Đội lốt tàu cá, dân quan Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông
Tin thế giới
author14/04/2021 08:47

TDM – Lực lượng dân quân biển hùng hậu mà Trung Quốc nói là “tàu cá” đang tung hoành trên khắp các khu vực của Biển Đông nhằm thúc đẩy yêu sách lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh.

CNN trích các nhà phân tích nói lực lượng này có thể có hàng trăm tàu thuyền cùng hàng nghìn thủy thủ hùng hậu đang dàn trải trên khắp Biển Đông, từ từ “gặm nhấm” những vùng biển tranh chấp.

Trung Quốc không thừa nhận sự tồn tại của lực lượng này trong khi các chuyên gia nói đây là chiến lược giúp Bắc Kinh thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ phi pháp của họ trên Biển Đông mà không gây ra chiến tranh quân sự.

Tau Trung Quoc chiem Bien Dong anh 2
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc ở khu vực đá Ba Đầu (thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên Biển Đông vào ngày 13/3. Ảnh: Maxar Technologies.
“Ở lì” phi pháp

Tháng trước, lực lượng này đã gây xôn xao khi hơn 200 tàu đánh cá Trung Quốc tập trung xung quanh bãi đá ngầm đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Có thời điểm số lượng tàu lên tới 220 chiếc.

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore nói rằng họ chưa từng thấy một hoạt động nào của Trung Quốc ở quy mô lớn như vậy trước đây.

“Sự việc ở đá Ba Đầu có quy mô chưa từng có và đáng chú ý: số lượng lớn nhất các tàu cá Trung Quốc tập trung tại một rạn san hô ở Trường Sa và ở đó trong vài tuần”, Samir Puri và Greg Austin, hai nghiên cứu viên cấp cao tại IISS, viết vào tuần trước trên trang blog của tổ chức.

Philippines gọi sự hiện diện của các tàu này là “tràn lan và đe dọa”.

“Tàu cá” không có cá

Bất chấp những phủ nhận của Trung Quốc, các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, khẳng định các tàu đó là dân quân hàng hải thuộc Lực lượng Vũ trang Dân quân Hàng hải Nhân dân Trung Quốc (PAFMM).

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói với CNN: “Lực lượng này không đánh cá. Họ có vũ khí tự động trên tàu và thân tàu được gia cố, và họ rất nguy hiểm ở cự ly gần. Ngoài ra, các tàu này có tốc độ tối đa khoảng 18-22 hải lý/h, nhanh hơn 90% tàu đánh cá trên thế giới”.

Một số chuyên gia đã gọi lực lượng dân quân là “Little Blue Men”, ám chỉ màu sắc thuyền của họ.

Theo báo cáo tháng 12 từ những người đứng đầu hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên Mỹ, dân quân hàng hải được Bắc Kinh sử dụng để thực thi các yêu sách trái pháp luật.

Conor Kennedy và Andrew Erickson, hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ, đánh giá đây là “lực lượng được nhà nước (Trung Quốc) tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động theo một chuỗi chỉ huy quân sự trực tiếp, tiến hành các hoạt động do nhà nước Trung Quốc bảo trợ”.

Ông Erickson nói lực lượng dân quân đã được tích hợp với đội tàu đánh cá của Trung Quốc và đây là đội tàu lớn nhất thế giới với hơn 187.000 tàu thuyền. Số lượng tàu vũ trang thực tế hiện vẫn chưa được xác định.

Các tàu vũ trang này có thể chỉ huy đội tàu đánh cá lớn thực hiện các hoạt động nhằm hiện thực hóa chính sách và yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

“Trung Quốc thường giấu về lực lượng biển thứ 3 của họ, (ngoài) hai lực lượng công khai là Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (Hải quân PLA) và hải cảnh. Lực lượng thứ 3 này có thể có hàng nghìn tàu và hàng chục nghìn thủy thủ, thậm chí nhiều hơn”, ông Erickson nói.

Báo cáo năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc chỉ đề cập đến 84 tàu dân quân biển thực tế, hoạt động theo lệnh của một đơn vị đóng ở phía bắc Biển Đông. Báo cáo cho biết đơn vị được thành lập vào năm 2016, thường xuyên được trợ cấp để hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Đơn vị PAFMM đặc biệt này cũng là đơn vị chuyên nghiệp nhất của Trung Quốc. Lực lượng này được trả lương độc lập với các hoạt động đánh bắt thương mại, và do các cựu chiến binh tuyển dụng”, báo cáo cho biết.

Tau Trung Quoc chiem Bien Dong anh 3
Các tàu Trung Quốc đang thả neo tại khu vực đá Ba Đầu của Việt Nam vào ngày 27/3. Ảnh AP.

Tuy nhiên, ông Erickson nói những chiếc thuyền tại khu vực đá Ba Đầu trong những tuần gần đây trông khác với thuyền ở đơn vị gần đảo Hải Nam, phía bắc Biển Đông. Điều này cho thấy số lượng thuyền dân quân của Trung Quốc nhiều hơn so với suy đoán trước đây.

Ông Erickson và đồng nghiệp Ryan Martinson cho biết trên tạp chí Foreign Policy vào cuối tháng trước rằng theo tình báo, đội tàu này đến từ Đài Sơn, Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.

Ít nhất bảy tàu đánh cá khổng lồ ở đá Ba Đầu có thể là một phần của “đơn vị PAFMM tiên tiến nhất từng được xây dựng và triển khai”, ông Erickson và Martinson viết.

Dựa vào dữ liệu từ hệ thống nhận dạng tự động, họ cho biết thêm các tàu tại đá Ba Đầu đã tuần tra cả cụm Sinh Tồn, cũng như đá Subi và đá Vành Khăn (đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Những địa điểm này có công trình quân sự phi pháp của Trung Quốc.

“Không có bằng chứng nào cho thấy các tàu này đánh cá, nhưng bằng chứng cho thấy hành vi nhằm tuyên bố chủ quyền thì rõ ràng”, hai chuyên gia viết.

Tính đến ngày 29/3, chỉ có 44 tàu thuyền còn lại ở khu vực đá Ba Đầu, CNN dẫn tuyên bố từ Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Philippines. Phần còn lại phân tán đến các rạn san hô và đảo gần đó.

“Mũi tên” trúng nhiều đích

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của của tập đoàn RAND, cho biết vào năm ngoái: “Các hoạt động ‘vùng xám’ cổ điển này là nhằm giúp Trung Quốc áp đảo đối thủ bằng hàng loạt tàu cá”.

“Mục tiêu của chiến lược của Trung Quốc là thiết lập quyền kiểm soát và thống trị thực tế đối với toàn bộ Biển Đông thông qua các động thái gia tăng này”, Jay Batongbacal, Giám đốc của Viện Hàng hải tại Đại học Philippines, tóm tắt các hoạt động của Bắc Kinh trong những tuần gần đây tại đá Ba Đầu.

Tau Trung Quoc chiem Bien Dong anh 4
Khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp. Ảnh: CNN.

Từ quan điểm chiến thuật, các tàu đánh cá đại diện cho hàng trăm chướng ngại vật mà Hải quân Mỹ cần phải giải quyết. Trong khi đó, Hải quân Mỹ dường như chỉ có thể triển khai một vài tàu khu trục cùng lúc để thách thức đội tàu kia.

Với số lượng chênh lệch như vậy, Trung Quốc có lợi thế hơn.

“Tàu cá rẻ, nên chúng luôn đông hơn tàu chiến”, nhà nghiên cứu Shuxian Luo và Jonathan Panter của Đại học Johns Hopkins viết trên tạp chí Military Review của Quân đội Mỹ vào đầu năm nay.

Với số lượng lớn, ngay cả khi đó là những tàu cá thuần túy không vũ trang, cũng có thể trở thành một lực lượng quân sự hiệu quả nếu hoạt động dưới sự chỉ huy của các tàu dân quân hàng hải.

“Dù chỉ được triển khai với số lượng hạn chế, các tàu đánh cá vẫn có thể kiềm chế, hoặc thậm chí là ngăn chặn hoàn toàn khả năng các tàu chiến chỉ đạo chiến tranh chống tàu ngầm và triển khai máy bay trực thăng”, ông Luo và Panter viết.

Từ quan điểm chiến lược, việc thách thức các tàu này sẽ gây nguy hiểm, đặc biệt là đối với các quốc gia Đông Nam Á, hai chuyên gia nhận định.

Theo các chuyên gia, các quốc gia yếu hơn có thể ngần ngại thách thức Trung Quốc, bởi Bắc Kinh luôn khẳng định rằng các tàu đó không phải tàu quân sự. Bất kỳ hành động nào chống lại các tàu này cũng có thể bị Trung Quốc gán cho là tấn công vào dân thường.

Sự phủ nhận của Trung Quốc đối với lực lượng dân quân hàng hải này cho phép các tàu của họ quấy rối và đe dọa các tàu dân sự và tàu chiến nước khác, nhưng không có chiều ngược lại xảy ra, theo ông Luo và Panter.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil