Ngày 11/7, Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 Hiệp hội Phát triển công nghiệp Văn hóa Việt Nam sẽ chính thức diễn ra, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa – lĩnh vực được xem là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên số.
Điểm đáng chú ý tại Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 Hiệp hội Phát triển công nghiệp Văn hóa Việt Nam là việc ông Phạm Gia Hậu, Chủ tịch Hội Văn Hoá Nghệ Thuật Việt Nam tại Cộng Hoà Séc, Trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, được Đại hội bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp Hội Phát triển Công nghiệp Văn hoá Việt Nam.
Ông Phạm Gia Hậu, hiện đang sinh sống và làm việc tại CH Séc 26 năm, ông hoạt động trọng lĩnh vặc văn hoá cộng đồng gần 20 năm và từ năm 2015 ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại CH Séc trong 3 nhiệm kì liên tiếp. Năm 2022 ông được bầu làm Trưởng ban Văn hoá văn nghệ Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu. Ông Phạm Gia Hậu cũng được biết đến khi là tổ chức các chương trình quảng bá văn hóa nghệ thuật, văn hóa dân gian truyền thống của Việt Nam tại Séc. Đồng thời ông cũng là người sáng lập cuộc thi Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu được tổ chức 2 năm 1 lần.
Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hoá Việt Nam là hiệp hội được Bộ Nội vụ cho phép thành lập, hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.
Ông Vương Duy Biên, Nghệ sĩ Nhân dân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, được Đại hội thành lập bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2025-2030 cùng 11 Phó chủ tịch.
Sự ra đời của Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá, kết nối các nguồn lực xã hội hóa để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hội sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu của các nhà quản lý, chuyên gia, nghệ sĩ, doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị xây dựng chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ quyền lợi hội viên và tổ chức các sự kiện văn hóa chất lượng cao.

Theo TS Phạm Thành Trí, Phó Trưởng Ban vận động, Hiệp hội sẽ tập trung phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, thời trang, phần mềm và trò chơi giải trí, quảng cáo, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, xuất bản… với mục tiêu biến văn hóa thành trụ cột tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ mới. Các hoạt động nổi bật sẽ bao gồm tổ chức các chương trình biểu diễn, giao lưu nghệ thuật quốc tế, xây dựng mô hình nghệ thuật truyền thống, phát triển sàn giao dịch mỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi số trong xuất bản, và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý di sản, phát triển du lịch.
Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp văn hóa về mã số ngành, ưu đãi thuế, đất đai, cũng như thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, hiện đại và hội nhập.


Việc thành lập Hiệp hội phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam không chỉ là điểm tựa cho cộng đồng sáng tạo mà còn là lời hiệu triệu các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nghệ sĩ và toàn xã hội cùng chung tay kiến tạo một hệ sinh thái văn hóa bền vững. Đây là thời điểm để nhìn nhận công nghiệp văn hóa như một trụ cột phát triển đất nước trong kỷ nguyên số – nơi sáng tạo trở thành sức mạnh, văn hóa trở thành tài sản chiến lược, và mỗi sản phẩm văn hóa mang trong mình sứ mệnh kết nối Việt Nam với thế giới.
Đại hội khóa I của Hiệp hội hứa hẹn sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới, góp phần đưa công nghiệp văn hóa Việt Nam vươn lên tầm cao mới, khẳng định vị thế trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.
Ngày 30/5/2025, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 541/QĐ – BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Sự ra đời của Hiệp hội được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra bước đột phá về phát triển nền công nghiệp văn hoá nước nhà, góp phần đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số và toàn cầu hóa.
(BBT TamdaMedia)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này