“Những đứa trẻ chuối” phần 1: Rapper René Dang
CỘNG ĐỒNG, Người Việt tại Séc
author08/07/2021 13:36

Tiếp tục với đề tài “Những đứa trẻ chuối”, TamdaMedia xin lược dịch serie bài viết về những người Séc trẻ gốc Việt của nhật báo Aktuálně. Nhân vật đầu tiên trong bài viết này là Rapper René Dang – con lai có mẹ là người Séc và bố là người Việt Nam. René Dang, với bản rap “Con lai” bằng tiếng Séc đã đạt được gần 2 triệu 300 nghìn view trên Youtube và nhận được rất nhiều lời khen từ khán giả. Trong lời bài hát có câu: “Děti se smály že jsem Vietnamec, Vietnamec zas nepozná to že vlastně nejsem čech.” (Bọn trẻ con thường cười vì tôi là người Việt, nhưng người Việt lại không thể nhận ra rằng thực ra tôi cũng không hề thuần Séc). Hãy cùng lắng nghe những tâm sự của René qua bài viết này.

Ảnh: Aktuálně.cz

Aktuálně: Khi còn nhỏ, họ được “bà Séc” nuôi nấng thay vì cha mẹ, đi học bị réo tên là bọn “Nguyễn”, cấp ba còn không được ngủ lại nhà bạn bè chứ đừng nói đến hẹn hò với người Séc. Lần đầu tiên gặp người nhà ở Việt Nam, họ cảm thấy vui mừng nhưng bối rối và xa lạ. Tại sao thế hệ thứ hai của người Việt Nam sinh ra ở Séc lại gọi mình là “những đứa trẻ chuối” và coi Séc là quê hương của họ?

Rapper René Đặng, youtuber Thu Hà (Bé Hà Stylewithme), đạo diễn Diana, chủ quán ăn Tomi và May, bác sĩ tâm lý Thái, kỹ sư Đức và doanh nhân Sebastian trong một dự án đặc biệt của nhật báo trực tuyến Aktuálně.cz tiết lộ cách họ lớn lên ở Cộng hòa Séc, họ có mối quan hệ như thế nào với cha mẹ và những người thân Việt Nam, cách họ nghĩ về tình yêu, công việc và tương lai, và họ đã khó khăn như thế nào khi vượt ra khỏi kỳ vọng của gia đình để hòa nhập vào xã hội Séc.

“Những đứa trẻ chuối”

Nhìn bề ngoài, họ giống người Châu Á, nhưng tính cách, thói quen và cách cư xử lại là người Châu Âu. Mặc dù Séc là nơi chôn rau cắt rốn của họ, nhưng đối với người Séc, họ vẫn là những người nước ngoài. Ján Ičo, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam kiêm thông dịch viên, giải thích: “Tôi chưa từng gặp một người Việt Nam nào coi thuật ngữ “trẻ chuối” là đáng khinh bỉ hay thậm chí là phân biệt chủng tộc. Những người Séc gốc Việt trẻ tuổi đối mặt khá ổn và về cơ bản thể hiện một cách khéo léo sự thật rằng bên ngoài họ trông giống như người Châu Á, nhưng họ suy nghĩ và hành xử như người Châu Âu.” Ičo cho biết thêm, chuối là một loại cây trồng đặc trưng của Việt Nam. Ông còn nói rằng ở những người Việt Nam lớn tuổi hơn, theo truyền thống hơn hoặc không được đồng hóa nhiều thì phản ứng bằng nụ cười hơi ngượng ngùng có thể chứng minh rằng cách gọi như vậy không phù hợp với họ.

René: “Tôi thiếu vắng hình bóng của người cha trong cuộc đời. Đến tận bây giờ nó vẫn là một lỗ hổng khiến tôi đau đớn”

“Děti se smály že jsem Vietnamec, Vietnamec zas nepozná to že vlastně nejsem čech.” (Bọn trẻ con thường cười vì tôi là người Việt, nhưng người Việt lại không thể nhận ra rằng thực ra tôi cũng không hề thuần Séc), Rapper 25 tuổi René Dang đã kể về nguồn gốc của mình trong tác phẩm Con Lai của mình. Anh là người Rychnov nad Kněžnou, sống với mẹ người Séc từ khi sinh ra đến bây giờ, cha mẹ anh ly hôn khi René mới 6 tuổi. Anh chỉ gặp bố thêm một vài lần trước khi ông mất năm René 13 tuổi.

“Cha tôi không quan tâm đến việc gặp lại chúng tôi, tôi hoàn toàn thoát ly khỏi cộng đồng người Việt,” anh nhớ lại. René bắt đầu nhận thức đầy đủ về nguồn gốc của mình vào năm 18 tuổi, khi anh về thăm gia đình ở Việt Nam. “Cho đến lúc đó, tôi đã bỏ qua một nửa dòng máu của mình. Tôi biết về nơi đó, nhưng tôi không biết phải đối mặt với nó như thế nào và làm thế nào để tự hào về nó”, René nói trong một cuộc phỏng vấn bên dưới bài báo.

Gia đình Việt Nam cuối cùng đã chào đón anh với vòng tay rộng mở. “Đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Cả gia đình Việt Nam lúc đó đã đợi sẵn ở sân bay, ông nội tôi chống gậy đứng đó. Đó là một khoảnh khắc mạnh mẽ. Lần cuối cùng ông ấy nhìn thấy con trai mình, bố tôi, cũng bằng tuổi tôi lần đầu tiên bay về Việt Nam. Đối với ông nội, đó là sự trở về của đứa con trai đã mất… và tôi đã tìm thấy những gì tôi đã bỏ lỡ ở đây.”

Nội dung Video:

Nguồn: Aktuálně.cz

Phóng viên: Chúng ta đang ở nơi mà René từng học phổ thông, nơi hình thành nên con người của anh bây giờ. Tôi rất muốn biết anh đã từng là một học sinh như thế nào?

René: Thực ra cái lúc mà tôi bắt đầu nghĩ rằng mình thực học cho ra học là phải tới tận khi tốt nghiệp cấp 3. Còn trước đó thì thường chỉ học vài chữ từ môn tiếng Anh hoặc khi phải làm bài tập về nhà. Nhưng không có nghĩa là tôi chống đối lại giáo viên hay từng là học sinh tệ nhất ngồi cuối lớp. Tôi hi vọng tôi không từng như thế. (cười)

(Clip được cung cấp bởi René: hình ảnh khi anh còn là học sinh trong lớp học)

Phóng viên: Liên quan đến việc bị bắt nạt trong lời bài hát, các fan của anh sẽ hiểu là anh đã từng phải trải qua một tuổi thơ như thế nào. Vậy điều đó là có thật ở đây sao?

René: Bắt nạt là một đề tài rất rộng và tôi không muốn đóng vai một kẻ đáng thương hay gì đó tương tự. Có lẽ tôi đã sống từ cả hai phía vì khi còn nhỏ trông tôi giống người Châu Á hơn. Tôi còn nhớ khi chúng tôi xô nhau ở bể bơi như bọn trẻ con vẫn làm, tôi đã đẩy một bạn gái và cô ấy gào lên với tôi rằng: “Mày làm cái gì thế hả thằng Tàu kia?” hoặc những câu tương tự. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ vì điều đó đơn giản là rất đau. Kể ra thì một trong những người bạn tốt nhất của tôi mà đến bây giờ chúng tôi vẫn chơi thân với nhau, chúng tôi cùng đi đá bóng, cùng đi học, nhưng người bạn đó từng hét lên ở sân chơi rằng: “Thằng ťaman đó sẽ không được chơi với chúng ta”. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ nhưng nó thì tất nhiên là không rồi. Đó là một câu chuyện vui thôi nhưng nó có thể định nghĩa tình huống mà tôi phải đối mặt một cách chính xác.

(Ghi chú của người dịch: ťaman – một từ lóng được người Séc dùng cho người Việt Nam hoặc người Trung Quốc với ý châm chọc, miệt thị)

Lời bài hát: Žij a nech žít (Hãy sống và để cho người khác sống)

“Thế giới đôi khi rất tàn nhẫn, nhưng tôi vẫn yêu nơi này”

René: Bọn trẻ con, như tôi đã nói, thì đôi khi chúng chỉ muốn tỏ ra ngầu trước người khác thôi.

Phóng viên: Tầm nhìn này là điều mà khi còn nhỏ chúng ta không thể có được. Anh đã làm thế nào để cân bằng những điều đó? Anh có người nào để tin tưởng hoặc cho anh lời khuyên không?

René: Mỗi lần tôi về nhà trong tâm trạng bị các bạn cười cợt rằng tôi là con lai Việt Nam, mẹ tôi thường nói với tôi rằng: “Không sao hết, con là một cậu bé xinh đẹp.” Và đó là điều an ủi duy nhất mà tôi được nghe. Nhưng tôi vẫn mong là mẹ có thể cùng tôi đến trường và đập cho mấy đứa đó một trận. Cả cuộc đời tôi thiếu vắng vai trò của người cha, cho đến tận bây giờ đó vẫn là một lỗ hổng khiến tôi đau đớn.

Lời bài hát: Čas na změnu (Đã đến lúc thay đổi)

“Bố dượng chẳng cho tôi cái gì bao giờ và mẹ thì đi làm suốt.”

René: Cả gia đình tôi sống rất tình cảm và tôi đã có một tuổi thơ tuyệt vời. Một lần nữa tôi muốn nhắc lại là tôi không muốn thể hiện mình đáng thương. Mọi người vẫn luôn ở đó bên cạnh tôi nhưng lại không phải tất cả mọi lúc mà tôi cần để có thể giải thích cho mình.

Lời bài hát: Con lai

“Tôi là Con lai, một đứa trẻ chuối khép kín sống trên mạng, ở nhà như ở nơi xa lạ”

René: Cha tôi khi còn sống, thường mua quà Vánoce cho tôi là những bộ đồ Châu Á và kiếm Samurai hoặc những thứ tương tự và kể cho tôi về gia đình Việt Nam nhưng như tôi đã nói thì lúc đó tôi mới bốn năm tuổi, trí nhớ còn chưa được tốt. Tới khi đến độ tuổi định hình tính cách thì ông đã không còn nữa.

Lời bài hát: Con lai

“Xin khẳng định tôi không phải anh hùng. Tôi đã từng xấu hổ về gốc gác gia đình của mình.”

René: Liên quan đến bố mẹ của mình, thì vào năm tôi 6 tuổi, họ đã li dị, sau đó thì cha tôi gần như không liên lạc với chúng tôi nên tôi hoàn toàn thoát ra khỏi cộng đồng Việt Nam. Tôi đã bỏ qua một nửa Việt Nam của mình cho đến tận năm 18 tuổi. Tôi biết điều đó, nhưng tôi không biết phải đối mặt với nó như thế nào và làm thế nào để tự hào về nó.”

(BBT TamdaMedia)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil