Hỏa hoạn, lũ lụt, tai nạn, tấn công mạng, đại dịch hoặc chiến tranh – trong tất cả các tình huống khủng hoảng, người dân nên có khả năng tự chăm sóc bản thân bằng chính sức lực của mình trong ít nhất 3 ngày. Ủy ban châu Âu khuyến nghị như vậy. Hiện nay, CH Séc đang chuẩn bị triển khai một hệ thống cảnh báo mới và sẽ khởi động chiến dịch mang tên '72 giờ' trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Một trang web đặc biệt sẽ được ra mắt và các hộ gia đình sẽ nhận được sổ hướng dẫn sinh tồn trong khoảng thời gian này.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy nhiều người đánh giá thấp việc chuẩn bị, chẳng hạn như hành lý đồ sơ tán. Họ thường không biết cần những gì để sống sót trong vài ngày đầu khi xảy ra tình huống khủng hoảng. Thức ăn và nước uống nên đủ dùng cho ba ngày.
Ông Miroslav Lukeš, giám đốc Cục Phòng ngừa thuộc Lực lượng Cứu hỏa, cho biết: “Người dân cần có thực phẩm thiết yếu cho bản thân – những loại có thể mở ra và sử dụng ngay cả khi không nấu chín.”
Người dân cũng nên trang bị thêm bếp nấu cá nhân và nguồn thực phẩm cần được thay mới định kỳ, không nên dùng các loại thực phẩm cất dưới hầm suốt nửa năm. Ngoài ra, người dân nên có sẵn tiền mặt, các loại thuốc cơ bản, pin sạc dự phòng đã sạc đầy hoặc radio dùng pin tại nhà.
Người dân nên theo dõi các tin tức quan trọng trên các phương tiện truyền thông công cộng; trong trường hợp cần thiết, các tin cảnh báo cũng có thể được phát trên các tần số khác. Lực lượng cứu hỏa có quyền gửi thông điệp đến các tòa soạn và yêu cầu phát sóng thông tin đó.
Hệ thống cảnh báo sớm cũng sẽ có sự thay đổi. Trong các tình huống khẩn cấp hiện nay, lực lượng cứu hỏa có thể gửi tin nhắn SMS – tuy nhiên tại một khu vực cụ thể, tối đa chỉ có thể gửi đến 200.000 người. Dự kiến trong nửa cuối năm nay, hệ thống thông báo diện rộng được gọi là Cell Broadcast sẽ bắt đầu được sử dụng. Thông báo cảnh báo sẽ hiện lên trên điện thoại của người dân và đi kèm với âm thanh cảnh báo.
Hệ thống Cell Broadcast hiện đã hoạt động tại nhiều quốc gia. Ở Nhật Bản, họ đã sử dụng hệ thống này từ năm 2007 để cảnh báo sớm về động đất hoặc sóng thần. Hệ thống cũng cung cấp cho người dùng thông tin về nơi sơ tán gần nhất hoặc hướng dẫn cơ bản về cách xử lý trong tình huống khẩn cấp.
Ban chỉ đạo khủng hoảng có thể gửi cảnh báo mà không cần kèm theo âm thanh cảnh báo hoặc có thể giới hạn cảnh báo trong một khu vực cụ thể. Tuy nhiên, loại cảnh báo này chỉ có thể được tiếp nhận bởi điện thoại thông minh. Chính vì vậy, lực lượng cứu hỏa kêu gọi người dân nên quan tâm đến hàng xóm của mình trong các tình huống khủng hoảng.
Hiện nay, để cảnh báo người dân, các cơ quan chức năng sử dụng hệ thống còi báo động. Vào mỗi thứ Tư đầu tiên của tháng, sẽ diễn ra cuộc thử nghiệm hệ thống còi trên toàn quốc. Âm thanh trong trường hợp này là tiếng còi đều, liên tục.
Nếu âm thanh có sự thay đổi – tức là còi kêu ngắt quãng hoặc dao động – điều đó có nghĩa là có cảnh báo chung về một tình huống khủng hoảng nào đó. Còi báo động sẽ vang lên trong vòng 140 giây và có thể được lặp lại ba lần với khoảng cách giữa các lần khoảng ba phút. Trong trường hợp như vậy, người dân nên lập tức theo dõi các kênh truyền hình và đài phát thanh. Nếu là một sự cố mang tính địa phương, thông tin hướng dẫn tiếp theo sẽ được truyền tải qua loa phát thanh địa phương hoặc từ các lực lượng thuộc hệ thống cứu hộ tích hợp.
Nguồn: ČT24
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này