Đến rạng sáng 6-11 (giờ Mỹ), gần như tất cả các hãng truyền thông lớn của xứ cờ hoa đều đã tuyên bố ông Trump là tổng thống đắc cử.
Sự trở lại của ông sau bốn năm cũng đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 100 năm qua nước Mỹ có một tổng thống làm hai nhiệm kỳ không liên tiếp.
Trong cuộc bầu cử năm nay, cựu tổng thống Trump đã làm được điều ông không thể làm vào năm 2016 và 2020: giành được số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri nhiều nhất.
Áp đảo tại 7 bang chiến địa
Trong tối 5-11 (giờ Mỹ), sau khi các bang đầu tiên hoàn tất kiểm phiếu sơ bộ, ông Trump đã vươn lên dẫn trước và ngày càng nới rộng khoảng cách với đối thủ Kamala Harris.
Khoảnh khắc có thể xem như chấm dứt hy vọng với ứng viên Đảng Dân chủ là khi truyền thông Mỹ loan tin bang Pennsylvania, với 19 phiếu đại cử tri, đã rơi vào tay ông Trump. Hãng thông tấn AP, vốn được xem như một định chế tham khảo, cũng tuyên bố ông Trump giành thắng lợi tại Pennsylvania vào lúc 2h24 rạng sáng 6-11 (giờ Mỹ).
Thời điểm đó, AP thông báo ông Trump chỉ còn thiếu 3 phiếu đại cử tri nữa là đủ 270 phiếu cần thiết để đắc cử. Nhưng như vậy đã là đủ để khiến những người ủng hộ phe Dân chủ mất ngủ. Không có ứng cử viên Dân chủ nào có được Nhà Trắng mà không giành chiến thắng tại Pennsylvania kể từ năm 1948.
Đến 5h34 sáng, nhiều tiếng sau khi Fox News và các báo đài ủng hộ ông Trump tuyên bố chiến thắng đã thuộc về ứng viên Đảng Cộng hòa, AP chính thức thừa nhận ông Trump sẽ là tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Chiến thắng tại bang Wisconsin, bang từng bỏ phiếu cho phe Dân chủ năm 2020, đã giúp ông Trump có thêm 10 phiếu đại cử tri và vượt mốc 270 phiếu đắc cử.
Tính đến 20h30 ngày 6-11 (giờ Việt Nam), ông Trump đã giành chiến thắng tại 4/7 bang chiến địa và dẫn trước với khoảng cách an toàn tại ba bang còn lại.
Phản ứng của thế giới
Như mọi cuộc bầu cử tổng thống khác, một nửa nước Mỹ vui và một nửa chìm trong im lặng, buồn bã sau khi truyền thông công bố kết quả sơ bộ.
"Đây là một chiến thắng chính trị mà đất nước chúng ta chưa từng thấy trước đây", ông Trump nói tại bữa tiệc chiến thắng ở Florida. Ông Trump, người sẽ trở thành tổng thống lớn tuổi nhất của nước Mỹ vào thời điểm nhậm chức (tháng 1-2025), cũng nói thêm rằng chiến thắng "tuyệt vời" của ông sẽ "cho phép nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Còn tại Washington D.C, bầu không khí u ám bao trùm chiến dịch của bà Harris. Ứng viên của Đảng Dân chủ sau đó hủy kế hoạch dự một sự kiện theo dõi bầu cử. Bà dự kiến có bài phát biểu đầu tiên sau bầu cử trong ngày 6-11 (giờ Mỹ).
Bên ngoài nước Mỹ, phản ứng cũng chia làm hai luồng rõ rệt: hoặc vui mừng hoặc thận trọng lạc quan. Như một lẽ tự nhiên, hai nước đầu tiên nhận được chú ý là Nga và Trung Quốc - hai quốc gia đang đối đầu với Mỹ trong nhiều vấn đề.
Khẳng định chính sách với Mỹ là nhất quán, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là vấn đề nội bộ của Washington.
"Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ", bà nói. Khi được hỏi liệu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có gọi điện chúc mừng ông Trump hay không, bà Mao Ninh nói sau khi chính thức có kết quả bầu cử Mỹ, vấn đề này sẽ được xử lý theo thông lệ bình thường.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì cho biết ông không có thông tin về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có định chúc mừng ông Trump hay không, đồng thời nhấn mạnh Nga xem Mỹ là một quốc gia "không thân thiện".
Với những cam kết của ông Trump trước tranh cử về việc kết thúc xung đột tại Ukraine, ông Peskov cho rằng vẫn cần phải chờ đến khi ông Trump chính thức bước vào Nhà Trắng.
Các nhà lãnh đạo thế giới khác nhanh chóng cam kết hợp tác với ông Trump, ngay cả trước khi chiến thắng của ông được xác nhận hoàn toàn.
Trong số những người này có các đồng minh lâu năm của ông Trump như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
"Xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến người bạn của tôi vì chiến thắng bầu cử lịch sử này. Khi ngài tiếp tục phát huy những thành công trong nhiệm kỳ trước, tôi mong muốn đổi mới sự hợp tác của chúng ta để củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện", ông Modi bày tỏ trên mạng xã hội X.
Nhiều nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước châu Âu, đồng minh của Mỹ tại châu Á cũng chúc mừng ứng viên của Đảng Cộng hòa và bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác trong tương lai.
Quan hệ Mỹ - Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển
Đó là khẳng định của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trong sáng 6-11 (giờ Việt Nam), khi chiến thắng vẫn chưa được xác nhận cho ông Trump. Theo ông, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Nói lưỡng đảng nghĩa là bất kể đó là Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa đều luôn ủng hộ mối quan hệ Việt Nam - Mỹ suốt 30 năm qua. "Vì vậy bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử hôm nay, mối quan hệ bền chặt giữa hai nước chúng ta sẽ vẫn duy trì và phát triển mạnh mẽ", Đại sứ Knapper nhấn mạnh.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này