Tảng băng trôi lớn nhất thế giới A23a đã thoát khỏi vị trí mắc kẹt và bắt đầu hành trình mới qua Nam Đại Dương, theo thông tin từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS).
Tảng băng A23a có diện tích 3.672 km2, lớn hơn bang Rhode Island của Mỹ, đã được theo dõi chặt chẽ kể từ khi tách ra khỏi thềm băng Filchner-Ronne vào năm 1986. Trong suốt hơn 30 năm, A23a bị mắc kẹt trên đáy biển Weddell của Nam Cực. Các nhà khoa học cho rằng do kích thước giảm nhẹ, tảng băng mới có thể tách khỏi đáy biển.
Sau đó, A23a trôi theo dòng hải lưu nhưng lại bị mắc kẹt trong một cột xoáy nước do dòng chảy đại dương va chạm vào núi ngầm. Hiện tại, khi đã thoát khỏi vòng xoáy này, các nhà khoa học dự đoán tảng băng sẽ tiếp tục di chuyển về phía vùng nước ấm hơn và đảo Nam Georgia, nơi nó có khả năng vỡ ra và tan chảy.
Tảng băng A23a nhiều lần giữ danh hiệu "tảng băng lớn nhất hiện tại" kể từ những năm 1980, đôi khi bị vượt qua bởi những tảng băng khác nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn như A68 (năm 2017) và A76 (năm 2021).
Các nhà khoa học nhận định, mặc dù A23a tách khỏi thềm băng là một phần trong chu kỳ phát triển tự nhiên và không góp phần làm tăng mực nước biển, song biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều thay đổi đáng lo ngại tại lục địa này. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng đối với mực nước biển toàn cầu.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nghiên cứu sự xói mòn của tảng băng và vai trò của nó trong chu trình trao đổi carbon và dưỡng chất trên đại dương. Bà Laura Taylor, nhà hóa sinh thuộc BAS, chia sẻ: "Chúng tôi biết rằng các tảng băng khổng lồ có thể cung cấp dưỡng chất cho vùng nước mà chúng đi qua, tạo nên hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ tại những khu vực kém năng suất hơn".
Bà cho biết thêm: "Chúng tôi đã thu thập các mẫu nước tại nhiều vị trí xung quanh A23a. Những dữ liệu này sẽ giúp xác định sự sống có thể hình thành quanh tảng băng và cách nó tác động đến chu trình carbon trong đại dương cũng như cân bằng với khí quyển".
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này