Mỹ bác khả năng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine
Tin thế giới, Tin tức
author21/03/2022 10:09

Đại sứ Mỹ tại LHQ loại trừ khả năng Washington tham gia bất cứ sứ mệnh gìn giữ hòa bình nào ở Ukraine, sau khi Ba Lan nêu phương án này.

“Tổng thống đã nói rất rõ rằng sẽ không đưa binh sĩ đến Ukraine. Chúng tôi không muốn tình hình leo thang thành cuộc chiến với Mỹ”, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield trả lời trong cuộc phỏng vấn ngày 20/3, khi được hỏi liệu Washington có ủng hộ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO đến Ukraine hay không.

Bình luận được bà Thomas-Greenfield đưa ra sau khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 24/3 ở Brussels, Bỉ, nước này sẽ đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine. Giới chức Ba Lan cho rằng sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình với sự cho phép của Ukraine sẽ không phải cái cớ cho các “hành động thù địch”.

Hội nghị thượng đỉnh NATO được Tổng thư ký Jens Stoltenberg triệu tập nhằm thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như năng lực phòng thủ và răn đe của liên minh quân sự. Tổng thống Joe Biden sẽ tới châu Âu cuối tuần này để dự sự kiện.

Sau hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Biden sẽ tới Warsaw ngày 25/3 và gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. “Tổng thống sẽ thảo luận cách Mỹ và các đồng minh, đối tác ứng phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an tháng trước. Ảnh: Reuters.

Một số thành viên NATO đã từ chối ủng hộ lời kêu gọi đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine do Ba Lan đưa ra. “Tôi e rằng còn quá sớm để chúng ta nói về điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói.

Khi được hỏi Tổng thống Biden chỉ không đồng ý triển khai lính Mỹ, hay còn phản đối sứ mệnh gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine ngay cả khi không có quân đội Mỹ tham gia, bà Thomas-Greenfield trả lời rằng các nước NATO khác có thể quyết định liệu họ có muốn đưa quân đến Ukraine hay không. “Đó sẽ là quyết định do họ đưa ra”, bà nói.

NATO nhiều lần từ chối cử lực lượng tới tham chiến tại Ukraine và khước từ lập vùng cấm bay theo đề xuất của Kiev, do lo ngại nguy cơ nổ ra xung đột trực tiếp với Nga. Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, song cũng nhiều lần bác khả năng triển khai lực lượng tới quốc gia Đông Âu này.

Sau hơn ba tuần mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã kiểm soát khu vực Kherson ở miền nam, trong khi tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch bao vây nhiều thành phố lớn khác, trong đó có Kiev và Kharkov. Bộ Quốc phòng Anh đánh giá lực lượng Nga “đạt được tiến bộ hạn chế” trong việc giành quyền kiểm soát các thành phố Ukraine họ đang bao vây.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil