Phi công giàu kinh nghiệm của Nga cho rằng động cơ của chiếc máy bay gặp nạn ở Aktau đã ngừng hoạt động trên không, nhưng phi công vẫn điều khiển được máy bay khi tiếp đất.
Ngày 25-12, Đài RT dẫn lời ông Yuri Sytnik, phi công giàu kinh nghiệm từng được vinh danh Phi công danh dự Liên bang Nga, phân tích vụ tai nạn máy bay ở thành phố Aktau, Kazakhstan xảy ra trước đó vài giờ.
Chuyến bay gặp nạn thuộc Hãng hàng không Azerbaijan Airlines, đang bay từ thủ đô Baku (Azerbaijan) đến thành phố Grozny (Nga). Đáng chú ý, có ít nhất 32 trong số 67 người trên máy bay sống sót, khiến không ít người tò mò vì sự kỳ diệu này.
Theo ông Sytnik, dựa trên hình ảnh tại hiện trường, các phi công vẫn phần nào kiểm soát được chiếc máy bay ở thời điểm tiếp đất, nhờ đó hạn chế được thương vong.
Phi công danh dự Nga phân tích quá trình hạ độ cao của máy bay dù diễn ra rất gấp và có thể nhận thấy rõ nhưng tốc độ của chiếc máy bay vẫn được kiểm soát để ngăn tình trạng rơi thẳng đứng.
Do đó, việc máy bay này tiếp đất có thể vẫn được xem là trường hợp hạ cánh, chứ không hoàn toàn là một vụ rơi máy bay.
Ngoài ra, việc máy bay không thể rướn được tới đường băng cho thấy khả năng cao động cơ máy bay đã ngừng hoạt động trước thời điểm tiếp đất.
Ông Sytnik cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định lý do chính xác động cơ máy bay ngừng hoạt động. Một số giả thuyết được đề ra bao gồm chim bay vào động cơ, nhiên liệu đóng băng trên không hoặc máy bay hết xăng.
"Giả thuyết vụ tai nạn là do chim cần được điều tra thêm. Việc nhiều hành khách sống sót cho thấy khả năng cao hộp đen máy bay cũng an toàn. Tôi nghĩ là trong khoảng 3 - 4 ngày tới, chúng ta sẽ biết chính xác liệu động cơ máy bay có hoạt động hay không, hay máy bay có được điều khiển hay không", ông Sytnik phân tích.
Cuối cùng, phi công danh dự Nga khẳng định chắc chắn các phi công đã chuyển máy bay sang chế độ điều khiển dự phòng ở thời điểm tiếp đất.
Ở chế độ này, phi công phải trực tiếp đưa ra các dữ liệu đầu vào thay vì dựa vào tính toán tự động của hệ thống. Do đó, việc điều khiển trong chế độ này có nhiều sai số và đòi hỏi nhiều kỹ năng.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này