Từ chối nhận lương, từ chối sống tại khu biệt thự trong Điện Tông tòa, từ chối đi xe sang, sử dụng trang phục và phục sức đắt tiền, Giáo hoàng Francis đã sống một cuộc đời giản dị cho đến khi qua đời.

Tờ báo Ámbito của Argentina dẫn thông tin chuyên trang về giá trị tài sản ròng của những người nổi tiếng và những nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới mới đây cho biết Giáo hoàng Francis chỉ để lại tài sản trị giá 100 USD sau khi qua đời ở tuổi 88 hôm 21-4.
Người cha chung của Giáo hội Công giáo đã không nhận bất kỳ khoản tiền lương nào kể từ khi trở thành giáo hoàng vào tháng 3-2013. Được biết, mức lương trung bình của một hồng y từ 4.700 - 5.900 USD mỗi tháng.
Kể cả sau khi được tấn phong hồng y vào năm 2001, Ngài vẫn sống trong một căn hộ nhỏ và sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm thay vì những chiếc ô tô sang trọng có tài xế riêng hay có đội bảo vệ riêng dành cho các hồng y để giữ gìn tinh thần khó nghèo, vâng phục lời khấn “khó nghèo” mà Ngài tuyên hứa với Dòng Tên.
Vị mục tử nhân lành, khó nghèo của Chúa
Trong ký ức của những người dân nghèo ở Buenos Aires, nhất là khu ổ chuột lớn nhất thủ đô Argentina Villa 21-24, Giáo hoàng Francis, khi đó là linh mục Jorge Mario Bergoglio, mãi mãi là “linh mục của dân nghèo”, là người cha luôn yêu thương, giúp đỡ những người nằm bên rìa xã hội.
Giáo hoàng Francis thuở còn là Hồng y Bergoglio đi tàu điện ngầm ở Buenos Aires vào năm 2008 - Ảnh: REUTERS
“Ngài ấy đã đến đây và hôn chân chúng tôi, chính là chân của người dân chúng tôi. Đó là tất cả đối với chúng tôi”, bà Aida Bogarin (44 tuổi), một người dân ở Buenos Aires nói với báo Guardian.
“Ngài rảo bộ quanh khu này, lắng nghe những tâm tư của chúng tôi và điều này đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tôi nhớ Ngài từng ăn ở đây.
Ngài ấy ăn Chipas (một loại bánh mì phô mai của Argentina) và chia sẻ những tách Maté (một loại trà truyền thống ở khu vực Nam Mỹ)”, đầu bếp Juan Ramón Congo (60 tuổi) cho biết tại giáo xứ Virgen de los Milagros de Caacupé ở khu Villa 21-24.
Hồng y Bergoglio đã rửa chân và hôn chân những người dân đói nghèo, nghiện ngập ở Buenos Aires vào thứ năm Tuần Thánh năm 2008 - Ảnh: ENRIQUE GARCIA MEDINA
“Những người trong khu Villa 21-24 luôn cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội, bị coi thường và bị bỏ rơi. Thế nhưng sự hiện diện của Ngài (Giáo hoàng Francis) và cách Ngài ấy đối xử với họ đã mang lại phẩm giá cho dân nghèo”, linh mục Lorenzo de Vedia (thường được gọi là Cha Toto), người đã từng gặp Giáo hoàng Francis khi còn là một linh mục trẻ kể về việc Giáo hoàng Francis thường đến thăm khu ổ chuột.
Cha Toto tiết lộ thêm Giáo hoàng Francis không chỉ cử hành Thánh lễ ở khu nhà nghèo, mà còn nán lại sau Thánh lễ để lắng nghe tâm sự của người dân và Ngài không chỉ nói suông, Ngài luôn hành động. “Ngài ấy rửa chân và hôn chân mọi người”, linh mục Vedia nói với Guardian.
Giáo hoàng Francis đã từng sửa chữa mái trung tâm thể thao ở Buenos Aires sau cơn bão, hỗ trợ gia đình của nạn nhân thiệt mạng trong một cơn bão khác khi bảo hiểm không chi trả, giúp đỡ những người nghiện ngập cai nghiện và hoàn lương.
“Nhưng tại sao Ngài không về quê nhà?”
Dù gắn bó và dành trọn tình yêu thương cho những người dân ở Argentina, nhưng Giáo hoàng Francis chưa một lần về thăm quê nhà kể từ khi trở thành giáo hoàng. Đây cũng chính là điều khiến người dân Argentina canh cánh trong lòng mãi cho đến tận hôm nay.
“Thành thật mà nói, tôi không thích việc Ngài ấy chưa bao giờ trở về Argentina”, bà Laura Aguirre (50 tuổi) ở Argentina nói với tờ New York Times sau khi dự Thánh lễ tưởng nhớ Giáo hoàng Francis hôm 21-4.
Ông Guillermo Oliveri, thư ký phụ trách vấn đề tôn giáo của Chính phủ Argentina trong hàng chục năm nói rằng câu hỏi tại sao Giáo hoàng Francis không thăm Argentina là “câu hỏi trị giá hàng triệu USD”.
Nhiều chuyên gia suy đoán lý do Giáo hoàng Francis đã đến thăm gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 12 năm tại vị, nhưng không trở về Argentina vì không muốn dính líu đến chính trị, dù nhiều đời tổng thống và lãnh đạo Công giáo quốc gia Nam Mỹ này gửi lời mời đến ông hàng chục lần.
“Ngài ấy không muốn bất kỳ tổng thống nào khoác lên mình chiếc áo choàng của Ngài và kiêu hãnh tuyên bố ‘chính tôi là người đã đưa giáo hoàng đến’”, ông Sebastián Morales (37 tuổi cho biết.
Theo giới quan sát, một lý do khác có lẽ xuất phát từ mâu thuẫn giữa Chính phủ Argentina với Giáo hoàng Francis từ khi ông còn là tổng giám mục Giáo phận Buenos Aires về một số chính sách như hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hay hợp pháp hóa phá thai (năm 2020).
Tuy nhiên Giáo hoàng Francis từng tiết lộ ông đã định thăm Argentina trong khuôn khổ chuyến công du đến Chile vào năm 2017, nhưng cuối cùng đã không thể về thăm quê nhà do vấn đề lịch trình.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này