Từ năm 1989 đến năm 2024, mức lương trung bình tại Séc đã tăng nhanh hơn đáng kể so với giá cả, dẫn đến sức mua trong nền kinh tế Séc đã tăng cao hơn gấp nhiều lần. Từ năm 1989 đến quý 2 năm nay, mức lương trung bình đã tăng 1346%.
Theo phân tích của công ty XTB dựa trên dữ liệu của Văn phòng Thống kê Séc, đối với tất cả các mặt hàng chính, từ thực phẩm, thuốc lá đến xăng dầu (ngoại trừ bánh mì tiêu dùng), số lượng sản phẩm và lít nhiên liệu mà người dân có thể mua được bằng mức lương trung bình đều tăng. Mức lương trung bình vào năm 1989 là 3.170 korun, trong khi đó mức lương trung bình trong quý 1 năm nay là 45.854 korun, tức là cao hơn gấp 14 lần.
Chẳng hạn như vào năm 1989, mức lương trung bình ở Séc chỉ đủ để mua khoảng 79 kg bơ, thì vào năm 2024, với mức lương trung bình, người dân có thể mua đến 203 kg bơ, tăng 156%. Mặc dù giá bơ đã tăng trong những tuần gần đây, nhưng người dân vẫn có thể mua được nhiều bơ hơn so với năm 1989 trước Cách mạng Nhung.
So với năm 1989, với mức lương trung bình trong năm nay, người Séc có thể mua được nhiều hơn 460% thịt nguội hay nhiều hơn 183% đối với bia chai. Người dân cũng có thể mua được nhiều hơn 226% đối với xăng và 219% đối với dầu diesel với mức lương trung bình năm nay. Ngoài ra, họ cũng có thể mua được táo nhiều hơn 205%, đối với đường là 417% và 440% đối với trứng, mặc dù giá cả hiện tại đang tăng.
Theo nhà phân tích Vít Hradil từ Cyrrus, giá cả trước năm 1989 không phản ánh sự khan hiếm thực sự của hàng hóa và dịch vụ, mà là kết quả của các quyết định hành chính sai lầm. Do đó, việc so sánh giá cả cụ thể giữa thời kỳ trước khi chế độ cộng sản kết thúc và hiện nay có giá trị thông tin hạn chế. Tuy nhiên, ông cho rằng rõ ràng trong 35 năm qua, dân số Séc đã trở nên giàu có hơn đáng kể, ở tất cả các nhóm thu nhập.
Nguồn: ČTK
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này