Đề xuất tăng mức hình phạt đối với các tội danh liên quan đến ma túy là một động thái thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Bộ Công an và là bước đi cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo thống kê từ Bộ Công an, trung bình mỗi năm lực lượng chức năng phát hiện và xử lý khoảng 20.000 vụ án ma túy; bắt gần 30.000 đối tượng; thu hàng trăm kg heroin, ma túy tổng hợp, cùng nhiều loại vũ khí, tang vật.
Riêng quý 1/2025, cả nước đã triệt phá gần 6.000 vụ án ma túy. Đáng lo ngại, nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng có vũ trang, sẵn sàng chống trả, gây thương vong cho cán bộ thi hành công vụ.

Pháp luật hiện hành đã có các quy định xử lý nghiêm khắc với tội phạm này, song thực tiễn cho thấy vẫn còn những kẽ hở, mức khởi điểm hình phạt trong một số tội danh còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Một số đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù vẫn tái phạm. Điều này cho thấy, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, cần có chế tài hình sự đủ nghiêm khắc để ngăn chặn triệt để.
Dự thảo sửa đổi bộ luật Hình sự do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã đề xuất tăng mức hình phạt tối thiểu đối với nhiều tội danh như: sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng, cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, bổ sung khung hình phạt mới với mức án cao nhất là tù chung thân không xét giảm án hoặc tử hình đối với các hành vi có tổ chức, quy mô lớn, tái phạm nguy hiểm hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung tội danh "sử dụng trái phép chất ma túy" với khung hình phạt từ 2 - 3 năm tù giam đối với người từng cai nghiện nhưng vẫn tái sử dụng chất ma túy. Đây là việc rất quan trọng, nhằm hình sự hóa hành vi nguy cơ cao, gián tiếp làm phát sinh nhiều tội phạm khác.
Tội phạm ma túy không chỉ xâm phạm chính sách quản lý của Nhà nước về các chất gây nghiện, mà còn là nguyên nhân tiềm tàng của nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác như giết người, cướp tài sản, bạo hành gia đình, gây rối trật tự công cộng... Người sử dụng ma túy thường mất kiểm soát hành vi, dễ bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp, thậm chí trở thành công cụ của các tổ chức tội phạm.

Cạnh đó, lợi nhuận khổng lồ từ việc mua bán ma túy khiến nhiều đối tượng sẵn sàng đánh đổi, bất chấp hậu quả pháp lý. Trong khi đó, các hình phạt hiện hành ở một số khung chưa đủ sức răn đe và ngăn ngừa tái phạm. Việc tăng hình phạt không nhằm trừng trị khắt khe, mà là để bảo vệ xã hội, phòng ngừa từ gốc và định hướng hành vi tuân thủ pháp luật.
Ở nhiều quốc gia, tội phạm ma túy được xếp vào nhóm đặc biệt nghiêm trọng và áp dụng mức hình phạt rất nghiêm khắc. Ví dụ, Singapore đã áp dụng chính sách "không khoan nhượng" với án tử hình bắt buộc cho các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy từ 15 gram heroin trở lên. Chính sách này đã giúp Singapore kiểm soát ma túy hiệu quả trong nhiều thập niên. Một số bang tại Mỹ như Florida, Texas áp dụng khung hình phạt lên tới tù chung thân hoặc tử hình với các vụ buôn ma túy có yếu tố gây chết người.
So với các quốc gia trên, Việt Nam đang ở giai đoạn cần siết chặt các khung hình phạt đối với tội phạm ma túy để ứng phó với tình hình thực tiễn. Việc sửa đổi lần này theo hướng tăng nặng hình phạt là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh quốc gia và chuẩn mực quốc tế về bảo vệ cộng đồng trước hiểm họa ma túy.
Cạnh đó, việc đưa hành vi sử dụng ma túy vào diện xử lý hình sự không nên bị hiểu là trừng phạt, mà là cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả và trách nhiệm. Song song với xử lý, cần tạo điều kiện để họ được điều trị, hòa nhập, tránh tái nghiện và phạm tội.

Ngoài tăng hình phạt, chính sách cũng cần được đồng bộ với các giải pháp như tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, đặc biệt tại khu dân cư, trường học, vùng sâu vùng xa; phát triển các trung tâm cai nghiện chất lượng, kết hợp điều trị y tế, tâm lý và đào tạo nghề; hoàn thiện quy trình giám sát, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; siết chặt kiểm soát tiền chất, công cụ sản xuất ma tuý; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ dữ liệu, kiểm soát tuyến biên giới, đường hàng không, đường biển.
Đề xuất tăng mức hình phạt đối với các tội danh liên quan đến ma túy là một động thái thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Bộ Công an và là bước đi cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ răn đe pháp lý mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tội phạm.
Việc sửa đổi bộ luật Hình sự lần này khiến hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy trong giai đoạn mới.
Đồng thời, toàn xã hội cần chung tay để cùng xây dựng một môi trường sống lành mạnh, văn minh, không có ma túy.
11 hành vi đề xuất tăng hình phạt
Trong dự thảo sửa đổi bộ luật Hình sự, Bộ Công an đã bỏ 1 chương và 18 điều luật, giữ nguyên 180 điều luật, bổ sung 3 điều luật mới và sửa đổi, bổ sung 231 điều luật.
Trong đó, đối với tội phạm về ma túy, Bộ Công an đề xuất bỏ tử hình đối với tội vận chuyển chất ma túy, song đề xuất xử lý hình sự đối với tội sử dụng trái phép chất ma túy và tăng hình phạt tù, phạt tiền đối với 11 hành vi.
Tội sản xuất trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 2 năm thành 3 năm tại khoản 1; tách khung có hình phạt tù chung thân không xét giảm án hoặc tử hình thành 1 khoản (khoản 5).
Tội tàng trữ trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 1 năm thành 2 năm tại khoản 1.
Tội vận chuyển trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 2 năm thành 3 năm tại khoản 1; tách khung có hình phạt tù chung thân hoặc tù chung thân không xét giảm án thành 1 khoản (khoản 5).
Tội mua bán trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 2 năm thành 3 năm tại khoản 1; tách khung có hình phạt tù chung thân không xét giảm án hoặc tử hình thành 1 khoản (khoản 5).
Tội chiếm đoạt chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 1 năm thành 2 năm tại khoản 1.
Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 1 - 6 năm thành 2 - 7 năm tại khoản 1; tăng mức hình phạt tù từ 6 - 13 năm thành từ 7 - 15 năm tại khoản 2; tăng mức thấp nhất từ 13 năm thành 15 năm tại khoản 3.
Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 1 năm thành 2 năm tại khoản 1.
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 1 năm thành 2 năm tại khoản 1.
Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 2 năm thành .3 năm tại khoản 1.
Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 2 năm thành3 năm tại khoản 1.
Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 1 năm thành 2 năm tại khoản 1.
Theo Bộ Công an, 11 hành vi kể trên là các loại tội phạm xâm phạm trực tiếp đến sự an toàn của môi trường sống, đến chất lượng nguồn lao động và chất lượng giống nòi trong tương lai. Việc nghiêm khắc hơn trong xử lý hình sự nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đồng thời cũng phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế về ma túy, môi trường, chống biến đổi khí hậu... mà Việt Nam là thành viên.
Nguồn: Thanh Niên
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này