Reuters: Việt Nam đàm phán mua vũ khí quân sự của CH Séc
Tin Séc, Tin tức
author24/04/2023 15:29

Theo Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Séc, Việt Nam đang đàm phán với Cộng hòa Séc để mua thêm vũ khí quân sự, gồm máy bay, radar, hiện đại hóa các xe bọc thép và súng ống vũ khí, trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới mục tiêu đa dạng kho vũ khí vốn hầu hết là mua từ Nga.

Tuần qua Thủ tướng Séc Petr Fiala (ODS) đã đến thăm Việt Nam và thảo luận về chủ đề an ninh với các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Theo nguồn tin, các công ty chuyên về an ninh, quân sự chiếm số lượng đông đảo trong phái đoàn kinh doanh tháp tùng ông Fiala.

CH Séc được đánh giá là quốc gia có những điều kiện tốt để đáp ứng một số nhu cầu an ninh ngày càng tăng của Việt Nam. Các công ty quân sự của Séc thành thạo trong việc hiện đại hóa công nghệ của Nga và thường sản xuất các thiết bị mới tương thích với vũ khí của Liên Xô. Đây là một kỹ năng được phía Việt Nam rất xem trọng vì 80% kho vũ khí của Việt Nam được ước tính đến từ Nga.

Theo ước tính của nhóm chuyên gia Stockholm SIPRI, trong hai thập kỷ qua Praha là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính của Liên minh châu Âu dành cho Việt Nam.

Vào năm 2021, Hà Nội đã đặt mua 10 máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-39NG từ nhà sản xuất Aero Vodochody của Séc, và sẽ bắt đầu giao hàng trong năm nay. Các cuộc đàm phán cung cấp thêm máy bay đang được tiếp tục thực hiện, nguồn tin của Reuters cho biết, sau khi người này đã tham dự vào các cuộc họp cấp cao và yêu cầu không được nêu tên vì các cuộc đàm phán mang tính chất nội bộ.

Vào cuối cuộc họp giữa Thủ tướng Fiala và người đồng cấp Việt Nam, Phạm Minh Chính cho biết “hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng,” trong số các lĩnh vực khác.

Quan chức này cũng cho biết Praha có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ vũ khí và sản xuất trong nước nếu các thỏa thuận cung cấp quan trọng được thông qua.

Trong số 15 công ty tham gia phái đoàn kinh doanh tháp tùng Thủ tướng Séc, có đến bốn công ty chuyên về an ninh. Quan chức này nói các công ty bao gồm Czechoslovak Group, Colt CZ Group, Omnipol và STV GROUP. Bốn công ty này đã không phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.

Omnipol có cổ đông thiểu số trong Aero Vodochody và sở hữu Aircraft Industries, công ty sản xuất máy bay chở hàng L 410 NG, và việc bán loại máy bay này đã được thảo luận vào tuần rồi với các quan chức chịu trách nhiệm về vũ khí quân sự của Việt Nam, theo nguồn tin của Reuters.

Các cuộc đàm phán tương tự với giới chức dân sự Indonesia và Philippines đã được tiến hành trong những ngày qua, trong khuôn khổ chuyến công du của phái đoàn Cộng hòa Séc đến các quốc gia châu Á.

Quan chức của công ty Omnipol đã có các cuộc đàm phán tại Việt Nam về khả năng bán radar lưỡng dụng để lắp đặt tại các sân bay quân sự và dân dụng, theo nguồn tin của Reuters.

Tại Hà Nội, tập đoàn STV và Czechoslovak cũng đã thảo luận về khả năng có các hợp đồng nhằm nâng cấp những xe tăng hoặc xe bọc thép được chế tạo thời Xô Viết mà Việt Nam đang sở hữu, với công nghệ tiên tiến khác bao gồm trang thiết bị liên lạc.

Theo các hợp đồng này, các công ty có thể cũng cung cấp những thiết bị dự phòng và bảo dưỡng, nguồn tin cho hay, và cho biết các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn đầu và không có thỏa thuận nào mới được ký kết vào tuần rồi.

Một quan chức tại công ty Excalibur Army, thuộc tập đoàn Czechoslovak Group cho biết các cuộc đàm phán về khả năng giao xe bọc thép mới, bệ phóng rocket và lựu pháo Howitzer đang diễn tiến rất chậm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội không có bình luận ngay với Reuters về những thông tin này.

Khả năng bán súng ống cũng được phía Việt Nam thảo luận với Colt CZ, tập đoàn sở hữu một công ty sản xuất súng dài và súng trường lâu năm tại Mỹ, theo nguồn tin của Reuters.

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil