Hàng loạt biến chứng hiếm gặp xuất hiện, khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ ngày càng bế tắc?
Tin thế giới
author22/05/2021 08:16

Các biến chứng Covid-19 hiếm gặp đang gia tăng ở Ấn Độ đã tạo ra những thách thức y tế nghiêm trọng tại một quốc gia vốn đã thiếu hụt nguồn cung oxy và các vật tư y tế cơ bản khác.


Chưa thoát Covid-19, Ấn Độ gánh thêm họa “nấm đen”

Các dược sĩ đang cảnh báo tình trạng thiếu một loại thuốc quan trọng để điều trị bệnh nấm đang đe dọa những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu. Đồng thời, Ấn Độ đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc hội chứng viêm hiếm gặp ở trẻ em liên quan tới Covid-19. Biến chứng này cũng được phát hiện ở Mỹ và châu Âu vào thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng.

Nhiều bác sĩ Ấn Độ đang lo ngại tình trạng nhiễm “nấm đen” ở người mắc Covid-19. Ảnh: Reuters



Bên cạnh cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ, Ấn Độ đang phải đối phó với một mối đe dọa mới là căn bệnh mucormycosis hay còn gọi là “nấm đen”. Một bài báo đăng trên Bloomberg ngày 21/5 nhận định, chỉ riêng bang Maharashtra đã ghi nhận tới 1.500 bệnh nhân mắc căn bệnh này. Chính quyền bang Maharashtra ước tính sẽ có khoảng 200 ca bệnh mucormycosis mới mỗi tuần. Trong khi đó, bang Rajasthan đã tuyên bố mucormycosis là một dịch bệnh trong tiểu bang.

“Bệnh mucormycosis là một phần trong hàng loạt các tình trạng y tế thứ cấp đang bùng phát ở Ấn Độ. Số ca mắc bệnh mucormycosis gia tăng đồng nghĩa với việc sẽ không có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc đầy đủ cho bệnh nhân Covid-19”, Catherine Bennett, trưởng khoa dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne (Australia) cho biết.

Tới nay, Ấn Độ đã báo cáo hơn 26 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 291.000 ca tử vong do dịch bệnh. Nhiều ca mắc Covid-19 ở khu vực nông thôn có thể không được báo cáo do thiếu thiết bị xét nghiệm.

“Chúng tôi biết rằng sẽ có làn sóng Covid-19 thứ hai theo những kinh nghiệm thấy được trên thế giới. Nhưng không ngờ nó lại nghiêm trọng đến vậy. Nó giống như một trận cháy rừng”, Randeep Guleria, Giám đốc Viện Khoa học Y tế Ấn Độ nói.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những bệnh nhân mắc Covid-19 ở Ấn Độ thường được cho sử dụng rất nhiều loại thuốc không cần thiết, bao gồm cả thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus và thuốc steroid. Điều này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các biến chứng liên quan đến Covid-19.

“Áp lực lên các bác sĩ và sự hoảng loạn của bệnh nhân đang làm cho tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn. Có những bệnh nhân đã chọn phương pháp điều trị y tế mạnh thay vì những biện pháp thận trọng hơn”, ông Guleria nói.

Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách ở New Deldhi cho biết, việc lạm dụng thuốc, vốn tăng cao ở Ấn Độ trong thời kỳ trước đại dịch, đã tăng vọt trong thời gian đại dịch. “Tác hại của việc sử dụng thuốc không hợp lý có nguy cơ cao như chính tác hại của virus”, ông Laxminarayan nói.

Leena Menghaney, người đứng đầu bệnh viện có trụ sở tại New Delhi cho biết, các loại thuốc steroid giá rẻ được sử dụng để làm dịu phản ứng viêm quá mức đối với Covid-19 đã giúp đẩy lùi các trường hợp mắc bệnh mucormycosis. Tuy nhiên, steroid sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng thứ cấp hơn.

Biến chứng hiếm gặp đe dọa khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ

Nhiễm trùng nấm có thể bắt đầu trên da, xâm nhập vào hốc xoang và các bộ phận khác trên khuôn mặt. Nhiễm trùng nấm cần phải phẫu thuật nếu không được điều trị kịp thời bằng liệu pháp chống nấm. Nếu không điều trị, nó có thể gây ra nhiễm trùng máu gây chết người.

Bệnh nhân Covid-19 bị nấm đen, loại bệnh hiếm gặp và có thể gây tử vong, tại một bệnh viện ở Jabalpur (Ấn Độ). Ảnh: AFP



Menghaney cho biết, bà biết ít nhất một bệnh nhân tại bang Karnataka đã tử vong trong tuần này vì không thể có được loại thuốc điều trị bệnh mucormycosis, đó là liposomal amphotericin B. Loại thuốc này rất khó mua ngay cả khi nhu cầu thấp và thường có giá khoảng 70 USD/lọ. Bệnh nhân có thể cần đến 20 lọ thuốc này, bà Menghaney nói.

“Tôi đã nhận được báo cáo về tình trạng thiếu hụt thuốc trên toàn quốc. Mọi người sẵn sàng trả bất cứ thứ gì để có được thuốc. Bệnh nhân tại các vùng nông thôn nghèo khó không thể tiếp cận thuốc vì nó quá đắt”, bà Menghaney nói thêm.

Ông Laxminarayan cho biết, việc kiểm soát nhiễm trùng không tốt trong các bệnh viện cũng có nguy cơ khiến bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn và nấm, trong đó, nhiều trường hợp không thể điều trị bằng các loại thuốc cơ bản.

Theo Bloomberg, đáng lo ngại hơn nữa là những biến chứng Covid-19 xuất hiện ở trẻ em.

Khushnooma Kapadia, một nhân viên khách sạn ở thành phố Mumbai cho biết, cậu con trai 11 tuổi của cô đột nhiên xuất hiện các triệu chứng như mắt đỏ ngầu, sưng tấy quanh cổ, tiêu chảy dữ dội, nôn mửa và phát ban khắp cơ thể. Kết quả xét nghiệm cho thấy cậu bé đã mắc Covid-19 từ 4 tuần trước dù không có triệu chứng nào vào thời điểm đó. Gần 1 tháng sau, cậu bé vẫn đang hồi phục với tình trạng sức khỏe yếu ớt kéo dài, Kapadia cho biết.

Các bác sĩ chẩn đoán đây là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), một tình trạng đe dọa tính mạng trẻ em khi các mạch máu bị viêm và sưng. Theo ước tính, hội chứng này xảy ra ở khoảng 1 trong số 5.000 trẻ em từ 4-6 tuần sau khi mắc Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ dường như đã tăng cao nhất vào tuần trước. Điều này đồng nghĩa với việc số ca mắc MIS-C sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới, T.G. Sundaram và Latika Gupta, các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Y khoa Sau đại học Sanjay Gandhi ở thành phố Lucknow, miền Bắc Ấn Độ, cho biết.

Mặc dù không có dữ liệu tổng hợp về các ca trẻ em mắc Covid-19 hoặc MIS-C ở Ấn Độ, 5 bác sĩ cho biết họ đang chứng kiến nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi hơn trong đợt dịch hiện tại. Sự gia tăng này có thể do sự xuất hiện của “biến thể đáng lo ngại” B.1.617 có khả năng lây lan nhanh hơn.

“Số ca Covid-19 là trẻ em nhiều gấp 4-5 lần trong đợt dịch năm nay so với đợt dịch đầu tiên năm 2020. Số ca mắc bệnh và độc lực của virus trong đợt bùng phát dịch này đều cao hơn. Ngay cả một số trẻ sơ sinh do bệnh nhân mắc Covid-19 sinh ra cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2”, Anuradha Mittal, một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Kailash (Ấn Độ) cho biết./.

*Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


(Nguồn: VOV/Theo Bloomberg)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil