Một số nhà phân tích nhận định việc Washington tiết lộ rằng có khoảng 500 quân nhân Mỹ đang đồn trú ở Đài Loan báo hiệu hỗ trợ phòng thủ đáng kể hơn cho hòn đảo này, theo tờ South China Morning Post.
Số quân nhân Mỹ nói trên do chuẩn đô đốc hải quân Mỹ nghỉ hưu Mark Montgomery tiết lộ trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 15.5, và là sự thừa nhận chính thức đầu tiên về sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ ở Đài Loan, theo tờ South China Morning Post ngày 26.5.

Ông Montgomery nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng sự hiện diện của quân nhân Mỹ là điều cần thiết để đào tạo Đài Loan trở thành một "lực lượng chống can thiệp" đáng tin cậy, có khả năng chiến đấu thực sự hoặc làm phức tạp các lựa chọn quân sự của Trung Quốc.
"Nếu chúng ta cung cấp cho họ hàng tỉ USD viện trợ, bán cho họ hàng chục tỉ USD thiết bị của Mỹ, thì việc chúng ta ở đó để đào tạo và làm việc là điều hợp lý", ông Montgomery nhấn mạnh.
Vài ngày sau phiên điều trần nói trên, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) đã có động thái hiếm hoi là phát sóng bình luận về phát biểu của ông Montgomery liên quan sự hiện diện của quân nhân Mỹ ở Đài Loan.
Chương trình phát sóng của CCTV không nêu rõ kế hoạch cụ thể về phản ứng của quân đội Trung Quốc, nhưng có cảnh người dân ở Đài Loan chỉ trích hành động của Mỹ là "đẩy Đài Loan đến nguy cơ chiến tranh", theo South China Morning Post.
Số quân nhân Mỹ đồn trú ở Đài Loan do ông Montgomery đưa ra vượt xa con số 41 nhân sự được xác nhận trong báo cáo của Quốc hội Mỹ cách đây khoảng một năm.
Chuyên gia Su Tzu-yun (Tô Tử Vân) tại Đài Loan cho rằng ông Montgomery có thể đã ám chỉ "đào tạo nhân sự chứ không phải binh sĩ tác chiến".
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng việc ông Montgomery hé lộ số quân nhân Mỹ đang đồn trú ở Đài Loan cho thấy một sự thay đổi so với mối quan hệ đối tác kín đáo trước đây, qua đó công khai thách thức lằn ranh đỏ của Bắc Kinh, theo South China Morning Post.
"Dù sự hiện diện của 500 quân nhân vẫn còn hạn chế về quy mô, nhưng con số đó đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan, từ sự tham gia mang tính tượng trưng sang hợp tác thực chất, thiết thực hơn", học giả Đài Loan Chen Wen-chia (Trần Văn Giáp) bình luận.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ gia tăng số quân nhân ở Đài Loan đặt Bắc Kinh vào một vị thế bị thách thức. Trong đó, bà Oriana Mastro, một nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng so với việc bán vũ khí, việc quân nhân Mỹ đồn trú thực sự trên đất Đài Loan mang theo tín hiệu cam kết mạnh mẽ hơn từ Washtington. Bà Mastro nhận định không có kịch bản nào mà Đài Loan có thể tự vệ mà không có sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ và sự tham gia quân sự trên thực địa là cần thiết.
Cũng tại cuộc điều trần hôm 15.5, ông Montgomery kêu gọi tăng gấp đôi quân số hiện diện tại Đài Loan lên 1.000 người, nhấn mạnh rằng khả năng răn đe và phòng thủ hiệu quả phụ thuộc vào sự phối hợp quân sự chặt chẽ và liên tục.
Tuy nhiên, chiến lược này có nguy cơ gây ra hậu quả không mong muốn và có thể phản tác dụng, theo South China Morning Post dẫn lời ông William Matthews, nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức tư vấn Chatham House của Anh. Ông Matthews cảnh báo rằng việc Mỹ tăng số lượng quân nhân ở Đài Loan có thể khiến Bắc Kinh "nhận thấy họ chỉ có một khoảng thời gian hạn chế để có thể hành động".
Ông Matthews còn cho rằng "Bắc Kinh ngày càng tin rằng có thể cần phải can thiệp bằng vũ lực", đặc biệt là nếu Washington thực hiện "các hành động phủ đầu khiến việc thống nhất trong tương lai trở nên khó khăn, về mặt quân sự hoặc chính trị", theo South China Morning Post.
Nguồn: Thanh Niên
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này