Phương Tây sẽ chuyển thêm tên lửa Patriot cho Kiev, nhưng gói viện trợ có thể đến quá chậm, không đủ giúp Ukraine chống lại các đợt tập kích dữ dội của Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Nhà Trắng ngày 14/7 cho biết Washington đang phối hợp cùng đồng minh để lập tức cung cấp "17 Patriot" cho Ukraine, loại vũ khí phòng không mà ông cho rằng Kiev "đang rất cần".
Phát ngôn viên chính phủ Đức Stefan Kornelius hồi đầu tháng cho biết có "nhiều phương pháp khác nhau" để cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine, trong đó phương án đang được cân nhắc là châu Âu mua các hệ thống này từ Washington và chuyển cho Kiev.
Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa mà Ukraine lâu nay muốn có, bởi đây được coi là khí tài duy nhất trong biên chế phòng không nước này có thể đối phó với tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa siêu vượt âm của Nga.
Mỗi bệ phóng của Patriot có thể khai hỏa 32 tên lửa trong vài giây, đầu đạn lao đi với vận tốc cực cao, va chạm với mục tiêu gây ra vụ nổ sáng chói trong tích tắc, theo sau là sóng xung kích dữ dội.
Ukraine lần đầu nhận được loại vũ khí này từ Mỹ và một số đồng minh Tây Âu vào tháng 4/2023. Chỉ trong vài tuần, chúng đã giúp Ukraine chặn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal được phóng từ máy bay chiến đấu Nga ở độ cao hơn 12 km so với mặt đất.
Quyết định của Tổng thống Trump về việc bán hệ thống phòng không Patriot cho đồng minh châu Âu để họ có thể chuyển giao cho Ukraine được đánh giá là rất quan trọng với Kiev, giúp tạo động lực trong cuộc chiến với Nga. Thông báo đã đánh dấu lần đầu tiên Nhà Trắng dưới thời ông Trump đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thông báo của ông Trump hiện chưa rõ ràng và có thể gây nhiều bối rối cho cả Ukraine lẫn các nước châu Âu. Tổng thống Mỹ không nói rõ "17 Patriot" sẽ chuyển cho Ukraine là 17 tổ hợp tên lửa, hay chỉ là 17 bệ phóng. Một tổ hợp Patriot đầy đủ sẽ gồm 4-8 bệ phóng, cùng radar và hệ thống điều khiển.
"Nếu ý của ông ấy là 17 tổ hợp đầy đủ, đó sẽ là con số rất lớn. Nhưng nếu ông ấy chỉ ám chỉ 17 bệ phóng riêng lẻ thì có thể khả thi hơn", thiếu tướng Vadym Skibitskyi, Phó giám đốc cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR), nhận định.
Ngay cả khi Ukraine nhận được 17 tổ hợp tên lửa Patriot đầy đủ, họ vẫn khó có thể chống đỡ những trận tập kích "như bão lửa" với hàng trăm máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa các loại mà Nga đã liên tục tiến hành thời gian qua, các chuyên gia quân sự nhận định.
Về số lượng, mức độ viện trợ khổng lồ như vậy vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phòng không của Ukraine. Nước này ước tính cần thêm 25 tổ hợp Patriot để bảo vệ các khu vực đô thị trọng yếu, theo trung tướng Ihor Romanenko, cựu phó tham mưu trưởng quân đội.
Về thời điểm, việc Mỹ và châu Âu đến giữa mùa hè mới thông báo viện trợ Patriot cho Ukraine được coi là quá muộn, khi nước này chuẩn bị đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt. Nếu hạ tầng năng lượng và các công trình trọng yếu liên tục bị tập kích, người Ukraine nhiều khả năng sẽ phải chịu đựng thêm một mùa đông lạnh lẽo và tối tăm.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết trong một bài đăng trên X ngày 14/7 rằng ông đã đảm bảo với Tổng thống Trump rằng Đức sẽ "đóng vai trò quyết định" trong nỗ lực cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine. Ông Trump cùng ngày gợi ý rằng Đức sẽ gửi tên lửa "sớm" và "chúng sẽ được thay thế", nhưng không nêu cụ thể.

Câu hỏi đặt ra là bao giờ những tổ hợp này có thể đến được Ukraine và số lượng thực tế sẽ là bao nhiêu. Các nhà phân tích cho rằng Patriot có thể hữu ích với Ukraine bao nhiêu phụ thuộc vào việc chúng có được đưa đủ tới nước này một cách nhanh chóng và các nguồn bổ sung đạn tên lửa sau đó.
"Chiến thuật của Nga là khiến Ukraine tiêu tốn toàn bộ kho dự trữ phòng không hiện có và trở nên dễ bị tổn thương trước các đợt tập kích vào cuối hè hoặc mùa thu. Nếu muốn thay đổi tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin, các đợt chuyển giao Patriot phải được duy trì ở mức đáng kể trong suốt mùa hè", Celeste Wallander, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Joe Biden, nhận định.
Kristine Berzina, thành viên viện nghiên cứu Quỹ German Marshall, cho rằng phương án khả thi nhất là các nước châu Âu gửi số tên lửa Patriot mà họ đang có cho Ukraine, rồi đợi nguồn cung mới từ Mỹ để bù đắp cho kho dự trữ trong nước. "Nhưng nếu Đức và các nước chờ đợi nhận Patriot mới của Mỹ rồi mới chuyển cho Ukraine, sự giúp đỡ đó có vẻ là quá muộn", Berzina nói.
Khả năng của Mỹ và đồng minh trong việc cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine trước các đòn tập kích ngày càng tăng của Nga không chỉ bị giới hạn bởi chi phí, mà còn là bởi năng lực sản xuất của phương Tây.
Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đã sản xuất 500 quả đạn tên lửa đánh chặn PAC-3 cho hệ thống Patriot vào năm ngoái và dự kiến tăng sản lượng lên 650 quả vào năm 2027.
Giới quan sát cho rằng một cách để đáp ứng nhu cầu của Ukraine về Patriot là mua trực tiếp từ nhà sản xuất Lockheed Martin. Tuy nhiên, do nhu cầu về Patriot từ các nước khác cũng rất cao, khách hàng mới có thể phải đợi nhiều năm trước khi nhận được tên lửa.
Ông Trump có thể đẩy nhanh quá trình bằng cách yêu cầu Lockheed Martin ưu tiên chuyển giao hàng sớm cho Ukraine, nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa các đồng minh khác của Mỹ trên khắp thế giới đã đặt hàng sẽ bị đẩy xuống sau trong danh sách chờ.
Các nhà phân tích ở Kiev tin tưởng những tổ hợp Patriot mới có thể triển khai ở các thành phố lớn và giúp giảm thiểu mức độ thiệt hại từ tên lửa Nga. Tuy nhiên, họ cho rằng bấy nhiêu là chưa đủ.
"Vấn đề không chỉ là Patriot. Chúng tôi không chỉ cần Patriot để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Loại vũ khí không kích chính của Nga hiện tại là UAV. Chúng gây ra phần lớn thiệt hại", Volodymyr Fesenko, người đứng đầu viện nghiên cứu Penta, nói.
UAV của Nga hiện có thể bay theo "đàn" lên tới hàng trăm chiếc. Vũ khí chính mà Ukraine đang sử dụng để đối phó với các đàn UAV này là những tổ phòng không cơ động trang bị súng máy, nhưng chiến thuật này ngày càng kém hiệu quả, khi Nga sản xuất thế hệ UAV mới trang bị động cơ phản lực, có thể bay ở độ cao 5 km với tốc độ lên tới 500 km/h, khiến hỏa lực súng máy trở nên vô dụng.
Ukraine cần các loại drone đánh chặn có thể bay nhanh và bay cao tương đương UAV Nga. "Số lượng mới là vấn đề. Nếu họ phóng hơn 700-1.000 UAV trong mỗi cuộc tấn công, chúng tôi cần hàng trăm drone đánh chặn", Romanenko nói.

Nga đã nghiên cứu kỹ các tuyến đường bay của UAV và thường xuyên thay đổi để tránh bị đánh chặn, vì vậy Ukraine cần những máy bay hạng nhẹ hoặc thiết bị gây nhiễu điện tử, trực thăng cùng hệ thống phòng không để có thể hạ những mục tiêu này.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine khá chậm chạp trong nỗ lực phát triển các drone đánh chặn UAV Nga. "Mọi thứ đều ở cấp độ nghiệp dư", Andrey Pronin, người điều hành một trường học dành cho phi công drone ở Kiev, nói.
Pronin cho biết ông là một phần của nhóm đã phát triển drone có khả năng đánh chặn các loại UAV tự sát của Nga. Dù vũ khí này đã chứng minh được hiệu quả trong chiến đấu, Bộ Quốc phòng Ukraine không cho thấy họ quan tâm phát triển chúng. "Bộ Quốc phòng không có bất kỳ động thái gì đầu tư cho dự án", ông nói.
Nguồn: VNExpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này