Chính trị nước Đức đã bị phân mảnh sâu sắc, sau sự đổ vỡ của liên minh ba đảng cầm quyền của Thủ tướng Scholz.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Đức (Bundestag) vào ngày 16-12. Do đó Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào cuối tháng 2 năm sau.
Trên thực tế, đó là kết quả mà ông Scholz đã kỳ vọng khi kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần trước. Thủ tướng Scholz hy vọng cử tri Đức sẽ bầu ra Quốc hội mới, với một chính phủ liên minh mới do đảng ông nắm giữ đa số ghế và do đó sẽ giúp quản trị tốt hơn.
Mục đích của ông Scholz rất rõ ràng: thua cuộc bỏ phiếu này ngay bây giờ, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới và trở lại mạnh mẽ hơn vào lần tới.
Thủ tướng Scholz quá lạc quan?
Tuy nhiên việc đặt cược vào niềm tin rằng Đảng Dân chủ xã hội (SPD) có quan điểm chính trị trung tả của ông Scholz có thể chiến thắng ở cuộc bầu cử Quốc hội sớm là một tính toán quá lạc quan. Các vấn đề mang tính cấu trúc như kinh tế và nhập cư tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cuộc bầu cử sắp tới.
Đặc biệt nền kinh tế Đức tăng trưởng chậm chạp cũng tỉ lệ thuận với sự ủng hộ của công chúng Đức dành cho ông Scholz.
Trong báo cáo kinh tế công bố ngày 13-12, Ngân hàng Trung ương Đức đã hạ mức dự báo tăng trưởng cho năm 2025 chỉ còn 0,2%, đồng thời cho biết "kinh tế Đức sẽ trì trệ trong nửa mùa đông 2024-2025 và chỉ bắt đầu phục hồi chậm trong suốt năm 2025".
Theo Đài truyền hình công cộng ZDF, cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ Đảng SPD cầm quyền giảm từ 25,7% lúc ông Scholz mới nhậm chức xuống chỉ còn 16% hiện nay.
Ngoài ra, phong cách cá nhân mang tính máy móc như robot của ông Scholz, với biệt danh Scholzomat, cũng được coi là không có sức hút hay thiện cảm. Hôm 16-12, bà Britta Hasselmann - lãnh đạo nhóm nghị sĩ của Đảng Xanh trong chính phủ liên minh - đã tạt một gáo nước lạnh khi nói ông Scholz đã không thể hiện đủ khả năng lãnh đạo trong nhiệm kỳ thủ tướng Đức.
Bà nói sau cuộc bỏ phiếu: "Việc giằng co và tranh cãi kéo dài" về một số dự luật có thể tránh được "nếu Thủ tướng Olaf Scholz của chúng tôi thể hiện khả năng lãnh đạo nhiều hơn". Do đó các nhà phân tích cho rằng ông Scholz sẽ cần phải tỏ ra mạnh mẽ và quyết đoán hơn để có thể thu hút cử tri.
Trong khi đó, đối thủ chính trị chính của ông Scholz là ông Friedrich Merz - lãnh đạo của Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) đối lập - hiện đang được nhiều cử tri ủng hộ. Ông Merz cũng là lãnh đạo của liên minh hai đảng gồm CDU và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) trong Quốc hội Đức.
Các cuộc thăm dò dư luận toàn nước Đức hiện cho thấy liên minh CDU/CSU vượt trội so với các đảng khác, với 32% sự ủng hộ từ những người được khảo sát. Một đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) hiện đang đứng ở vị trí thứ hai với 18%, trong khi SPD của ông Scholz ở vị trí thứ ba với 16% và Đảng Xanh với 14%.
Chính phủ tạm thời
Nếu không có sự đảo ngược lớn và bất ngờ trong các cuộc thăm dò, ông Merz của CDU/CSU rất có thể sẽ trở thành thủ tướng mới của Đức sau cuộc bầu cử vào cuối tháng 2 tới. Ông Merz là chính trị gia bảo thủ, có tư duy kinh tế mạnh mẽ và giữ một lập trường cứng rắn về vấn đề di cư.
Khi tranh cử trở thành lãnh đạo Đảng CDU, ông cho thấy mình đã thoát khỏi cái bóng của nhà lãnh đạo CDU nổi tiếng trước đây là bà Merkel khi từ bỏ các chính sách trung dung của CDU.
Về mặt đối ngoại, ông Merz được đánh giá là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong xung đột với Nga. Theo Đài CNN, ông đã lên tiếng ủng hộ việc cấp cho Ukraine tên lửa Taurus do Đức sản xuất - loại vũ khí có thể dùng để tấn công các mục tiêu của Nga ở xa chiến tuyến của Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Scholz liên tục từ chối cung cấp chúng cho Kiev.
Sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm thứ hai, ông Scholz không còn là thủ tướng Đức với tư cách thành viên của liên minh thiểu số, nhưng ông vẫn là người đứng đầu Chính phủ Đức. Ngoài ra cả Chính phủ và Hạ viện sẽ vẫn duy trì đầy đủ chức năng trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Một ý nghĩa khác của cuộc bầu cử là chính trị nước Đức đã bị phân mảnh sâu sắc sau sự đổ vỡ của liên minh ba đảng cầm quyền của Thủ tướng Scholz. Và tương lai chính trị của nước Đức vẫn tiếp tục như vậy. Có thể cũng sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài nhiều tuần sau cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới cho đến khi một chính phủ liên minh mới được thống nhất.
Người tính hay trời tính?
Một yếu tố đáng lo ngại là một đảng cực hữu mang màu sắc dân túy như AfD có thể thu phục được những cử tri đang vỡ mộng về tình trạng rối loạn chính trị hiện tại của Đức. Hiện nay họ chỉ đứng thứ hai trong các cuộc khảo sát sau liên minh CDU/CSU và thậm chí vượt qua Đảng SPD của ông Scholz.
Liệu ông Scholz có cơ hội quay trở lại sau cuộc bầu cử sắp tới như ông kỳ vọng hay không thì câu trả lời là vẫn có, nhưng rất khó xảy ra.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này