Theo Đài Sky News, Thánh lễ nhậm chức không chỉ là một nghi lễ long trọng mà còn là dịp để thế giới lắng nghe bài giảng đầu tiên của tân Giáo hoàng - được ví như "tuyên ngôn" định hình phong cách và đường hướng của triều đại mới.
Theo Văn phòng Lễ nghi phụng vụ của Đức Giáo hoàng, nghi thức trao dây Pallium và Nhẫn Ngư Phủ trong lễ nhậm chức của tân Giáo hoàng là những khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong buổi lễ, tượng trưng cho quyền bính mục tử và sứ mạng kế vị Thánh Peter
Ước tính có khoảng 250.000 người tham dự trực tiếp tại Vatican để chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này, trong đó có hàng trăm lãnh đạo tôn giáo và chính trị từ khắp nơi trên thế giới.
Thánh lễ kết thúc
Các vị hồng y của Giáo hội Công giáo La Mã đội mũ zucchetto (mũ sọ) màu hồng, xen lẫn với các từ các Giáo hội Công giáo Đông Phương trong lễ phục khác lạ tạo nên một bức tranh mang ý nghĩa của sự hòa hợp giữa các Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới - Ảnh: AFP
Lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV khép lại sau hơn một giờ với các nghi thức trọng yếu. Sau bài huấn dụ, tân Giáo hoàng cử hành các nghi lễ tôn giáo, ban phép lành và cầu chúc an bình, hạnh phúc đến với toàn thể nhân loại.
Giáo hoàng kêu gọi một Giáo hội cởi mở và đoàn kết
Các tín hữu theo dõi Thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV qua màn hình lớn ở Quảng trường Thánh Peter - Ảnh: REUTERS
Tiếp tục bài phát biểu trước hàng nghìn tín hữu tại Quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Leo XIV kêu gọi Giáo hội với 1,4 tỉ thành viên duy trì truyền thống nhưng không khép kín.
Ngài nhấn mạnh: tương lai của Giáo hội không có chỗ cho tuyên truyền tôn giáo hay những trò chơi quyền lực, mà cần là một tổ chức gắn kết, hướng đến sự hiệp thông.
Lặp lại những ưu tiên của người tiền nhiệm, Giáo hoàng phê phán mô hình kinh tế chỉ biết "khai thác tài nguyên của Trái đất và đẩy người nghèo ra bên lề". Ngài cảnh báo: thế giới hôm nay đang chứng kiến quá nhiều chia rẽ, tổn thương do thù hận, bạo lực và định kiến gây ra.
Toàn cảnh Thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV nhìn từ trên cao, khu vực của các giáo sĩ được phủ kín bởi màu trắng của áo lễ - Ảnh: AFP
Tân Giáo hoàng cũng cảnh báo về nguy cơ tập trung quyền lực trong nội bộ Giáo hội, khẳng định sẽ không bao giờ khuất phục trước "cám dỗ trở thành một nhà độc tài".
Ngài kêu gọi tinh thần cởi mở, bác ái, không khép kín trong một nhóm nhỏ hay tự cho mình vượt trội. Mỗi cá nhân, dù khác biệt xã hội, văn hóa hay tôn giáo, đều xứng đáng được tôn trọng.
"Nếu những điều này được áp dụng trên thế giới ngày nay, có phải chăng xung đột sẽ chấm dứt và hòa bình được lập lại?", Giáo hoàng Leo XIV nêu vấn đề, tránh đề cập cụ thể đến bất kỳ cá nhân hay quốc gia nào.
"Tôi được chọn không phải do công trạng nào"
Giáo hoàng Leo XIV được trao dây Pallium, một trong những biểu tượng và khoảnh khắc quan trọng của buổi lễ - Ảnh: REUTERS
"Tôi được chọn không phải do công trạng nào. Với tâm tình khiêm tốn, tôi đến với anh chị em như một người trong anh chị em. Mong được phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, cùng bước đi trên con đường tình yêu của Chúa - Đấng muốn quy tụ chúng ta thành một gia đình.
Tình yêu và hiệp nhất là hai sứ vụ mà Chúa Jesus đã giao phó cho Thánh Peter... Ước nguyện đầu tiên của tôi là một Giáo hội hiệp nhất", Giáo hoàng Leo XIV bày tỏ.
Đại diện giáo dân tuyên hứa vâng phục Giáo hoàng Leo XIV
Sau khi nhận dây pallium và nhẫn ngư phủ, Giáo hoàng Leo XIV tiếp tục chủ sự nghi lễ tuyên hứa vâng phục.
Lần lượt 12 đại diện, gồm giám mục, linh mục, giáo dân và người vừa lãnh nhận bí tích rửa tội, tiến đến trước mặt Ngài. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đại diện cho toàn thể Giáo hội, long trọng tuyên hứa vâng phục vị giáo hoàng mới.
Giáo hoàng Leo XIV được trao các biểu tượng thiêng liêng
Giáo hoàng Leo XIV nhận dây pallium từ Hồng y đẳng phó tế Dominique Francois Joseph Mamberti - Ảnh: REUTERS
Thánh lễ tiếp tục với nghi thức trao dây pallium và nhẫn ngư phủ cho Giáo hoàng Leo XIV. Ba hồng y thuộc ba đẳng cấp - phó tế, linh mục, giám mục - đại diện cho ba châu lục lần lượt tiến đến gần Ngài.
Vị hồng y thứ nhất trao dây pallium. Vị thứ hai đọc lời nguyện cầu xin ơn Chúa hiện diện và trợ giúp Giáo hoàng. Vị thứ ba trao chiếc nhẫn ngư phủ - biểu tượng quyền bính tối cao của người đứng đầu Giáo hội Công giáo.
Dây pallium là một dải vải nhỏ được đặt lên vai, bên ngoài áo lễ, với hai đầu màu đen buông xuống trước và sau. Trên đó có thêu sáu thánh giá màu đen. Dây được làm từ lông cừu và gắn ba chiếc ghim, gợi nhớ đến ba chiếc đinh trên thánh giá Chúa Jesus.
Chiếc nhẫn ngư phủ thường được làm bằng vàng, khắc hình Thánh Peter đang thả lưới. Mỗi vị giáo hoàng đều có một chiếc nhẫn riêng, mang ý nghĩa gợi nhắc câu chuyện trong Kinh Thánh khi Chúa Jesus gọi Simon - một ngư phủ - làm người dẫn dắt đoàn chiên.
Trong câu chuyện ấy, dù cả đêm không đánh được cá, Simon vẫn làm theo lời Chúa, thả lưới lần nữa và thu được mẻ cá lớn đến mức suýt chìm thuyền.
Biểu tượng của sự hiệp nhất Kitô giáo toàn cầu
Giáo hoàng Leo XIV tiến ra khu vực Bàn Thánh tại Quảng trường Thánh Peter, bắt đầu các nghi thức đọc kinh - Ảnh: REUTERS
Giáo hoàng Leo XIV cùng các Thượng phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương đã tiến xuống hầm mộ Thánh Peter - vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo, để cầu nguyện và xông hương.
Khoảnh khắc linh thiêng này thể hiện mối dây liên kết sâu sắc giữa tân Giáo hoàng - vị kế nhiệm thứ 267 - với Giáo hoàng đầu tiên. Đồng thời, sự hiện diện của các Thượng phụ Đông phương cũng khẳng định tinh thần hiệp nhất giữa các cộng đoàn Công giáo toàn cầu.
Việc các giám mục và thượng phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương cùng tiến vào mộ Thánh Peter trước thánh lễ nhậm chức Giáo hoàng là một nghi thức sâu sắc, thể hiện sự hiệp nhất giữa các truyền thống Công giáo Đông phương và Công giáo Latin.
Đây là cách Giáo hội nhấn mạnh rằng, dù có nhiều truyền thống phụng vụ khác nhau, tất cả đều cùng hiệp thông dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng - người kế vị Thánh Peter.
Sau thời gian cầu nguyện, các hồng y cung kính đưa dây pallium, Nhẫn Ngư Phủ và Sách Phúc Âm từ Hòm Thánh tích, cùng đoàn rước long trọng tiến về Bàn Thánh để bắt đầu Thánh lễ nhậm chức tại Quảng trường Thánh Peter.
Giáo hoàng Leo XIV chọn chiếc xe giống như của Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Leo XIV tiến vào Quảng trường Thánh Peter trên chiếc popemobile trong tiếng hò reo của đám đông - Ảnh: AFP
Giáo hoàng Leo XIV tiến vào Quảng trường Thánh Peter trên chiếc popemobile - chuyên xa dành riêng cho các giáo hoàng khi xuất hiện trước công chúng.
Theo truyền thống, mỗi vị giáo hoàng đều có quyền chọn cách di chuyển trong lễ nhậm chức.
Giáo hoàng Benedict XVI từng dùng xe chống đạn, trong khi cố Giáo hoàng Francis chọn popemobile để gần gũi hơn với cộng đoàn tín hữu.
Tân Giáo hoàng Leo XIV tiếp nối tinh thần ấy, khi cũng lựa chọn chiếc xe biểu tượng này để đến với hàng ngàn người đang chờ đợi nơi quảng trường lịch sử.
Tân Giáo hoàng đi giữa "vòng tay" của hàng ngàn tín hữu và tu sĩ Công giáo quy tụ từ khắp thế giới - Ảnh: AFP
Popemobile (hay còn gọi là xe Giáo hoàng) là một loại phương tiện cơ giới được thiết kế đặc biệt để phục vụ cho Giáo hoàng - người đứng đầu Giáo hội Công giáo - khi xuất hiện trước công chúng.
Tên gọi "Popemobile" là sự kết hợp giữa từ "Pope" (Giáo hoàng) và "automobile" (xe ô tô).
Trông chờ thông điệp hòa bình
Trong nhiều bài giảng và bình luận khác nhau kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Giáo hoàng Leo XIV đã nhiều lần ca ngợi người tiền nhiệm.
Bài giảng của ông vào hôm nay 18-5 có thể sẽ chỉ ra một số ưu tiên cho triều đại giáo hoàng của mình. Trong 10 ngày qua, ông đã nhiều lần nói rõ mong muốn sẽ thúc đẩy hòa bình bất cứ khi nào có thể.
Ông cũng đã đề nghị Vatican làm trung gian trong các cuộc xung đột toàn cầu, nói rằng chiến tranh "không bao giờ là điều không thể tránh khỏi".
Tổng thống Peru Dina Boluarte (ở giữa) cũng đã có mặt tại Quảng trường Thánh Peter. Tân Giáo hoàng Leo XIV từng phục vụ tại Peru trong nhiều năm và đã nhập quốc tịch Peru - Ảnh: AFP
Tổng thống Ý Sergio Matarella và Đệ nhất phu nhân Laura Matarella chào hỏi các quan chức thế giới khác ở hàng ghế khách mời tại lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV - Ảnh: AFP
Tổng thống Peru Dina Boluarte (ở giữa) cũng đã có mặt tại Quảng trường Thánh Peter. Tân Giáo hoàng Leo XIV từng phục vụ tại Peru trong nhiều năm và đã nhập quốc tịch Peru - Ảnh: AFP
Thánh lễ ngày 18-5 sẽ có các lời cầu nguyện bằng nhiều ngôn ngữ, nhằm tôn vinh sự lan tỏa toàn cầu của Giáo hội Công giáo gồm 1,4 tỉ thành viên. Các ngôn ngữ chính bao gồm tiếng Latin, tiếng Ý, tiếng Hy Lạp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, tiếng Ba Lan và tiếng Trung Quốc.
Các giáo dân nô nức đổ về quảng trường Thánh Peter
Từ khoảng 7h sáng (theo giờ địa phương), hàng ngàn người đã đổ về Quảng trường Thánh Peter, nơi diễn ra lễ nhậm chức của tân Giáo hoàng Leo XIV - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters và AFP, dù Thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV bắt đầu lúc 10h, nhưng từ sáng sớm, hàng ngàn tín hữu Công giáo và tu sĩ nam nữ đã đổ về Quảng trường Thánh Peter, tạo nên không khí trang nghiêm mà xúc động.
Những lá cờ Mỹ với ba màu đỏ, trắng, xanh tung bay trong nắng sớm, hòa cùng tâm trạng háo hức, kỳ vọng và niềm tự hào của đông đảo tín hữu đang chuẩn bị chào đón vị Giáo hoàng đầu tiên là người Mỹ.
Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ, đội cận vệ danh tiếng của Vatican, được bố trí dày đặc tại các lối vào và hành lang chính quanh quảng trường để đảm bảo an ninh tuyệt đối cho sự kiện.
Hai nhân viên Vatican đang kiểm tra lại khu vực Bàn Thánh - nơi Giáo hoàng Leo XIV cử hành Thánh lễ nhậm chức với chiếc ghế trắng dành riêng cho Ngài - Ảnh: AFP
Từ khoảng 7h sáng (giờ địa phương), các nhân viên phục vụ của Vatican đã khẩn trương hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng: kiểm tra ghế ngồi dành cho khách mời và rà soát toàn bộ khu vực hành lễ, bảo đảm mọi thứ sẵn sàng cho một trong những sự kiện trọng đại nhất của Giáo hội Công giáo.
Hàng ngàn chiếc ghế xếp ngay ngắn đang dần được lấp đầy bởi các tín hữu.
Đội vệ binh (hay cận vệ) Thụy Sĩ được bố trí khắp Quảng trường Thánh Peter để đảm bảo an ninh cho Thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV - Ảnh: AFP