Châu Âu có thể chi hơn 200 tỷ USD đoạn tuyệt năng lượng Nga
Kinh tế thế giới
author13/05/2022 14:10

Ủy ban châu Âu (EC) lên kế hoạch chi 203 tỷ USD trong nỗ lực đạt mục tiêu ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Dự thảo kế hoạch của EC vạch ra hai hành động chính là thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng kết hợp với tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế Nga.

Dự thảo có thể thay đổi trước khi được công bố vào tuần sau, trong đó có các điều luật của Liên minh châu Âu (EU) và những khuyến nghị mà chính phủ các nước thành viên có thể thực hiện, như sử dụng quỹ dành cho phục hồi hậu Covid-19 để chi cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

EU cũng sẽ đánh giá tiềm năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Ai Cập, Israel và Nigeria, cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết để thay thế khí đốt nhập khẩu của Nga.

Cờ Liên minh châu Âu (EU) bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Bỉ, ngày 24/3/2021. Ảnh: Reuters.

Cờ Liên minh châu Âu bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 24/3/2021. Ảnh: Reuters.

EC muốn đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 45% thị phần vào năm 2030, thay cho đề xuất 40% hiện nay. Brussels cũng đặt mục tiêu cắt giảm 13% mức tiêu thụ năng lượng của toàn khối, cao hơn so với mức 9% hiện tại.

Kế hoạch còn đưa ra một số đề xuất điều chỉnh luật EU nhằm đẩy nhanh cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo, cũng như tạo cơ chế mới thúc đẩy triển khai năng lượng mặt trời quy mô lớn.

Trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất châu Âu của công ty Bồ Đào Nha Energias de Portugal (EDP) trên hồ chứa nước đập Alqueva ở Moura, Bồ Đào Nha, ngày 5/5. Ảnh: Reuters.

Trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất châu Âu của công ty Bồ Đào Nha Energias de Portugal (EDP) trên hồ chứa nước đập Alqueva ở Moura, Bồ Đào Nha, ngày 5/5. Ảnh: Reuters.

Nga cung cấp khoảng 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu năm 2021. EU đang đề xuất cắt giảm 66% lượng tiêu thụ khí đốt của Nga vào cuối năm nay, nhưng vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về cách thức đạt được điều đó.

Các nhà phân tích cảnh báo trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, an ninh năng lượng của châu Âu có thể bị đe dọa khi vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga, trong bối cảnh Moskva được cho là đang sử dụng khí đốt như một công cụ gây sức ép với EU.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil