Chuyến thăm 3 nước vùng Vịnh là chuyến công du nước ngoài lớn đầu tiên của ông Trump kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ 2 và ông Trump dường như đang ưu tiên cho lĩnh vực hợp tác kinh doanh trong nhiệm kỳ mới.

Động thái bất ngờ của ông Trump tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Syria
Trong chuyến công du Trung Đông vừa qua, khi đang ở Saudi Arabia, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ trừng phạt đối với Syria, cho phép quốc tế hỗ trợ hơn 90% người dân Syria khỏi cảnh đói nghèo và tái thiết nền kinh tế của nước này. Việc dỡ bỏ trừng phạt đột ngột được xem là “nét đặc trưng” trong cách điều hành của ông Trump – một quyết định bất ngờ và gây chấn động, khiến cả đồng minh và các quan chức trực tiếp thực thi chính sách đều ngỡ ngàng.
Ngoài ra, ông Trump cũng nói rằng Washington đang xem xét bình thường hóa quan hệ với Damascus, đồng thời kêu gọi Syria thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Trước tuyên bố của ông Trump, Nhà Trắng không ban hành bất kỳ chỉ thị hay bản ghi nhớ nào để chuẩn bị cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, cũng không thông báo trước về tuyên bố của tổng thống.
Việc Tổng thống Donald Trump quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria là một sự thay đổi quan trọng có thể định hình di sản của ông tại Trung Đông. Động thái này báo hiệu một cơ hội để đảm bảo chiến thắng lâu dài của Mỹ tại Syria thông qua việc ổn định khu vực, hạn chế ảnh hưởng của các đối thủ như Nga và Trung Quốc, mở ra các cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực. Một số tờ báo Mỹ cho rằng, bước đi mới của Tổng thống Donald Trump về Syria thực sự đáng được nhắc đến với tinh thần tích cực vì điều này đã chấm dứt hơn một thập kỷ trì trệ trong việc thiết lập chính sách đối ngoại.
Quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria được đánh giá là một trong những canh bạc lớn nhất về đối ngoại từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ 2. Đến bất kỳ nơi nào ông Trump cũng có thể tạo ra xáo trộn, và ông chấp nhận rủi ro, nhất là quyết định dỡ bỏ trừng phạt Syria để trao cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này một cơ hội nữa, dù hành động này khơi lại câu hỏi được đặt ra từ lâu về toàn bộ chính sách đối ngoại và thương mại của Mỹ.
Ông Trump không chỉ tạo ra thay đổi về địa - chính trị ở Syria, mà trong chuyến đi lần này, ông gây áp lực mới lên Iran để ép nước này đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân, cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu Tehran từ chối, nhưng rõ ràng đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn viễn cảnh khủng khiếp về một cuộc chiến tranh Trung Đông mới.
Trong chuyến công du lần này, ông Trump tiếp tục chính sách cây gậy và củ cà rốt đối với Iran khi ông nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận với Iran và muốn điều đó diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, ông Trump cũng cảnh báo rằng nếu Iran từ chối “cành ô liu” mà ông đưa ra thì Mỹ sẽ áp đặt một đòn “áp lực tối đa khổng lồ” nhằm vào Tehran và bóp nghẹt nguồn xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Đáng chú ý, ông Trump không đe dọa hành động quân sự cụ thể nào đối với Iran, đánh dấu một sự khác biệt rõ rệt so với những phát ngôn trước đây của ông.
Dù cả Tehran và Washington đều khẳng định ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn kéo dài hàng thập kỷ, nhưng hai bên còn nhiều khác biệt và những “lằn ranh đỏ” mà các nhà đàm phán sẽ phải tìm cách vượt qua để tiến tới thỏa thuận và tránh nguy cơ đối đầu quân sự trong tương lai. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin NBC News mới đây, một quan chức Iran cho biết nước này sẵn sàng đồng ý đi đến một thỏa thuận với Mỹ để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế. Dấu hiệu tích cực này cùng với cách tiếp cận đặc biệt của ông Trump cũng mang lại kỳ vọng về khả năng hai bên đạt được thỏa thuận dẫn tới việc Iran được nới lỏng trừng phạt.
“Chuyến công du tỷ đô” với hàng loạt hợp đồng thương mại khổng lồ
Tại Trung Đông, ông Trump đã công bố các thỏa thuận để Saudi Arabia, Qatar và UAE mua vũ khí Mỹ và đầu tư vào các công ty Mỹ. Theo Nhà Trắng, ông Trump đã thu hút tổng cộng 2.000 tỉ USD đầu tư từ Trung Đông trong chuyến đi này. Chính quyền Mỹ gọi các thỏa thuận này như một chiến thắng chính trị và kinh tế lớn dành cho ông Trump. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đang thúc đẩy đầu tư vào nước Mỹ và đảm bảo các thỏa thuận thương mại công bằng trên toàn thế giới, mở đường cho một Thời đại Hoàng kim mới của sự thịnh vượng bền vững cho các thế hệ tương lai.
Có thể thấy, các thương vụ vừa được công bố mang lại lợi ích đáng kể cho Mỹ, từ tạo việc làm, thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ và quốc phòng, đến củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác ở vùng Vịnh. Các thỏa thuận này còn cho thấy một bước chuyển rõ rệt trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump: đặt lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia lên hàng đầu. Chính quyền ông Donald Trump triển khai một kế hoạch đa chiều tại Trung Đông, kết hợp củng cố liên minh chiến lược, đảm bảo an ninh năng lượng và cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ giảm hiện diện quân sự trực tiếp tại khu vực.
Những thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố vị thế chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump đã mang lại những thỏa thuận kinh tế lớn, tạo việc làm cho hàng triệu người Mỹ, tăng thu ngân sách và củng cố vị thế chiến lược của Mỹ tại khu vực. Đây là minh chứng cho chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà ông Trump theo đuổi.
Định hình chiến lược của Mỹ tại Trung Đông
Chuyến thăm 3 nước vùng Vịnh là chuyến công du nước ngoài lớn đầu tiên của ông Trump kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ 2 và ông Trump dường như đang ưu tiên cho lĩnh vực hợp tác kinh doanh trong nhiệm kỳ mới, thay vì truyền thống của các đời tổng thống trước khác là tới thăm các đồng minh lâu năm ở phương Tây và châu Âu.
Nhiều nhà quan sát tại Trung Đông nhận định các thỏa thuận trong chuyến thăm của ông Trump không chỉ phản ánh sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực tại Trung Đông. Chuyến đi này không đơn thuần là một bước đi ngoại giao mà còn là tín hiệu tái khẳng định vị thế chiến lược của Mỹ tại nơi từng được gọi là "vùng đất của những cuộc chiến và cơ hội". Với các thỏa thuận quốc phòng quy mô lớn, cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ đô la và quyết định dỡ bỏ trừng phạt với Syria, Washington đang gửi đi thông điệp nước Mỹ không rút lui mà đang tái định vị sức mạnh của mình theo cách chủ động, thực dụng và tính toán hơn.
Với việc không có Israel trong lịch trình chuyến thăm, giới phân tích cho rằng đã có các chuyển hướng chính sách tại Trung Đông và nỗ lực của Mỹ trong giải quyết các điểm nóng khu vực, đặc biệt là xung đột tại Gaza. Việc không đến thăm Israel lần này có thể được hiểu là một phần trong chiến lược "ngoại giao giao dịch" của ông Donald Trump. Đây là chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích kinh tế và thương lượng có đi có lại, đặc trưng cho cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ hiện tại.
Tuy nhiên, việc không giải quyết được xung đột tại Gaza có thể khiến những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia Vùng Vịnh và Israel gặp khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Do vậy, nhiều nhà bình luận tại Trung Đông đã đánh giá rằng xung đột tại Gaza vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ và cán cân quyền lực tại Trung Đông. Việc giải quyết xung đột này sẽ là chìa khóa để đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.
Khu vực Trung Đông ở trong bối cảnh mới sẽ tiềm ẩn cả những cơ hội và thách thức và cục diện tại đây sẽ không chỉ định hình trật tự khu vực mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến thế cân bằng toàn cầu, trong đó sự can dự của các cường quốc sẽ ngày càng quyết liệt và đa tầng hơn.
(Nguồn: VOV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này