Hy Lạp mua loạt vũ khí giữa căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ
Tin thế giới
author17/09/2020 09:32

Hy Lạp sẽ mua nhiều tiêm kích, trực thăng và chiến hạm của Pháp và cải tổ quân đội khi căng thẳng lãnh thổ với Thổ Nhĩ Kỳ leo thang.

“Đã đến lúc củng cố các lực lượng vũ trang. Những sáng kiến mua sắm vũ khí này tạo thành một chương trình mạnh mẽ để trở thành khiên chắn bảo vệ đất nước”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết trong diễn văn đọc tại thành phố Thessaloniki ngày 12/9.

Mitsotakis cho biết Hy Lạp sẽ mua 18 tiêm kích Rafale cùng 4 hộ vệ hạm và 4 trực thăng hải quân của Pháp trong nỗ lực cải tổ và hiện đại hóa quân đội. Quân đội Hy Lạp sẽ tuyển thêm 15.000 binh sĩ, đồng thời dồn nguồn lực cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí và phòng thủ chống tấn công mạng.

Hy Lạp sẽ mua thêm vũ khí chống tăng, ngư lôi và tên lửa mới, đồng thời lên kế hoạch nâng cấp 4 hộ vệ hạm trong biên chế để tạo hàng nghìn việc làm trong nước, Thủ tướng Mitsotaki nói.

Chương trình mua sắm vũ khí được Thủ tướng Mitsotaki công bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Nam Âu hôm 10/9. Trái với các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) và NATO khác, Pháp bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ Hy Lạp trong căng thẳng tranh chấp lãnh thổ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly hoan nghênh thỏa thuận mua vũ khí và nói đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Âu mua tiêm kích Rafale. Dassault Aviation, hãng chế tạo tiêm kích Rafale, cho biết họ “rất vui mừng” với đơn đặt hàng của Hy Lạp.

Căng thẳng Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ leo thang từ tháng 8, khi Ankara cử chiến hạm hộ tống tàu thăm dò tới khảo sát địa chấn ở vùng biển mà Athens tuyên bố chủ quyền. Hy Lạp điều chiến hạm đối phó đội tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tổ chức các cuộc diễn tập với đồng minh EU và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để phô trương sức mạnh.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai thành viên NATO, khiến các quốc gia khác thuộc tổ chức này bị đặt vào thế khó. Thủ tướng Mitsotakis hồi tháng 8 nói “cách tiếp cận kiểu không nhúng tay” của NATO khi không đứng về bên nào là “rất không công bằng”.

Mitsotakis cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa biên giới phía đông châu Âu và phá hoại an ninh khu vực. Thủ tướng Hy Lạp khẳng định muốn đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ “miễn là nước này ngừng hành động như một kẻ khiêu khích”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron thể hiện sự ủng hộ Hy Lạp, cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không được vượt quá “lằn ranh đỏ”, đồng thời điều các chiến hạm và tiêm kích đến đông Địa Trung Hải. Erdogan ngày 12/9 nói Macron “không được gây rối” với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi Hy Lạp “tránh xa các hành động sai trái” được các nước như Pháp hậu thuẫn trong vùng biển tranh chấp.

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil