Cả thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tên “kháng kháng sinh” – khi vi khuẩn dần trở nên đề kháng với các loại thuốc điều trị. Các chuyên gia y tế Séc cảnh báo: nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan và không cần thiết, đặc biệt tại châu Âu.

Theo số liệu mới nhất, người dân Malta là những người sử dụng kháng sinh nhiều nhất. Tuy nhiên, chính việc lạm dụng này khiến cho kháng sinh dần mất tác dụng, khiến cho các bệnh phổ biến như viêm họng hay viêm tai giữa cũng có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, hơn một triệu người trên toàn cầu chết mỗi năm vì nhiễm trùng do vi khuẩn kháng kháng sinh. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 40% dân số châu Âu đã từng sử dụng kháng sinh trong thời gian khảo sát.
Thói quen “uống kháng sinh như kẹo”
Dẫn đầu danh sách sử dụng kháng sinh là Malta. Ngược lại, Thụy Điển và Đức có tỷ lệ sử dụng thấp nhất. Cộng hòa Séc xếp ở mức trung bình. Các bác sĩ cho biết, nhiều người bệnh vẫn tin rằng kháng sinh là giải pháp cho mọi bệnh, kể cả cảm lạnh hay cúm – trong khi thuốc này chỉ có hiệu quả với nhiễm trùng do vi khuẩn.
“Có những người nào cũng đòi bác sĩ kê đơn kháng sinh. Nhưng cũng có người khi được kê thì nhất quyết không uống. Cả hai thái cực này đều sai,” bác sĩ đa khoa Cyril Mucha chia sẻ.
Chỉ nên tiếp cận kháng sinh theo khuyến cáo chuyên môn
Theo kết quả một số nghiên cứu, người dân tại các vùng Plzeň và Nam Séc thường tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ tốt nhất. Trong khi đó, người dân vùng Ústí và Karlovy Vary lại ít tuân thủ hơn.
Bác sĩ dịch tễ học Petr Smejkal cho rằng không phải lúc nào việc điều trị cũng cần dùng hết lượng kháng sinh như trước đây: “Đã có bằng chứng cho thấy thời gian dùng kháng sinh có thể được điều chỉnh cá nhân hóa tùy từng chẩn đoán, không bắt buộc ai cũng phải uống đủ liều như cũ.”
Cần thế hệ kháng sinh mới – nhưng không dễ tìm
Bác sĩ truyền nhiễm Marek Štefan từ Bệnh viện Motol nhận định: “Chúng ta cần phát triển kháng sinh mới để có thể đối phó với các chủng vi khuẩn kháng thuốc mới”.
Thế nhưng việc phát triển một loại kháng sinh hiệu quả là cực kỳ phức tạp. Phải mất tới 60 năm, mới đây các nhà khoa học, với sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo (AI), mới phát hiện được một hoạt chất kháng sinh mới có tiềm năng tiêu diệt được một số vi khuẩn đề kháng hiện nay.
(Theo TN Nova)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này