Môn ngoại ngữ đầu tiên tại các trường tiểu học ở Séc có thể sẽ không bắt buộc phải là tiếng Anh. Theo một thỏa thuận sơ bộ giữa Bộ trưởng Giáo dục Mikuláš Bek và đại diện các trường tiểu học song ngữ, những trường học có chương trình giảng dạy ngoại ngữ khác ngay từ lớp 1 – như tiếng Đức, Pháp hay Tây Ban Nha – có thể được phép bắt đầu dạy tiếng Anh muộn hơn, cụ thể là bắt đầu từ lớp 4.
Việc thay đổi trong cách giảng dạy môn ngoại ngữ đầu tiên sẽ được thực hiện thông qua quyết định của Bộ trưởng, mà không phải bằng việc sửa đổi toàn diện chương trình giáo dục khung (RVP). Theo đó, sự thay đổi chỉ là việc bổ sung vào phần liên quan đến kế hoạch giảng dạy.
Bộ cho biết trong thông báo: Nếu định hướng giáo dục của trường là đưa một ngoại ngữ khác vào chương trình giáo dục chính thức từ lớp 1, thì việc giảng dạy tiếng Anh phải được bắt đầu muộn nhất từ lớp 4.
Việc dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 1 là một phần của chương trình giáo dục khung (RVP) mới. Hiện tại, môn ngoại ngữ đầu tiên chỉ bắt buộc từ lớp 3. Theo RVP mới, cũng sẽ nâng cao yêu cầu về trình độ ngoại ngữ mà học sinh cần đạt được khi kết thúc bậc tiểu học – từ mức A2 lên B1 theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu.
Theo quy định mới, từ tháng 9 năm 2027, các trường tiểu học sẽ bắt buộc phải bắt đầu thực hiện chương trình này ở các lớp 1 và lớp 6. Tuy nhiên, những trường có sự chuẩn bị sẵn sàng có thể áp dụng sớm, bắt đầu từ tháng 9 năm 2025. RVP mới cũng cho phép các trường chủ động quyết định số tiết cho từng môn học khi xây dựng thời khóa biểu của mình.
Chương trình giáo dục khung hiện hành quy định cụ thể số tiết bắt buộc dành cho từng lĩnh vực giáo dục hoặc môn học trong các lớp từ 1 đến 5 (tức cấp tiểu học) và bao nhiêu cho cấp hai. Tuy nhiên, chương trình mới chỉ quy định bắt buộc tổng số tiết học cho cấp tiểu học và cấp hai, mà không chia nhỏ theo từng lĩnh vực hoặc môn học cụ thể.
Bộ trưởng Giáo dục Mikuláš Bek cho biết: “Chúng tôi trao cho các trường quyền lựa chọn để họ có thể phản ánh tốt hơn định hướng giáo dục riêng của trường, đồng thời thúc đẩy việc dạy thêm các ngôn ngữ thế giới khác mà không làm giảm vai trò của tiếng Anh.”
Theo Bộ Giáo dục, các trường học sẽ sử dụng các tiết học phân bổ linh hoạt, gọi là "hodiny disponibilní" – tức là số tiết mà trường có thể sử dụng theo nhu cầu, ví dụ như cho các môn tự chọn hoặc hỗ trợ phát triển cá nhân của học sinh. Việc sắp xếp như vậy sẽ cho phép học sinh đạt được trình độ B1 ở cả hai ngoại ngữ vào cuối lớp 9.
Theo chương trình khung (RVP), mỗi trường xây dựng kế hoạch giảng dạy riêng phù hợp với định hướng của mình. Tuy nhiên, trong quá trình lên kế hoạch, nhà trường phải tuân thủ các quy định như: đảm bảo số tiết tối thiểu và tối đa mỗi tuần cho từng năm học, bắt buộc giảng dạy tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9, bắt đầu dạy ngoại ngữ thứ hai từ lớp 7, và giảng dạy thể dục ít nhất 2 tiết mỗi tuần từ lớp 1 đến lớp 9. Các tiết học còn lại có thể được sử dụng cho các môn tự chọn, giúp hoàn thiện định hướng giáo dục riêng của trường.
Nguồn: ČTK
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này