Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đề cập khi truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW tại hội nghị sáng 1/12.
Ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Nghiên cứu sáp nhập các cơ quan Đảng
Về phương án cụ thể, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, phương án chung sẽ nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.
Cùng đó, nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm tầng nấc trung gian.
"Nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ để tăng cường chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí", ông Lê Minh Hưng nói.
Cụ thể, đối với các cấp Ủy, tổ chức Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, nghiên cứu, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.
Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.
Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện trung ương.
Nghiên cứu, đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động các tạp chí của các Ban Đảng Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản. Giao các Ban Đảng Trung ương, Tạp chí Cộng sản chịu trách nhiệm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; tập trung xây dựng Tạp chí Cộng sản là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân Dân. Giao Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân Dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài truyền hình Việt Nam; giao Báo Nhân dân chịu trách nhiệm chính về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
"Tập trung xây dựng báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tập trung vào báo in, báo điện tử để thực hiện nhiệm vụ chính trị và được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi hoạt động", ông Lê Minh Hưng nói.
Cùng với đó, nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng trong các ban Đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng.
Theo ông Lê Minh Hưng, nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, chuyển các tổ chức Đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng ủy Chính phủ và Đảng ủy một số bộ chuyên ngành (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của Đảng bộ doanh nghiệp).
Nghiên cứu lập Đảng bộ Chính phủ và Đảng bộ Quốc hội
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương gồm các tổ chức Đảng trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số Đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước. Riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay.
Đảng ủy Chính phủ ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự Đảng như hiện nay. Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của Chính phủ và các cấp ủy trực thuộc.
Đảng ủy Chính phủ gồm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy gồm Thủ tướng làm Bí thư; các Phó Thủ tướng, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí 1 Phó Bí thư chuyên trách.
Bộ Chính trị chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy; quy định Ban Thường vụ Đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Ban Cán sự Đảng Chính phủ hiện nay.
Bên cạnh đó, kết thúc hoạt động của các Ban Cán sự Đảng, lập Đảng bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Ban Thường vụ Đảng ủy gồm Bộ trưởng làm Bí thư, các Thứ trưởng, vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ và 1 Phó Bí thư chuyên trách.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông tin, nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan Quốc hội.
Đảng ủy Quốc hội ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Quốc hội và các cấp ủy trực thuộc.
Đảng ủy Quốc hội gồm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Ban Thường vụ Đảng ủy gồm Chủ tịch Quốc hội làm Bí thư, các Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể bố trí 1 Phó Bí thư chuyên trách.
Bộ Chính trị chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; quy định Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Đảng đoàn Quốc hội hiện nay.
Kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng, lập Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Đảng ủy Quốc hội (tương tự Đảng bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ).
Nghiên cứu lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Đảng đoàn các tố chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng ở các cơ quan thuộc khối MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Ủy ban Trung ương MTT Việt Nam.
Đảng ủy MTTQ Việt Nam ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối MTTQ Việt Nam và các cấp Ủy trực thuộc.
"Thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, giảm 25 Ban cán sự Đảng, giảm 16 Đảng đoàn trực thuộc Trung ương và tăng 2 Đảng ủy trực thuộc Trung ương", ông Lê Minh Hưng nói.
Đề xuất giảm 5 Bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông tin về định hướng phương án nghiên cứu đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Cụ thể:
Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính.
Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ, chuyến đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.
Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường; chuyển một số nhiệm vụ khác về các Bộ và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các Bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.
Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo.
Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 viện hàn lâm khoa học và 2 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.
Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu đề xuất kết thúc nhiều mô hình
Ông Lê Minh Hưng cho biết, nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố.
Tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. Giao Chính phủ chỉ đạo Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
"Tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia. Tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho các hoạt động", ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Nghiên cứu, xây dựng, cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành. Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
"Thực hiện phương án này, tối thiểu giảm được 5 Bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nói.
Giảm 4 Ủy ban của Quốc hội
Trình bày phương án sáp xếp, tinh gọn bộ máy đối với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách; sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục; sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Bên cạnh đó, kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao, các ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
Ngoài ra, nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội. Nghiên cứu chuyển các Vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Ông Lê Minh Hưng, kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. Giao Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
"Không bố trí chức danh Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách. Thực hiện phương án này, giảm được 4 Ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nói.
Phương án với Mặt trận Tổ quốc và các Hội
Đối với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sẽ rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.
Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Định hướng với các địa phương
Đối với các địa phương, ông Lê Minh Hưng nêu rõ, cấp Ủy, Ban thường vụ cấp Ủy, cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ động nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở Trung ương.
Cùng đó là kết thúc hoạt động của các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy khối cấp tỉnh; lập 2 Đảng bộ trực thuộc cấp Ủy cấp tỉnh.
Trong đó Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh, gồm:
Các tố chức Đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp ủy cấp tỉnh.
Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước (tuy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp) (doanh nghiệp khác chuyển về trực thuộc cấp ủy cấp huyện).
Có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan UBND cấp tỉnh.
Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc cấp Ủy cấp tỉnh, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự Đảng như hiện nay.
Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của UBND cấp tỉnh và các cấp Ủy (Chi bộ) trực thuộc.
Dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác Đảng vụ của Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh (tương đương cấp huyện) về Đảng ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cấp cơ sở), một số nhiệm vụ sẽ do ban Đảng cấp Ủy cấp tỉnh thực hiện.
Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 2 đảng ủy nêu trên.
(Nguồn: VOV)