Thái Lan và Campuchia có mối quan hệ phức tạp, xen lẫn giữa hợp tác và đối đầu trong nhiều thập kỷ gần đây. Hai nước chia sẻ đường biên giới trên bộ dài 817 km – phần lớn được vạch ra bởi người Pháp khi họ còn đô hộ Campuchia – nhưng khu vực này thường xuyên xảy ra va chạm quân sự và là nguyên nhân gây căng thẳng chính trị.
Campuchia nhiều lần tìm kiếm phán quyết từ Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc liên quan đến các khu vực tranh chấp, bao gồm nơi xảy ra vụ đụng độ gần đây nhất. Nhưng Thái Lan không công nhận thẩm quyền của ICJ và khẳng định rằng một số khu vực biên giới chưa bao giờ được phân định rõ ràng — trong đó có các ngôi đền cổ.
Năm 2011, quân đội Thái Lan và Campuchia từng xảy ra một trận đụng độ xung quanh khu vực đền cổ Preah Vihear có từ thế kỷ 11 – một di sản thế giới UNESCO – khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng nghìn người dân hai phía phải sơ tán.
Nguyên nhân nào khiến căng thẳng Thái Lan – Campuchia tái bùng phát?
Căng thẳng gia tăng vào tháng 5 sau khi một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong một vụ đụng độ ngắn với binh lính Thái Lan tại khu vực Tam giác Ngọc, nơi địa giới giữa ba nước Campuchia, Thái Lan và Lào gặp nhau.
Cả hai bên Thái Lan và Campuchia đều tuyên bố hành động để tự vệ và cáo buộc đối phương là bên nổ súng trước.
Dù các lãnh đạo quân sự của cả hai nước từng tuyên bố mong muốn hạ nhiệt căng thẳng, nhưng kể từ đó, hai bên lại tiếp tục gia tăng hiện diện quân sự và dọa dẫm nhau.
Thái Lan siết chặt kiểm soát các trạm kiểm soát biên giới, áp dụng hạn chế đi lại và đe dọa cắt nguồn điện, internet tới các thị trấn biên giới của Campuchia. Đáp trả, Campuchia cấm nhập khẩu rau quả từ Thái Lan và ngừng phát sóng phim truyền hình Thái.
Các vụ nổ mìn gần đây khiến hai nước hạ cấp quan hệ, triệu hồi nhân viên ngoại giao về nước.
Đã có hai vụ nổ mìn: người lính đầu tiên của Thái Lan mất chân xảy ra vào ngày 16/7. Vụ thứ hai xảy ra hôm thứ Tư, khiến 5 binh sĩ Thái bị thương, trong đó có một người mất chân. Bạo lực hôm thứ Năm được xem là bước leo thang nghiêm trọng nhất.

Xung đột cũng để lại hậu quả chính trị sâu sắc tại Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra, bị đình chỉ chức vụ vào ngày 1/7 sau khi rò rỉ bản ghi âm cuộc điện thoại với cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 6, trong đó bà dường như chỉ trích quân đội nước mình và muốn hòa giải với Hun Sen.
Shinawatra, thuộc gia tộc quyền lực tại Thái Lan, là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước này, lên nắm quyền khi mới 38 tuổi. Bà hiện đối mặt nguy cơ bị phế truất hoàn toàn.
Nơi xảy ra giao tranh không phải là điểm đến du lịch phổ biến
Khu vực nơi xảy ra đụng độ giữa Thái Lan và Campuchia hôm nay, gần đền Ta Muen Thom cổ, không phải là điểm du lịch quốc tế phổ biến.
Ngôi đền nằm tại vùng đất tranh chấp giữa tỉnh Surin phía nam Thái Lan và vùng tây bắc Campuchia – cách thủ đô Bangkok khoảng 400km, tương đương 5–6 tiếng lái xe.
Surin không có sân bay thương mại. Sân bay gần nhất là tại tỉnh Buriram lân cận, cách trung tâm Surin khoảng 1 giờ lái xe và cách đền 90 phút.
Cục Du lịch Thái Lan những năm gần đây đã nỗ lực quảng bá khu vực Đông Bắc nước này – gọi là Isan – với ẩm thực, lễ hội và di tích cổ đặc sắc. Vùng Isan gồm 20 tỉnh, bao gồm cả Buriram và Surin. Tuy nhiên, khu vực này vẫn ít được du khách quốc tế chú ý so với miền Bắc nổi tiếng với Chiang Mai, Pai và Chiang Rai.
(Theo CNN)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này