Chợ Sapa của người Việt tại Praha đã thu hút các tín đồ ẩm thực từ khắp Cộng hòa Séc suốt 25 năm qua nhờ nền ẩm thực Việt chân thật và đặc sắc. Tuy nhiên, những món ăn nổi tiếng như bún bò Nam Bộ hay bún cá nay không còn là yếu tố chính. Hiện nay, khu chợ nằm ở quận Libuš của Praha đang dần trở thành trung tâm giao thương quan trọng giữa cộng đồng Việt và Séc, là nơi các doanh nhân Việt từ khắp Trung Âu tìm đến. Trong những năm gần đây, các dịch vụ và lĩnh vực kinh doanh tại Sapa đang có nhiều thay đổi rõ rệt. Đây là những cảm nhận của một người Séc sau 8 năm trở lại nơi đây.
Trên trang E15.cz, tác giả của bài viết này Anna Kanta đã nêu cảm nhận của mình khi quay trở lại thăm TTTM Sapa sau 8 năm. Cô chia sẻ rằng, cô lái xe vào khu chợ Sapa qua cổng số 4 và cố gắng nhanh chóng định hướng xem con đường nào dành cho xe ô tô, còn con nào chỉ dành cho người đi bộ. Cô cố gắng tuân theo các quy tắc giao thông thông thường, nhưng chẳng mấy chốc nhận ra đó là một suy nghĩ ngây thơ. Mọi thứ ở nơi đây vận hành theo cách khác.
Chỉ cần vài phút là bạn sẽ hiểu rằng mình không còn ở một không gian "quê nhà" (là CH Séc - đối với cô Kanta) quen thuộc. Sapa là khu vực tư nhân với luật lệ riêng, nơi rất nhiều điều có thể khiến bạn ngạc nhiên — cả dễ chịu lẫn khó chịu.
Anh Nguyen Manh Tung – doanh nhân tại TTTM Sapa và đồng sáng lập công ty du lịch Sapa Trip trong khi dẫn cô Kanta tham quan “Hà Nội thu nhỏ” chia sẻ rằng: “Khi ai đó đỗ xe sai chỗ ở đây, người Việt có cả ‘khóa bánh xe’ và hệ thống phạt riêng. Nhưng phần lớn mọi chuyện đều giải quyết bằng thỏa thuận.”
Trung tâm ẩm thực và kinh doanh
Mối liên kết mạnh mẽ giữa Sapa và ẩm thực vẫn tiếp tục tồn tại – cả trong lĩnh vực nhà hàng lẫn ở cấp độ thương mại. Đối với nhiều người Séc, Sapa đồng nghĩa với “chợ Việt” và món ăn ngon, tuy nhiên khu chợ này đã phát triển thành một trung tâm kinh doanh thực sự, như chính tên gọi của nó - Trung tâm Thương mại Sapa.
Ngay bên cạnh cửa hàng bán buôn Tamda Foods – có thể xem như "Makro" của khu vực này – là cửa hàng Smart Cook, thuộc sở hữu của tập đoàn Elmich Group, nhà đầu tư Séc lớn thứ hai tại Việt Nam. Xuất nhập khẩu là yếu tố không thể thiếu đối với hoạt động của Sapa. Các doanh nhân người Việt từ Ba Lan, Đức, Áo, Slovakia hay Hungary thường xuyên đến đây vì nhiều lý do – từ cá nhân, gia đình cho đến đặc biệt là thương mại.
Anh Tung giải thích: “Các trung tâm thương mại của người Việt hoạt động ở nhiều nơi khắp châu Âu, nhưng Sapa ở Praha là lớn nhất. Những trung tâm tương tự cũng có ở Berlin hay gần Warsaw, nhưng ở Praha thì hàng hóa phong phú hơn.”
Ngay lúc đó, một chiếc xe sang mang biển số Áo chạy qua, tạo nên sự tương phản kỳ lạ với những gian hàng tôn cũ kỹ xung quanh – nhưng đó chính là nét đặc trưng độc đáo của Sapa.
Cộng đồng người Việt ở đây nhìn chung rất năng động và đa dạng, nên các dịch vụ cũng liên tục được điều chỉnh theo nhu cầu thực tế. Bên cạnh các cửa hàng rửa xe thủ công và salon làm đẹp, những năm gần đây Sapa còn chứng kiến sự xuất hiện của các công ty du lịch.
“Chúng tôi còn có cả các chi nhánh cung cấp dịch vụ tài chính, bảo hiểm và cả nhà mạng ảo sử dụng hạ tầng của O2 hoặc Vodafone,” anh Tung cho biết và chỉ tay về một tòa nhà nhỏ nằm khuất bên trong – trụ sở của một nhà điều hành di động chủ yếu phục vụ cộng đồng người Việt và người Hoa tại Séc.
“Vinatel tập trung vào dịch vụ khách hàng bằng tiếng Việt, cung cấp dung lượng dữ liệu lớn hơn hoặc các gói gọi thẳng về Việt Nam. Vì thế, đây là dịch vụ dành riêng cho cộng đồng người Việt,” anh Tung nói thêm.
Cộng đồng người Việt tại Sapa cũng có thể vay vốn hoặc làm hồ sơ thế chấp thông qua các công ty tài chính như Broker Trust hoặc Fincentrum. Trước đây, ngân hàng tiết kiệm bưu điện Era thuộc tập đoàn ČSOB cũng từng hoạt động tại đây, nhưng hiện chỉ còn lại một cây ATM vẫn đang vận hành.
Trong một ngôi nhà nhỏ treo biển “Sửa quần áo” là của chị Hiên - một thợ may người Việt đang cần mẫn làm việc. “Lúc nào cũng có rất nhiều việc. Gần đây khách hàng của tôi chủ yếu là người Séc, vì người Việt hay mua quần áo rẻ tiền nên không ngần ngại bỏ cái cũ để mua cái mới. Còn người Séc thì thường mặc đồ đắt hơn, và tôi có thể sửa lại cho họ với giá hợp lý,” cô gái trẻ vừa cười vừa chia sẻ khi đang ngồi bên máy may, xung quanh chất đầy quần áo.
Một cửa hàng gần đó chuyên bán đồ dùng cho bể cá cũng chủ yếu phục vụ khách người Séc, ít nhất là theo lời của chủ tiệm – anh An. Cô Kanta bước vào cửa hàng vào lúc vắng khách, anh An đang lau rửa bể cá.
“Những năm gần đây, chúng tôi có nhiều khách hàng người Séc hơn. Thị trường thủy sinh ở Séc đã thay đổi rất nhiều. Người Việt thì rất bận rộn, họ làm việc cả ngày trong các cửa hàng tạp hóa, nên ít có thời gian cho cuộc sống cá nhân, chứ đừng nói đến việc chăm cá,” anh An giải thích, mắt vẫn chăm chú nhìn vào những bể kính.
“Người Séc thì hay mua cá nhỏ. Trong khi đó, người Việt lại chọn những con cá to nhất. Chúng tôi hay đùa rằng đàn ông Việt ngoài đời thì thích phụ nữ trẻ, xinh và thon thả, nhưng khi chọn cá thì chỉ mê mấy con to nhất và già nhất.” anh An vừa mỉm cười vừa chia sẻ.
Một trong những lĩnh vực kinh doanh lớn nhất tại Sapa hiện nay xoay quanh chuỗi bán buôn của người Việt mang tên Tamda. Dù ban lãnh đạo công ty khá kín tiếng, nhưng trong nhiều năm qua, thành công của Tamda là điều dễ nhận thấy. Ngoài chi nhánh chính đặt tại khu TTTM Sapa ở Praha, Tamda còn có mặt ở các thành phố khác như Brno hay Ústí nad Labem. Tại Sapa, hàng hóa hiện được mở rộng với một nhà kho khổng lồ, trang bị nhiều thiết bị dùng để bảo quản thực phẩm đông lạnh.
Cô Kanta cũng tham quan một trong những con phố lớn nhất trong khu chợ nhận thấy cách sắp xếp hàng hóa ở đây khá khác thường — hàng được cất trữ mọi nơi có thể, còn các kệ thì chất đầy sản phẩm đến mức chật cứng.
Một phần của những mảng tối trong bức tranh đối lập tại Sapa là sự hiện diện của những kẻ trộm vặt hay người vô gia cư, đôi khi dễ dàng nhận ra họ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay gần như toàn bộ khu vực đã được lắp đặt hệ thống camera an ninh.
Một trong những đối lập đặc trưng của Sapa là: một bên là những tiểu thương bán quần áo, phụ kiện hay đồ ăn trong các gian hàng tôn cũ kỹ, bên kia là những chiếc xe sang tiền tỷ và các doanh nhân ăn mặc bóng bẩy.
Theo anh Tung, mọi thứ vận hành rất tốt: “Ai ở đây cũng ổn, không ai cảm thấy cần thay đổi điều gì. Điều đó phản ánh rõ qua diện mạo của toàn khu chợ, nhưng cộng đồng địa phương không bận tâm. Và các cổ đông hiện tại cũng chưa có kế hoạch đầu tư vào sửa chữa hay cải tạo trong thời gian tới.”
Điều này cũng phản ánh rõ trong cơ cấu khách hàng của Sapa. Theo lời anh Tung, người Séc chỉ chiếm khoảng một phần ba lượng khách đến đây. Một số cơ sở kinh doanh và dịch vụ có khách Việt và khách Séc với tỷ lệ 50:50, có nơi khách Séc còn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, cho đến nay, khu vực Sapa tại Libuš vẫn chủ yếu là trung tâm phục vụ cho cộng đồng người Việt.
Khi thế hệ Gen Z tham gia
Sapa vẫn đang từng bước thay đổi, nhưng sự chuyển mình lớn thực sự được kỳ vọng sẽ diễn ra khi thế hệ trẻ hoàn toàn tiếp quản nhiều cửa hàng và dịch vụ tại đây – những người đã sinh ra và lớn lên tại Séc, và có cách nhìn khác biệt về hoạt động cũng như thẩm mỹ của “Hà Nội thu nhỏ” ở Libuš.
Blogger gốc Việt Trang Do được biết đến trên mạng xã hội dưới cái tên Asijatka chia sẻ: “Sapa đang dần thay đổi diện mạo, trở nên giống Việt Nam thực sự hơn, và phong cách ở đây cũng ngày càng đa dạng. Thiết kế các cửa hàng và nhà hàng do thế hệ lớn tuổi quản lý thường không được bắt mắt, họ dùng quá nhiều màu đỏ. Thế hệ thứ hai đang cố làm khác đi, họ tập trung nhiều hơn vào tính thẩm mỹ”.
“Thế hệ thứ hai cũng đang ảnh hưởng ngược lại đến thế hệ thứ nhất và dạy họ rằng việc thay đổi là cần thiết. Ví dụ như làm thực đơn song ngữ và những việc tương tự,” influencer Trang Do chia sẻ. Cô nhắc lại rằng trong văn hóa truyền thống của người Việt, thông tin và câu chuyện thường được truyền miệng qua các thế hệ. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng giới trẻ gốc Việt ngày nay rất quan tâm đến marketing hiện đại, hợp tác với các influencer và cố gắng giới thiệu Sapa đến công chúng rộng rãi hơn thông qua mạng xã hội.
Nguồn: E15
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này