2012 đến 2017, bị cáo Lan đã chỉ đạo các bị cáo khác lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản vay. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỉ đồng cả gốc và lãi. Hành vi trong giai đoạn này của bị cáo Lan trong giai đoạn này đã phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Do BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1-1-2018 nên từ năm 2018 đến năm 2022, hành vi bị cáo Lan đã chỉ đạo các bị cáo đồng phạm lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỉ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng đã phạm tội tham ô tài sản.
Cạnh đó, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, bị cáo Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn 4 lần đưa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD để tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu. Hành vi này của bị cáo Lan đã phạm tội đưa hối lộ.
Theo đại diện VKS, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Trương Mỹ Lan đúng người, đúng tội, không oan sai. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ như tích cực tham gia hoạt động từ thiện, được nhiều huân chương, bằng khen…
Tại cấp phúc thẩm, bị cáo Lan có thêm tình tiết mới như ăn năn hối cải, xin bồi hoàn cho SCB và có đơn cam kết giao 638 mã tài sản chưa kê biên, định giá; lên phương án khắc phục hậu quả vụ án nếu 1.121 mã tài sản đã giao SCB không đủ khắc phục hậu quả. Bản thân gia đình bị cáo nộp thêm số tiền để khắc phục hậu quả… Theo VKS, đây là căn cứ để xem xét giảm nhẹ đối với tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đối với kháng cáo của bị cáo Lan về tham ô tài sản, theo VKS bị cáo Lan phạm nhiều tội danh, thực hiện trong thời gian dài và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến người dân và phạm tội bằng thủ đoạn tinh vi. Dù bị cáo có thêm tình tiết mới, nhưng căn cứ theo các quy định của pháp luật thì chưa có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt.
(Nguồn: plo.vn)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này