Giới chức Israel ca ngợi ý tưởng của Tổng thống Trump về việc Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza, trong khi Hamas và nhiều bên chỉ trích gay gắt.
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump vào ngày 4/2 về tương lai Dải Gaza, rằng người dân Palestine nên chuyển đến những nước láng giềng và Mỹ có thể "tiếp quản" khu vực này để tái thiết, lập tức vấp phải những phản ứng trái ngược ở Trung Đông lẫn chính trường Mỹ.
Phần lớn thành viên nội các Israel đều lên tiếng ca ngợi đề xuất của Tổng thống Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich đăng thông điệp cảm ơn ông Trump trên mạng xã hội, khẳng định Mỹ và Israel sẽ cùng nhau làm cho thế giới vĩ đại trở lại. "Dường như đây là bước khởi đầu của tình bạn tuyệt đẹp", Smotrich bình luận.
Bộ trưởng Giao thông Miri Regev gọi cuộc họp báo của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Trump là "lần hội ngộ giữa hai lãnh đạo dũng cảm", trong khi Bộ trưởng Năng lượng Eli Cohen nói tuyên bố từ Tổng thống Trump là "buổi sáng lịch sử đối với Israel, Trung Đông và cả thế giới".
Chủ tịch Quốc hội Amir Ohana gọi ý tưởng Mỹ tiếp quản Dải Gaza là "bình minh ngày mới", còn Bộ trưởng Văn hóa Miki Zohar ca ngợi đây là "phép màu dành cho người dân Israel".
Benny Gantz, lãnh đạo đối lập tại Israel, cũng hoan nghênh ý tưởng "sáng tạo, độc đáo và tư duy thú vị" từ Tổng thống Mỹ và cần được Tel Aviv nghiêm túc cân nhắc bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên đưa con tin trở về. Gantz gọi ông Trump là "người bạn chân thành của Israel và sát cánh cùng chúng ta trong những vấn đề an ninh quốc gia hệ trọng".
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel lẫn phần trả lời ngắn với báo chí ở Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ "sở hữu" Dải Gaza, chịu trách nhiệm rà phá bom đạn chưa nổ, san bằng mọi thứ và xóa sổ những tòa nhà đã bị phá hủy để tái thiết. Ông không loại trừ khả năng điều quân đội Mỹ đến đảm bảo an ninh, dù không đề cập Washington sẽ dựa trên cơ sở pháp lý nào để can thiệp vào Dải Gaza.
Lãnh đạo Mỹ nói ông đã nghiên cứu kỹ vấn đề này suốt nhiều tháng qua, cho rằng Mỹ có thể biến Dải Gaza thành "Riviera tại Trung Đông", đề cập đến địa danh nổi tiếng ven Địa Trung Hải trải dài từ Pháp đến Italy.
"Người dân ở đó vì không còn lựa chọn nào khác. Giờ đây họ còn gì? Chỉ có một đống đổ nát khổng lồ", ông Trump nói tại Phòng Bầu dục khi tiếp Thủ tướng Netanyahu, sau đó bổ sung rằng người Palestine có thể trở lại Dải Gaza trong tương lai nhưng vùng lãnh thổ sẽ không được xem là nơi cư trú lâu dài của họ.
Riyad Mansour, trưởng phái đoàn Palestine tại Liên Hợp Quốc, phản đối mọi ý tưởng di dời người Gaza sang nước khác, đồng thời kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế tôn trọng nguyện vọng tự tái thiết dải đất của nhân dân Palestine.
"Thay vì đẩy người Gaza đến 'những nơi tốt đẹp khác', hãy để họ trở về nhà của mình. Đó mới là những nơi tốt đẹp mà chúng tôi sẵn sàng đến", ông Mansour nói, nhắc đến quyền hồi hương của những gia đình Palestine đang tị nạn ở Dải Gaza trong gần nửa thế kỷ qua vì các cuộc chiến giữa Israel và nhiều nước Arab.
Sami Abu Zuhri, thành viên cấp cao Hamas, chỉ trích ý tưởng Mỹ tiếp quản Dải Gaza là ngớ ngẩn và đe dọa châm ngòi khủng hoảng khu vực. Bộ Ngoại giao Arab Saudi cũng phát thông cáo phản đối "mọi hành động xâm phạm quyền chính đáng của nhân dân Palestine, như chính sách định cư của Israel, hành vi sáp nhập lãnh thổ Palestine hoặc mưu đồ đẩy người Palestine khỏi vùng đất của họ".
Bình luận của Tổng thống Trump cũng gây tranh cãi sâu sắc trên chính trường Mỹ. Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen lên án ông Trump "ngầm đề xuất thanh trừng sắc tộc". Hollen cho rằng tuyên bố từ Tổng thống Trump chỉ có lợi cho đối thủ của Mỹ, trong khi làm suy yếu vị thế của Washington với các đối tác Arab.
Thượng nghị sĩ Chris Murphy cảnh báo viễn cảnh ông Trump đưa quân vào Dải Gaza "sẽ đẩy hàng nghìn quân nhân Mỹ vào chỗ chết và mở ra nhiều thập niên chiến tranh tại Trung Đông". Trong một bình luận sau đó, Murphy nêu nghi vấn ông Trump cố ý tạo tranh cãi trên truyền thông về tương lai Gaza để hướng sự chú ý của dư luận khỏi tỷ phú Elon Musk, người đang bị chỉ trích là can thiệp trái phép vào Bộ Tài chính Mỹ thông qua Ban Hiệu suất Chính phủ.
"Chúng ta sẽ không tiếp quản Gaza, nhưng truyền thông và mọi đồn đoán trong vài ngày tới sẽ chỉ tập trung vào chuyện này. Ông Trump sẽ đánh lạc hướng chúng ta khỏi vấn đề thật sự quan trọng: Giới tỷ phú đang dần kiểm soát chính phủ", Murphy viết.
Ở chiều ngược lại, Ngoại trưởng Marco Rubio khẳng định Tổng thống Trump đang chứng tỏ nước Mỹ "sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo và làm cho Gaza tươi đẹp trở lại", mở ra hòa bình lâu dài cho mọi dân tộc ở khu vực.
Steve Witkoff, đặc phái viên tổng thống cho vấn đề Trung Đông, nói ông Trump sẽ "tiếp thêm hy vọng" cho người dân Palestine về tương lai tốt đẹp hơn. Trả lời phỏng vấn trên đài Fox, ông giải thích rằng Dải Gaza sẽ trở thành vùng đất "không ai sống nổi" trong vòng 10-15 năm nữa nếu tình hình không thay đổi.
"Ai cũng muốn hòa bình khu vực. Cuộc sống tốt hơn không nhất thiết cứ phải gắn liền với vùng đất họ đang ở. Cuộc sống tốt hơn nghĩa là được trao cơ hội tốt hơn, điều kiện tài chính tốt hơn và tương lai tươi sáng cho gia đình. Họ không thể có được điều đó nếu sống dưới một túp lều ở Dải Gaza, xung quanh là 30.000 quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Tổng thống chỉ muốn những điều tốt hơn cho họ", Witkoff nói.
Nguồn: Vnexpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này