Trước đây, việc có một cụ hoặc thậm chí ông bà cố là người Italy đã được coi là đủ yếu tố cần thiết để đảm bảo quyền công dân đất nước hình chiếc ủng. Tuy nhiên, một sắc lệnh mới hiện đã thay đổi tất cả.
Kênh CNN (Mỹ) đưa tin, ngày 28/3, chính phủ Italy đã thắt chặt quy định liên quan đến yêu cầu quốc tịch theo jus sanguinis (quyền huyết thống). Luật sẽ được trình lên Quốc hội để phê chuẩn trong 60 ngày và một số thay đổi có thể được đưa ra. Tuy nhiên hiện tại, các đơn xin quốc tịch mới phải đáp ứng yêu cầu mới.
Thay đổi đột ngột này ảnh hưởng đến hàng nghìn người trên khắp thế giới đang hy vọng hoặc chuẩn bị xin hộ chiếu Italy. Theo chỉ số hộ chiếu Henley, Italy xếp thứ ba trên thế giới về quyền đi lại miễn thị thực hoặc thị thực cấp tại sân bay. Điều này khiến Italy trở thành một trong những hộ chiếu được mong muốn nhất và dễ xin được nhất.
Trước đây, bất kỳ ai có tổ tiên là người Italy còn sống sau ngày 17/3/1861, khi Vương quốc Italy được thành lập, đều đủ điều kiện nhập quốc tịch. Quá trình này chỉ mất khoảng hai năm với chi phí từ hàng nghìn USD để thuê các công ty thực hiện công chứng, dịch thuật tài liệu... Điều đó đồng nghĩa với việc đối với một cá nhân có nguyện vọng nhập quốc tịch Italy, nếu cả khi cha mẹ và ông bà họ không sở hữu quốc tịch, thì họ vẫn có thể nộp đơn dựa trên ông bà cố hoặc thế hệ thậm chí xa hơn.
Theo quy định mới, người nộp đơn phải có bố/mẹ hoặc ông/bà là người Italy để nộp đơn theo jus sanguinis. Họ cũng phải chứng minh trình độ tiếng Italy. Bài kiểm tra trình độ tiếng Italy gồm năm phần được tổ chức nhiều lần trong năm hoặc là bài kiểm tra tương đương trình độ cao hơn dành cho những người không sống ở Italy. Hiện tại, người nộp đơn không nhất thiết phải đang sinh sống ở Italy, nhưng điều kiện bắt buộc là từng sống ở quốc gia này trong 3 năm.
Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani nhận định, sắc lệnh mới nhằm mục đích ngăn chặn những "kẻ lạm dụng" trở thành công dân Italy nhằm mục đích được nới lỏng các hạn chế đi lại.
Bộ Ngoại giao Italy cho biết, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2024, số lượng công dân Italy cư trú ở nước ngoài đã tăng 40%, từ 4,6 triệu lên 6,4 triệu, chủ yếu là ở Argentina và Brazil.

Người dân đi mua sắm tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
Lãnh sự quán Italy tại Argentina đã xử lý 30.000 đơn vào năm 2024, tăng 10.000 đơn so với năm trước. Và tại Brazil, nhân viên lãnh sự đã xử lý 20.000 đơn vào năm 2024, tăng so với con số 14.000 đơn năm 2023. Ngoại trưởng Tajani cho biết, hầu hết những người này không có liên hệ trực tiếp với đất nước, không nộp thuế ở Italy và không tham gia bỏ phiếu. Ông nói thêm rằng cải cách này là cần thiết vì "quyền công dân không thể tự động có được đối với những người có tổ tiên đã di cư từ nhiều thế kỷ trước, không có bất kỳ mối liên hệ văn hóa hoặc ngôn ngữ nào với đất nước".
Cũng theo quy định mới, những người kết hôn với công dân Italy phải sống ở Italy tối thiểu 2 năm để đủ điều kiện nhập quốc tịch thông qua hôn nhân. Và chi phí nộp đơn đã tăng gấp đôi, từ 300 lên 600 euro (từ 8,3 triệu lên 16,6 triệu đồng). Người Italy sinh ra ở Italy nhưng hiện sống ở nước ngoài vẫn có thể truyền quốc tịch cho con cái của họ, nhưng phải đăng ký khai sinh tại Italy.
Trong một diễn biến khác, theo dữ liệu mới nhất, dân số Italy năm 2024 tiếp tục giảm 37.000 người, xuống còn 58,934 triệu người, tính đến ngày 1/1/2025.
Trước đó, Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm xuống còn 1,18 trẻ em trên một phụ nữ trong năm 2024, thấp hơn mức thấp nhất trước đó được ghi nhận là 1,19 vào năm 1995.
ISTAT cũng xác nhận số lượng cư dân nước ngoài tại nước này đã tăng lên 5,308 triệu người trong năm 2024, tăng 166.000 người so với năm 2023.
Một yếu tố khác khiến dân số Italy giảm là hơn một triệu người đã di cư khỏi nước này trong giai đoạn 2013-2022 và khoảng một phần ba trong số đó, 352.000 người, là những người trẻ tuổi từ 25-34 tuổi.
Nguồn: baotintuc.vn
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này