Hoa Kỳ đang xem xét các lựa chọn cho một gói trừng phạt nhắm vào Trung Quốc để ngăn nước này xâm lược Đài Loan, trong khi Liên minh châu Âu đang chịu áp lực ngoại giao từ Đài Bắc phải làm điều tương tự, theo các nguồn thạo tin được Reuters dẫn lời.
Các nguồn tin cho biết, các cuộc thảo luận trong các cuộc vận động hành lang riêng biệt của Washington và Đài Bắc đối với các đặc phái viên EU đều ở giai đoạn sơ khởi – một phản ứng trước lo ngại về một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Lo ngại này ngày càng gia tăng khi căng thẳng quân sự leo thang ở eo biển Đài Loan.
Trong cả hai cuộc vận động hành lang, ý tưởng là áp các biện pháp trừng phạt ngoài những biện pháp mà phương Tây đã dùng để hạn chế một số hoạt động thương mại và đầu tư với Trung Quốc, trong các công nghệ nhạy cảm như chip máy tính và thiết bị viễn thông.
Các nguồn tin không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về những điều đang được xem xét, nhưng khái niệm về các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là một trong những mắt xích lớn nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi.
Nazak Nikakhtar, cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết: “Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với trừng phạt Nga, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh mắc mứu vào nền kinh tế Trung Quốc”.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và tháng trước đã bắn tên lửa qua hòn đảo và điều tàu chiến vượt qua biên giới không chính thức trên biển giữa họ, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc – động thái mà Bắc Kinh coi là hành động khiêu khích.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thề quyết đưa Đài Loan – hòn đảo dân chủ – về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh và không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Ông dự kiến sẽ giữ chắc nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba, 5 năm tại Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng tới. Chính phủ Đài Loan kiên quyết bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc.
Tại Washington, các quan chức đang xem xét các lựa chọn một gói trừng phạt khả dĩ nhắm vào Trung Quốc để ngăn ông Tập quyết xâm lược Đài Loan, một quan chức Mỹ và một quan chức từ một nước hợp tác chặt chẽ với Mỹ cho biết.
Hai nguồn tin nói rằng các cuộc đàm phán của Mỹ về các lệnh trừng phạt bắt đầu sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai, nhưng đã trở nên cấp thiết hơn sau phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm của bà Pelosi.
Hoa Kỳ, được sự hậu thuẫn của các đồng minh NATO, từng đưa ra lời đe dọa trừng phạt không cụ thể đối với Nga vào tháng Giêng. Nhưng điều này không ngăn được Tổng thống Nga Vladimir Putin cho quân xâm lược Ukraine.
Nhà Trắng tập trung vào việc đưa các quốc gia vào “cùng hội cùng thuyền”, gồm việc hợp tác giữa châu Âu và châu Á, và tránh khiêu khích Bắc Kinh, quan chức không phải Hoa Kỳ cho biết.
Reuters không thể tìm hiểu chi tiết về những biện pháp trừng phạt cụ thể nào đang được xem xét, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, trọng tâm có thể là nhắm vào quân đội Trung Quốc.
Ông Craig Singleton từ Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ, cho biết: “Các cuộc đối thoại về lệnh trừng phạt ban đầu có thể sẽ xoay quanh việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với một số công nghệ cần thiết để duy trì một chiến dịch quân sự nhắm vào Đài Loan”.
Nhà Trắng từ chối bình luận.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ đã thảo luận về các trò chơi mô phỏng chiến tranh gần đây của Trung Quốc và “những thách thức lớn” mà Trung Quốc đặt ra đối với Đài Loan, khu vực, Hoa Kỳ, châu Âu và các đối tác cùng chí hướng khác, nhưng không thể tiết lộ chi tiết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng không hồi đáp ngay lập tức các yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Đài Loan và châu Âu
Đài Loan từng đề cập với giới chức châu Âu về các biện pháp trừng phạt Nga, sau khi Nga xâm lược Ukraine, nhưng các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc đã khiến Đài Loan cứng rắn hơn trong vấn đề này, sáu nguồn tin tóm tắt về các cuộc thảo luận Đài Loan-châu Âu nói với Reuters.
Giới chức hàng đầu Đài Loan đã tăng cường kêu gọi chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt trong những tuần gần đây. Sách trắng của Trung Quốc công bố gần đây, trong đó rút lại lời hứa không đưa quân hoặc chính quyền đến Đài Loan nếu Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát hòn đảo đã khiến Đài Loan tăng gấp đôi nỗ lực gây sức ép lên châu Âu về việc trừng phạt Nga.
Đài Loan không yêu cầu bất cứ điều gì cụ thể, mà để cho châu Âu lên kế hoạch hành động nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo, một nguồn tin cho biết, và đã yêu cầu châu Âu cảnh báo riêng với Trung Quốc rằng, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Các quan chức EU cho đến nay vẫn né tránh việc áp lên Trung Quốc các biện pháp trừng phạt cứng rắn về vấn đề nhân quyền, vì Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn Nga trong nền kinh tế của EU, một người thạo tin cho biết.
Các biện pháp trừng phạt của châu Âu sẽ đòi hỏi tất cả 27 nước thành viên đồng ý. Điều này thường khó đạt được; ngay cả việc cô lập Nga do xâm lược Ukraine, EU cũng khó đạt được đồng thuận, một phần vì khí đốt của Nga rất quan trọng đối với Đức.
Toàn châu Âu, ngoại trừ Vatican, có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc, dù các quan chức Đài Loan và châu Âu đã có các cuộc tiếp xúc rộng rãi, riêng tư kể từ khi các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc bắt đầu, các nguồn tin cho hay.
Đức, đầu tàu kinh tế của khối, đang “cảnh giác”, theo một quan chức khác. “Tôi không nghĩ Nga-Ukraine về cơ bản đã thay đổi cách nhìn nhận mối quan hệ của họ với Trung Quốc.”
Nhưng chính phủ Đức ngày càng lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế của nước này vào Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Đức đã cam kết một chính sách thương mại mới và “không còn ngây thơ nữa” vào thời gian sớm nhất.
(Nguồn: BBC)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này