"Tôi cũng nhìn thấy họ ăn cắp vặt những cái nhỏ thôi, những cái kẹo hay cái bánh thì tôi bỏ qua. Thế nhưng họ mang những đồ ăn cắp đến đây thì tôi không mua và họ đã chửi tôi. Họ chửi rất là tục luôn. Có nhiều mấy cậu thanh niên khoảng 14 - 15 tuổi, các cậu ấy ra vẻ là mình là người lớn rồi và cũng láo đấy", chị Thuần, một người Việt kinh doanh Potraviny chia sẻ.
Mới đây trang PrahaIN đã có đăng tải bài viết phản ánh về tình trạng mà có lẽ đã, đang và sẽ còn tiếp diễn. Đó là việc các nhân viên bán hàng người Việt Nam tại CH Séc phải đối mặt với các hiện tượng khách hàng thiếu văn hóa, văng tục chửi thề khi mua hàng, nhất là khi họ không bán hàng cho những thanh thiếu niên chưa đủ tuổi để mua thuốc lá hay rượu mạnh. Vậy hiện tượng này đã và đang tồn tại ra sao, mời quý vị cùng chúng tôi đón xem trong ghi nhận nhanh sau đây của BBT TamdaMedia.
Ông Lê Văn Hiển, sang CH Séc từ năm 1997. Sau nhiều năm làm việc buôn bán ở các tỉnh thành CH Séc, đến 2002, ông chuyển đến Praha sinh sống. Đến 2008, ông may mắn đón được gia đình sang đoàn tụ tại Séc và bắt đầu gây dựng kinh tế với công việc kinh doanh Potraviny. Trong ngần ấy năm, vừa làm chủ vừa làm nhân viên, ông Hiển từng gặp không ít các trường hợp khách hàng có hành vi thiếu văn minh, lịch sự, thậm chí trộm cắp và tấn công ông.
"Trường hợp thì hơi nhiều và còn nhiều trường hợp là phía lực lượng kiểm tra, họ gài người vào để kiểm tra mình. Khi khách vào mua mà tôi cảm thấy không đủ tuổi thì tôi sẽ yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Năm ấy là năm 2010, tôi đã bị tên trộm tấn công ở trong cửa hàng này. Khách vào mua 2 gói đỗ tây, nó hỏi tôi thì tôi bảo là vào bên trong kiểm tra. Chắc nó vào nhiều rồi thì nó phát hiện được cửa hàng mình dùng khóa chốt bên trong. Khi nó bắt đầu vào thì nó cầm 2 gói đỗ văng luôn vào mặt mình. Thì lúc bấy giờ nó ra nó chốt cái cửa, rồi tôi với nó vật lộn với nhau trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Lúc bấy giờ điện thoại tôi không gọi được vì đang đánh nhau, đang vật lộn với nó trong cửa hàng này, đồ đạc bị vứt tung tóe hết ra. Về sau tôi mới chạy được ra, tôi mới gỡ được cửa ra thì thằng cậu em nó đứng ngoài, tôimới hô là “Cướp đấy!” thì thằng trộm nó vào nó lật bàn Kasa và lấy hết tiền, khi đó khoảng gần hai chục ngàn korun", ông Hiển kể lại.
Cũng như ông Hiển, chị Nguyễn Thúy Thuần cũng vừa làm chủ vừa làm nhân viên bán hàng tại Potraviny của mình. Và chị cũng đã nhiều lần phải xử lí các tình huống phức tạp đối với khách hàng. Đặc biệt là các khách hàng là thanh thiếu niên, khi họ chưa đủ tuổi mua thuốc lá hay rượu bia.
"Tôi cũng nhìn thấy họ ăn cắp vặt những cái nhỏ thôi, những cái kẹo hay cái bánh thì tôi bỏ qua. Thế nhưng họ mang những đồ ăn cắp đến đây thì tôi không mua và họ đã chửi tôi. Họ chửi rất là tục luôn. Có nhiều mấy cậu thanh niên khoảng 14-15 tuổi, các cậu ấy ra vẻ là mình là người lớn rồi và cũng láo đấy. Tôi cũng không tỏ thái độ phản ứng hay giận dữ gì, tôi chỉ nhẹ nhàng yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Nếu các cậu ấy đưa, tôi nhìn thấy thì tôi sẽ bảo là không được, qua 18 tuổi hãy mua. Nó rất bực tức và nó cũng nói những từ hơi tục một xíu nhưng tôi cũng không chấp mà tôi kệ nó đi", chị Thuần chia sẻ.
Nhưng cũng có những người bán hàng may mắn khi xung quanh nơi họ sống đều là những khách hàng có văn hóa, văn minh, lịch sự.
"Riêng chỗ cửa hàng nhà tôi thì khách hàng rất là tốt. Khách hàng đến đây chỉ mua và toàn các ông bà già. Dân ở đây cũng tử tế kể cả trẻ con, người ta không ăn nói mất dạy đâu. Nói chung là người ta ăn nói tử tế, lịch sự. Khu vực nhà tôi bán hàng thì không có vấn đề gì cả. Nhưng có lần có một ông Tây đến mua một chai rượu về uống, ông ấy uống dở xong ông ấy mang đến trả thì tôi có gặp trường hợp như vậy. Họ uống xong rồi mang đến rồi mang đến bảo là rượu này không ngon và muốn đổi, tôi cũng trả lại tiền luôn. Những trường hợp nào muốn trả lại đồ thì mình cũng trả lại luôn, không để lằng nhằng hay gọi công an dẫn tới phiền phức", một người Việt kinh doanh Potraviny tại Praha cho biết.
Trong rất nhiều các trường hợp trái khoáy từ chính khách hàng của mình, những người bán hàng Việt Nam tại Séc luôn có những cách xử lí riêng. Và hướng xử lí của họ đều có chung một suy nghĩ, đó là làm sao để mọi chuyện được êm đẹp, và bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt. Bởi họ hiểu, họ đang sinh sống và làm việc trên quê hương nước bạn, điều quan trọng với họ là tuân thủ luật pháp.
Chị Thuần nói: "Riêng cách của tôi, thứ nhất là tôi có nhìn thấy nhưng tôi không muốn làm họ mất mặt và thấy có nhiều khách hàng khác bên cạnh thì tôi không để cho họ phải mất mặt và tôi chịu mất vì giá trị cũng không to lắm cho nên là tôi cũng bỏ qua. Nhưng những lần sau nếu những người đó đến, tôi sẽ rất là chú ý. Mà nếu tôi bắt được lần thứ 2 thì tôi sẽ yêu cầu từ lần sau đừng vào của hàng của tôi nữa vì tôi đã biết rồi. Thực ra tôi cũng không chửi to tiếng ai, hay chửi bậy, chửi bạ đối với họ".
Thế nhưng có một vấn đề có thể coi là nan giải khi chúng tôi đến khảo sát ý kiến của một số người Việt đã từng bị khách hàng hành xử thiếu văn hóa hay bị kẻ trộm xâm nhập cửa hàng, đó là họ thậm chí còn không muốn báo cảnh sát mà tự mình giải quyết tình hình. Bởi với họ, khi kẻ trộm đã tẩu thoát, của cũng chẳng lấy lại được, báo cảnh sát chỉ mất thời gian làm thủ tục và cũng không giải quyết được vấn nạn này.
"Ăn trộm ăn cắp vào thì đương nhiên mình xử lí sao cho nó đẹp để lần sau nó không vào nhà mình nữa. Không nên báo cảnh sát, vì có báo cảnh sát thì về sau nó vẫn cứ vào bình thường", ông Hiển bày tỏ.
Một người Việt cùng kinh doanh Potraviny cũng đồng tình: "Đừng để dây dưa đến cảnh sát cho phiền phức. Nếu cảnh sát đến, bao giờ người ta cũng bênh vực cho những người ở nước họ, không bao giờ người ta bênh vực cho người nước mình. Tốt nhất là mọi người cố gắng giữ như thế, để khỏi phiền hà đến mình".
Làm việc, kinh doanh, sinh sống nơi xứ người chưa bao giờ là dễ dàng. Mỗi áp lực mà những tiểu thương Việt hay những người bán hàng Việt đang phải đối mặt không chỉ có vậy. Đây chỉ là 1 trong rất nhiều các tình huống trớ trêu họ gặp phải trong quá trình làm việc. Chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, người Việt tại Séc chỉ mong muốn có cuộc sống yên ổn nơi đất khách quê người.
(BBT TamdaMedia)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này