Khủng hoảng Ukraine kéo theo nguy cơ mất an ninh lương thực
Kinh tế thế giới, Tin nóng
author06/04/2022 16:22

Xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu khi tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng. Cuộc xung đột có thể khiến vụ Xuân ở Ukraine bị gián đoạn và Nga hạn chế xuất khẩu khiến giá lương thực tăng cao.

Ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho rằng, hiện chưa có quốc gia nào có thể bù đắp được xuất khẩu lúa mỳ của Nga và Ukraine, vốn chiếm 1/3 nguồn cung trên toàn cầu. Điều này khiến việc tìm kiếm nguồn cung lương thực có nguy cơ trở thành vấn đề chính trên thế giới trong một năm tới.


Khủng hoảng Ukraine kéo theo nguy cơ mất an ninh lương thực. Ảnh minh họa: Getty

“Chúng tôi đã từng vì giá nhiên liệu, giá thực phẩm, chi phí vận chuyển tăng cao mà cắt giảm khẩu phần ăn cho hàng triệu trẻ em và gia đình trên khắp thế giới ở các quốc gia như Yemen, Nigeria, Mali và Cộng hòa Chad. Vì vậy, bây giờ chúng ta đang nói về một thảm họa gây ra bởi cuộc xung đột tại Ukraine. Cuộc khủng hoảng không chỉ tàn phá Ukraine mà còn tác động đến toàn cầu, vượt qua bất cứ điều gì mà chúng ta thấy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai”.

Trước các lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt từ Mỹ và Phương Tây, Nga quyết định sẽ theo dõi chặt chẽ việc xuất khẩu lương thực sang các nước không thân thiện. Điều này sẽ góp phần gia tăng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tổng thống Nga Putin cảnh báo, giá năng lượng cao hơn kết hợp với tình trạng thiếu phân bón sẽ thúc đẩy phương Tây in thêm tiền để mua hàng, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực ở các nước nghèo hơn.

“Các nước phương Tây chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực ở các khu vực nghèo nhất trên thế giới, thúc đẩy những làn sóng di cư mới, và nói chung khiến giá lương thực tăng cao hơn nữa. Chúng ta sẽ phải cẩn thận hơn về việc cung cấp lương thực ra nước ngoài, đặc biệt là giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu sang các nước không thân thiện”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Hiện Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây đã và đang có tác động đến giá ngũ cốc thế giới. Trên sàn giao dịch hợp đồng tương lai lớn nhất ở châu Âu Euronext, giá một tấn lúa mỳ xay xát đang dao động quanh mức 275 euro (tương đương 299 USD) và giá ngô kỳ hạn là 260 euro (283 USD) . Tuy các mức giá này chưa chạm đến mức kỷ lục được ghi nhận vào mùa Thu 2021 khoảng 310 euro (338 USD)/tấn đối với lúa mỳ, nhưng không có gì đảm bảo mức tăng giá sẽ dừng lại.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây hầu như không ảnh hưởng đến mặt hàng này, nhưng do các tuyến hàng hải ở Biển Đen bị đóng cửa nên khiến 90% lượng ngũ cốc từ Nga và Ukraine không thể vận chuyển ra thị trường nước ngoài.

Cộng đồng quốc tế lo ngại việc bù đắp hoàn toàn lượng ngũ cốc từ Nga và Ukraine bằng nguồn cung từ những nước khác là một nhiệm vụ không khả thi. Trong mọi trường hợp, chi phí sản xuất sẽ tăng và điều này sẽ gây ra một đợt tăng giá mới, khiến các nước châu Phi, Đông Nam Á và các quốc gia Nam Địa Trung Hải đối mặt với bất ổn xã hội.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil