Vào chiều thứ Sáu, 4.7, một sự cố mất điện lớn đã làm tê liệt cả Cộng hòa Séc. Tại nhiều vùng, tàu điện, tàu hỏa và metro đã dừng hoạt động; nhiều nhà máy, cửa hàng, cơ sở kinh doanh, trạm xăng, đèn giao thông và các dịch vụ phụ thuộc vào điện khác không thể hoạt động. Lực lượng cứu hỏa đã phải giải cứu người dân mắc kẹt trong thang máy; một số bệnh viện phải vận hành bằng nguồn dự phòng.

Vậy chính xác điều gì đã xảy ra? Và nguyên nhân nào gây ra sự cố mất điện nghiêm trọng này?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Nguyên nhân cơ học chính dẫn đến sự cố mất điện diện rộng tại Séc vào ngày thứ Sáu là do một dây dẫn pha (fázový vodič) bị đứt – loại dây dẫn truyền tải điện giữa các nhà máy điện và trạm phân phối. Sự cố này đã dẫn đến việc ngừng hoạt động của hệ thống đường dây truyền tải điện cao thế xương sống, một tổ máy của nhà máy điện Ledvice ở khu vực Teplice, cũng như trạm phân phối điện lớn Krasíkov tại vùng Orlickoústecko. Thông tin được công bố bởi nhà điều hành hệ thống truyền tải điện quốc gia – công ty ČEPS. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể gây hư hỏng dây dẫn hiện vẫn chưa rõ.
Dây dẫn pha là một trong những bộ phận quan trọng nhất của hệ thống điện. Theo các chuyên gia năng lượng, nếu xảy ra sự cố, dây dẫn này có thể khiến nhiều trạm điện bị ngắt khỏi lưới và làm mất ổn định toàn bộ hệ thống. Điều này đã được xác nhận trong sự cố hôm thứ Sáu. Sau khi dây dẫn bị đứt, đường dây truyền tải cao thế V411 thuộc hệ thống truyền tải điện quốc gia cũng bị ngừng hoạt động. Đây là tuyến có vai trò quan trọng trong việc truyền tải công suất lớn từ các nhà máy điện đi xa. Theo trang Novinky.cz, công ty ČEPS đã có kế hoạch hiện đại hóa tuyến đường dây này từ năm 2016, và công trình dự kiến bắt đầu trong năm tới.
Hệ quả khác của sự cố là tổ máy số 6 của nhà máy điện Ledvice bị ngừng hoạt động. Đường dây V208, nối các trạm phân phối điện, cũng bị quá tải. Sự cố ảnh hưởng đến cả trạm điện lớn Krasíkov ở Orlickoústecko. “Sau đó, một phần hệ thống truyền tải đã bị tách ra, và không thể tiếp tục vận hành,” đại diện ČEPS cho biết.

2. Mất điện xảy ra ở đâu?
Sự cố mất điện (blackout) đã ảnh hưởng đến phần lớn thủ đô Praha, các tỉnh Středočeský, Ústecký, Liberecký, Olomoucký và khu vực miền Đông Séc. Đến chiều cùng ngày, tình hình bắt đầu ổn định trở lại. Trước 15:00, công ty điều hành hệ thống truyền tải điện ČEPS thông báo rằng tất cả các trạm phân phối điện cao thế trong cả nước đã được đưa trở lại hoạt động.
Tổng cộng có 8 trên 44 trạm phân phối cao thế của hệ thống truyền tải điện quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự cố. “Tất cả các trạm đã được tái cấp điện năng. Hiện quá trình khôi phục cấp điện ở cấp độ mạng lưới phân phối đang diễn ra,” ČEPS cho biết vào khoảng 14:50. Khoảng nửa giờ trước đó, họ cũng đã thông báo việc tái kích hoạt toàn bộ trạm điện tại Praha.
Tại thủ đô Praha, mất điện xảy ra ở khu vực phía bờ phải sông Vltava. Trong hệ thống giao thông công cộng, sự cố làm ngưng hoạt động các tuyến xe điện 2 đến 26, tuyến trolleybus số 58 và các tuyến metro A, B và C. Các tuyến xe điện bên bờ trái sông Vltava vẫn hoạt động bình thường, và metro đã được khôi phục khoảng nửa giờ sau, vào khoảng 15:00 toàn bộ tuyến xe điện cũng chạy lại bình thường.
Tại tỉnh Liberecký, mất điện gần như xảy ra trên toàn khu vực. Lực lượng cứu hỏa đã phải thực hiện gần 50 lượt xuất quân; các tuyến tram tại thành phố Liberec không hoạt động. Công ty cấp nước Frýdlantská khuyến cáo người dân tiết kiệm nước. Kết nối internet cũng gặp sự cố.
Lính cứu hỏa tỉnh Středočeský đã phải can thiệp tại nhiều địa điểm như Mladá Boleslav, Kutná Hora, Poděbrady và Kolín. Các vấn đề giao thông xảy ra, người dân bị mắc kẹt trong thang máy.
Tại tỉnh Královéhradecký, mất điện kéo dài khoảng 30 phút. Cứu hỏa cũng được điều động đến hỗ trợ người bị kẹt trong thang máy; một số cửa hàng phải đóng cửa và các bệnh viện chuyển sang dùng nguồn điện dự phòng. Bệnh viện Đại học Hradec Králové phải hoãn một số ca phẫu thuật. Tuy nhiên, sự cố không ảnh hưởng đồng loạt, một số nơi không bị mất điện.
Tại tỉnh Olomoucký, sự cố mất điện nghiêm trọng nhất xảy ra ở vùng Šumperk và Jeseník. Hàng chục nghìn người, bao gồm cả các cơ quan và bệnh viện Šumperk, đã không có điện trong khoảng nửa giờ. Cũng bị mất điện là thị trấn Litovel và các làng lân cận. Điện được khôi phục trở lại từ khoảng 13:00.

3. Vấn đề trong giao thông, bệnh viện chuyển sang nguồn dự phòng
Bộ trưởng Y tế Vlastimil Válek (TOP 09) cho biết trên mạng xã hội X rằng việc chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện không bị đe dọa, vì các máy phát điện dự phòng đã được khởi động kịp thời. “Trong số các bệnh viện do Bộ Y tế trực tiếp quản lý, có ba bệnh viện bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện – IKEM, Bulovka và Bệnh viện Đại học Královské Vinohrady. Hiện tại, điện đã được khôi phục hoàn toàn tại tất cả các cơ sở này,” người phát ngôn Bộ Y tế Ondřej Jakob cho biết với Blesk, đồng thời nói rõ rằng trong suốt thời gian bị cắt điện, các nguồn điện dự phòng tại bệnh viện đã được kích hoạt.
Lực lượng cứu hỏa đã phải triển khai đến những nơi có người bị kẹt trong thang máy, đồng thời tiếp nhận một lượng lớn thông báo về khói phát ra từ các tòa nhà do các máy phát điện diesel hoạt động. “Trong suốt thời gian mất điện, chúng tôi đã xử lý hơn 300 trường hợp như giải cứu người, hỗ trợ kỹ thuật và nhiều loại can thiệp khác,” lực lượng cứu hỏa thông báo vào lúc 15:30. Theo họ, nguyên nhân chính của số lượng ca can thiệp lớn là do hệ thống cảnh báo cháy hoạt động khi mất điện. “Khi xảy ra cúp điện – một trong những tín hiệu nghi ngờ sự cố cháy – hệ thống báo cháy sẽ kích hoạt và tín hiệu cần được kiểm tra để xác minh đó có phải là báo động giả hay không,” lực lượng cứu hỏa cho biết thêm.
Các vấn đề cũng xảy ra trên tuyến đường sắt – vào buổi chiều vẫn không có tàu chạy ở các đoạn Vraňany – Ústí nad Labem – Děčín và Ústí nad Labem – Most. Lực lượng cứu hỏa đã phải sơ tán hành khách khỏi một số đoàn tàu mắc kẹt. Tại Praha, mạng lưới metro bị gián đoạn trên cả ba tuyến trong nhiều chục phút; các tuyến tram trên bờ phải của thành phố cũng không hoạt động. Kết nối đường sắt giữa Praha và các thành phố như Kolín hay Benešov cũng bị gián đoạn. Không chỉ tại trung tâm Praha, một số cửa hàng và nhà hàng đã phải đóng cửa hoặc chuyển sang chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt.
Do mất điện, các nhà máy hóa chất của công ty Orlen Unipetrol tại Litvínov (Mostecko) và Spolchemie tại Ústí nad Labem đã phải đình chỉ hoạt động. Trên bầu trời nhà máy tại Litvínov xuất hiện khói đen dày do quá trình dừng hoạt động sản xuất có kiểm soát. Trong quá trình gọi là “flérování”, nhà máy buộc phải đốt cháy an toàn các khí công nghiệp qua các đầu đốt. Theo người phát ngôn Kaidl, tác động của sự cố mất điện đối với ngành hóa dầu và lọc dầu là rất lớn.


4. Gavor: Những sự cố mất điện như thế này là điều chưa từng thấy
“Nguyên nhân chắc chắn sẽ còn tiếp tục được điều tra. Bởi vì rõ ràng, việc dây cao thế bị rơi là một sự cố bất thường, và chắc chắn sẽ là trách nhiệm của công ty ČEPS trong việc làm rõ vì sao điều đó lại xảy ra. Không hề có bão lốc hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt nào, mà người ta thường viện dẫn như nguyên nhân dễ hiểu nhất,” ông Jiří Gavor – Giám đốc Hiệp hội các nhà cung cấp năng lượng độc lập – giải thích với báo Blesk.
“Dù là trường hợp nào thì cũng không loại trừ khả năng có yếu tố con người, chẳng hạn như sự bất cẩn. Tuy nhiên, đó là câu hỏi dành cho các nhà phân tích kỹ thuật thuộc đơn vị vận hành hệ thống – chắc chắn họ có đội ngũ đó. Tôi cho rằng ngay từ đầu đã cử đội kỹ thuật đến hiện trường và hiện đang tiến hành điều tra nguyên nhân. Điều tôi muốn nhấn mạnh là, gần đây ta từng chứng kiến một sự cố thậm chí nghiêm trọng hơn – tôi đang nói đến vụ mất điện tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ở đó, việc tìm ra nguyên nhân kéo dài hơn một tháng, và đến tận hôm nay vẫn còn cuộc tranh luận xem ai phải chịu trách nhiệm. Khi nguyên nhân là những thứ rõ ràng như bão hay lũ lụt thì người ta mới dễ đưa ra kết luận nhanh chóng,” ông Gavor nói thêm.
“Cộng hòa Séc thực sự chưa từng trải qua điều gì tương tự. Lần gần nhất, nếu tôi nhớ không nhầm, là năm 2007 khi có một sự cố mất điện lớn tại nước Đức láng giềng, ảnh hưởng tới hơn 10 triệu người, lan sang cả các quốc gia lân cận và cũng ảnh hưởng nhẹ đến vùng phía bắc của Séc. Và điều mà chỉ những người lớn tuổi còn nhớ, đó không phải mất điện hoàn toàn mà là việc cắt giảm cung cấp điện, xảy ra vào khoảng đêm giao thừa năm 1978–1979, khi nhiệt độ giảm sâu đến -30°C. Để tránh sự cố mất điện toàn diện, nhà chức trách khi đó đã buộc phải triển khai các biện pháp điều tiết điện quy mô lớn. Nhưng một sự cố mất điện (blackout) thực sự và có quy mô như hôm nay thì Séc chưa từng trải qua,” ông Gavor nói với Blesk.

5. Phân tích có thể kéo dài hàng tháng
Theo Jiří Drápela từ Viện Năng lượng Điện thuộc Khoa Điện và Công nghệ Thông tin, Đại học Kỹ thuật Brno (FEKT VUT), hệ thống truyền tải điện lẽ ra phải có khả năng xử lý được sự cố của một phần tử đơn lẻ. Tuy nhiên, có thể đã có nhiều nguyên nhân phối hợp dẫn đến sự cố mất điện, và việc phân tích đầy đủ những nguyên nhân này có thể mất vài tháng. Ông chia sẻ với hãng tin ČTK:
“Hệ thống truyền tải điện được thiết kế để có thể cân bằng khi mất một thành phần. Nguyên nhân của sự cố mất điện hôm nay có thể rất đa dạng, nhưng công ty ČEPS chắc chắn sẽ tiến hành phân tích chi tiết để xác định nguyên nhân. Việc này có thể kéo dài đến vài tháng,” ông Drápela cho biết.
Ông bổ sung thêm rằng hệ thống điện là một cơ thể sống, cần được giám sát liên tục 24/7. Dù được theo dõi một cách nghiêm ngặt, lỗi và sự cố vẫn có thể xảy ra. “Trong quá khứ, ở khu vực Praha đã từng xảy ra hai vụ cháy máy biến áp nguồn. Mặc dù các thiết bị này được các kỹ thuật viên theo dõi chặt chẽ và tình trạng của chúng được giám sát theo thời gian thực, nhưng cháy vẫn xảy ra,” ông nói thêm.
Theo ông, mặc dù có thể sẽ có dữ liệu chi tiết về nguyên nhân sự cố ngày hôm nay, nhưng vì lý do an ninh, các thông tin này sẽ không được công bố toàn bộ. “Những phát hiện liên quan đến các điểm yếu của hệ thống là dữ liệu vô cùng nhạy cảm, rất dễ bị lợi dụng cho các cuộc tấn công,” ông Drápela cảnh báo.


6. Vấn đề phổ biến nhất là quá tải
Theo Karel Noháč từ Khoa Năng lượng của Khoa Điện – Đại học Tây Bohemia tại Plzeň, việc chuẩn bị cho những sự cố mất điện như thế này là rất khó khăn. Vậy có thể làm gì? “Cần làm cho hệ thống càng vững chắc càng tốt, nghĩa là có các phương án dự phòng thay thế cho việc cung cấp, sản xuất, nhưng đặc biệt là truyền tải và phân phối điện năng. Và cuối cùng, trong trường hợp xấu nhất, phải có khả năng nhanh chóng khôi phục hệ thống hoạt động trở lại,” ông Noháč nói trên sóng Truyền hình Séc.
Theo ông, các sự cố trong hệ thống truyền tải điện thường bắt nguồn từ tình trạng quá tải. Việc đứt gãy vật lý hệ thống chỉ xảy ra trong những tình huống đặc biệt. Liệu nhiệt độ có góp phần vào sự cố? “Chỉ khi nhiệt độ thật sự rất cao, hoặc dù nhiệt độ không quá cao nhưng độ võng của các dây dẫn đã lớn đến mức có khả năng tiếp xúc với các vật thể – dù hành lang an toàn đã được thiết kế kỹ lưỡng – thì vẫn có thể xảy ra va chạm,” ông nói và lưu ý rằng điều này không phổ biến ở châu Âu như tại các quốc gia rộng lớn như Canada hay Hoa Kỳ.
Vậy nguyên nhân cụ thể của sự cố lần này là gì? “Có vẻ như sự cố xảy ra trên một đường dây cụ thể, thậm chí chỉ là ở một pha duy nhất của đường dây đó,” chuyên gia cho biết. Tại sao pha này lại gặp sự cố? “Có thể do độ võng dây lớn dẫn tới tiếp xúc với mặt đất. Cũng có thể – dù ít khả năng hơn – là do cây đổ vào dây. Một khả năng nữa là bị sét đánh gây hiện tượng phóng điện nguy hiểm, dù tôi không cho rằng đây là nguyên nhân chính trong trường hợp này,” ông Noháč giải thích.
Ông cũng khẳng định rằng: sự cố mất điện diện rộng như lần này là điều mà Cộng hòa Séc chưa từng ghi nhận trong lịch sử hiện đại.


7. Liệu nắng nóng có đóng vai trò?
“Có thể sự cố có liên quan đến thời tiết nóng nực, bởi theo những thông tin ban đầu mà chúng tôi có được, thì trên đường dây 411 – vốn là một phần của hành lang tải điện có cường độ cao từ Đức vào hệ thống truyền tải điện của Séc – đã xảy ra sự cố rơi dây dẫn pha. Dĩ nhiên, nguyên nhân dây bị rơi có thể do nhiều yếu tố khác nhau, và nhiệt độ cao có thể là một trong số đó,” ông Zdeněk Müller, Trưởng Khoa Năng lượng Điện tại Khoa Kỹ thuật Điện – Đại học Kỹ thuật Praha (ČVUT), nói trên truyền hình Séc.
“Tuy nhiên, nguyên nhân của sự cố lớn như vậy thường không chỉ có một. Có thể nói đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một trong số đó chắc chắn là việc mất đường dây 411. Và các yếu tố khác là gì thì tôi cho rằng phải chờ kết quả điều tra, tương tự như cách đang diễn ra ở Tây Ban Nha,” ông nói thêm.
Vậy cụ thể người ta xử lý một sự cố mất điện diện rộng như thế nào? “Tất nhiên hiện có các công cụ điều khiển từ xa. Khi dây dẫn bị rơi, tức là xảy ra ngắn mạch – đường dây bị ngắt ngay lập tức. Các điều phối viên của hệ thống sẽ nhận được tín hiệu trong vòng chưa đến một giây, thông tin được truyền đi rất nhanh. Tuy nhiên, chúng ta không rõ chính xác điều gì xảy ra sau đó. Có thể chuỗi sự kiện diễn ra quá nhanh, khiến họ không kịp phản ứng,” ông Müller giải thích.
Theo ông Müller, có thể giả định rằng đã xảy ra hiện tượng chuỗi phản ứng dây chuyền (cascading failure), tức điểm khởi phát sự cố lan ra các khu vực khác. “Chắc chắn đã có hiện tượng như vậy, chỉ riêng thực tế là chúng ta cảm nhận được mất điện ở Praha – trong khi đường dây mà ČEPS báo cáo sự cố thực tế lại không dẫn đến Praha – đã chứng minh điều này,” ông nói.
(Theo Blesk)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này