Chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Slovakia Robert Fico đến Điện Kremlin vào ngày 22-12 là một trong những nỗ lực cuối cùng nhằm thảo luận về tương lai cung cấp khí đốt Nga ở châu Âu.
Diễn ra ngay trước thời điểm hợp đồng quá cảnh khí đốt giữa Nga và Ukraine hết hạn, chuyến thăm của ông Fico trên thực tế là một trong chuỗi động thái cứu vãn quan hệ về năng lượng giữa Liên minh châu Âu (EU) với Nga.
Mặc dù được triển khai gấp rút và đồng loạt, nhưng chuỗi động thái này đã không đạt được bất kỳ kết quả nào.
Nỗ lực không hiệu quả
Cùng một lúc ở EU tồn tại đến ba nhóm quốc gia có cách tiếp cận khá đa dạng đối với quá trình phân tách sự phụ thuộc của cả khối này đối với nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Đầu tiên phải kể đến xu hướng cứu vãn nêu trên không chỉ được đại diện bởi các quốc gia EU vẫn đang nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống vận chuyển khí đốt từ Siberia qua thị trấn Sudzha rồi quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine như Slovakia, Cộng hòa Czech và Áo, mà còn thông qua dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream) bằng đường ống dưới Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và vào Hungary.
Xu hướng này bao gồm các quốc gia còn giữ sự phụ thuộc đáng kể vào khí đốt của Nga nên vẫn giữ lập trường có lợi cho các lợi ích của Nga tại châu Âu.
Tiếp theo là xu hướng giảm thiểu ảnh hưởng năng lượng của Nga với EU bao gồm các quốc gia không phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, nhưng lại không cổ xúy cho quá trình loại bỏ triệt để ảnh hưởng của Nga ở châu Âu mà ủng hộ duy trì quan hệ năng lượng với Nga như một lựa chọn cho xu hướng đa phương hóa, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của cả châu Âu.
Xu hướng này được đại diện bởi các quốc gia thành viên EU ủng hộ quá trình lựa chọn Azerbaijan làm trung gian để tiếp tục xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua Ukraine, cũng như thực tiễn chưa có lệnh cấm khí đốt của Nga trên toàn EU.
Theo Viện nghiên cứu Bruegel tại Brussels, lượng nhiên liệu hóa thạch của Nga nhập khẩu vào EU đạt khoảng 1 tỉ USD mỗi tháng vào cuối năm 2023, tuy giảm so với mức cao nhất là 16 tỉ USD mỗi tháng vào đầu năm 2022 nhưng vẫn được duy trì.
Nga vẫn chiếm 15% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm 2023, sau Na Uy và Mỹ lần lượt là 30% và 19%, và trước các nước Bắc Phi ở mức 14%, theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu.
Tuy nhiên, nỗ lực từ cả hai xu hướng trên vừa qua đều không đạt được kết quả. Cả chuyến thăm của Thủ tướng Fico đến Nga lẫn quá trình trung gian của Azerbaijan được sự ủng hộ của EU đều ra về tay trắng.
Chỉ có Hungary duy trì được một kết quả mang tính tương đối khi vận động được Chính phủ Mỹ miễn trừ trừng phạt trong 3 tháng đối với Ngân hàng Gazprombank - giúp Thủ tướng Viktor Orban có thể duy trì các kênh thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga đến quý đầu năm 2025, đảm bảo chính sách trung lập về kinh tế của Hungary.
Phân tách triệt để
Trong khi đó, xu hướng phân tách triệt để ảnh hưởng năng lượng của Nga lên EU lại ngày càng vượt trội. Đặc biệt khi Ba Lan chuẩn bị đảm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng châu Âu và kêu gọi áp dụng "các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhất có thể" đối với Matxcơva.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk muốn tăng rào cản đối với việc EU nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, cũng như nhắm vào công nghệ hạt nhân và chuỗi cung ứng nhiên liệu vốn tiếp tục mang lại doanh thu cho Điện Kremlin.
Không chỉ vậy, EU cũng đã thu thập đủ lượng khí đốt dự trữ đạt khoảng 95% vào thời hạn chót là ngày 1-11. Con số này tương đương với 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm của EU.
Ngoài ra, EU cũng đang triển khai một loạt các sáng kiến RePowerEU, Trục Hành lang khí đốt... nhằm tăng cường các nguồn cung năng lượng tái tạo cũng như các nguồn khí đốt không phụ thuộc Nga.
Mặc dù Ukraine vẫn kiếm được từ 0,8 - 1 tỉ USD tiền phí quá cảnh từ việc vận chuyển khí đốt của Nga, nhưng do điều kiện mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra cho việc xem xét tiếp tục gia hạn thỏa thuận quá cảnh khí đốt của Nga là chỉ cho Matxcơva nhận được các khoản thanh toán sau khi hết chiến tranh - một điều kiện mà họ khó có thể chấp nhận, nên khả năng cao Nga sẽ đồng thuận chấm dứt khoảng một nửa lượng khí đốt chảy tới châu Âu qua đường ống Ukraine.
Nói cách khác, "kỷ nguyên khí đốt Nga" từ thời hoàng kim nắm giữ 45% thị phần năng lượng EU đang đứng trước bờ vực chính thức bị xóa bỏ, và EU đã sẵn sàng các kịch bản an ninh năng lượng mới cho năm 2025 trong đó không có Nga.
Ukraine không ký thỏa thuận khí đốt mới
Hợp đồng hiện tại giữa Tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraine và Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, được ký vào năm 2019, sẽ hết hạn từ 1-1-2025. Ukraine thông báo sẽ không có thỏa thuận mới nào được ký kết.
Theo TTXVN, tại Diễn đàn kinh doanh Đức - Ukraine ở Berlin mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết nước này đang chuẩn bị cho việc ngừng vận chuyển khí đốt của Nga kể từ ngày 1-1-2025.
"Chúng tôi đã chuẩn bị trong thời gian khá dài. Chỉ riêng năm nay, chúng tôi đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm đối với hệ thống khí đốt của mình để đánh giá hoạt động của hệ thống khi ngừng vận chuyển khí đốt", ông Halushchenko nói.
Nga bắt đầu vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào những năm 1960 thông qua một hệ thống vận chuyển khí đốt đã trở thành tuyến đường trung chuyển quan trọng để cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Trong hơn 5 thập niên, Ukraine vẫn là tuyến vận chuyển khí đốt chính của Nga đến châu Âu.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này