Một loạt nhà sản xuất ôtô châu Âu đã cảnh báo về triển vọng ảm đạm của ngành khi nhu cầu giảm và chi phí tăng cao khiến giá trị thị trường của lĩnh vực này giảm hàng tỷ euro.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA) ngày 21/11 công bố số liệu cho thấy doanh số ôtô mới tại châu Âu chững lại trong tháng 10, sau hai tháng liên tiếp sụt giảm, trong khi quá trình chuyển đổi sang các mẫu xe điện hoàn toàn hoặc xe lai (hybrid) tiếp tục tiến triển.
ACEA cho biết đà tăng trưởng doanh số tại Tây Ban Nha và Đức, lần lượt ở mức 7,2% và 6%, đã bù đắp cho sự sụt giảm tại Pháp, Italy và Anh.
Số lượng xe mới được đăng ký trong tháng 10/2024 tại Liên minh châu Âu (EU), Anh và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,04 triệu xe.
Doanh số xe điện hoàn toàn (BEV) ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 6,9% trong tháng 10, trong khi doanh số xe hybrid (HEV) tăng 15,8%.
Số lượng xe đăng ký tại EU, Anh và EFTA của Volkswagen tăng 12,6%, trong khi của Stellantis giảm 16,7% và Renault giảm 0,4%. Doanh số của nhà sản xuất xe điện Tesla giảm 23,1% và của SAIC Motor (Trung Quốc) giảm 10%.
Tại EU, tổng số xe mới đăng ký tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý, doanh số ôtô tại Đức đã tăng 6% trong tháng Mười sau chuỗi ba tháng giảm.
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe ô tô của Hãng BMW (Đức). (Ảnh: DW/TTXVN)
Xe điện - bao gồm BEV, HEV và xe hybrid sạc điện (PHEV) - chiếm 55,4% tổng số xe chở khách được đăng ký trong tháng 10 tại EU, cao hơn mức 51,3% trong tháng 10/2023.
Ông Felipe Munoz, nhà phân tích toàn cầu tại công ty nghiên cứu thị trường JATO Dynamics, nhận định rằng khi thời điểm cuối năm đang đến gần, các nhà sản xuất ôtô đang tăng cường đưa ra nhiều chương trình giảm giá và ưu đãi để bán hết hàng tồn kho.
Ông cho rằng điều này giúp số liệu về lượng xe đăng ký được ổn định, nhưng không nên bị nhầm lẫn đây là dấu hiệu của sự phục hồi thị trường.
Các nhà sản xuất ôtô châu Âu đang đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu, chi phí sản xuất cao cũng như sự cạnh tranh của các công ty Trung Quốc. Cuối tháng 10, EU đã phê duyệt việc tăng thuế quan đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc lên tới 45,3%.
Một loạt nhà sản xuất ôtô châu Âu, trong đó có hãng sản xuất ôtô lớn thứ tư thế giới Stellantis và Volkswagen, đã cảnh báo về triển vọng ảm đạm của ngành khi nhu cầu giảm và chi phí tăng cao đã khiến giá trị thị trường của lĩnh vực này giảm hàng tỷ euro.
Các hãng này đang đối mặt tình trạng nhu cầu yếu tại Trung Quốc và Mỹ, căng thẳng thương mại giữa những nền kinh tế lớn. Doanh thu tại Trung Quốc chiếm 30% tổng doanh thu của các công ty ôtô hàng đầu nước Đức.
Nhưng tình hình kinh tế suy yếu tại đây, sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các hãng ôtô Trung Quốc và cuộc đua về giá ở thị trường xe điện đã góp phần làm ảnh hưởng đến doanh thu của các hãng xe.
Áp lực lại càng lớn thêm khi các doanh nghiệp đối mặt với những mục tiêu khí thải mới của EU. Khối này yêu cầu các nhà sản xuất ôtô giảm lượng khí thải bằng cách tăng số lượng xe điện và xe lai (xe hybrid, chạy được cả xăng lẫn điện). Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mức phạt đáng kể.
Việc đáp ứng các mục tiêu này trở nên khó khăn hơn do tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại. Nguyên nhân là do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chi phí, trong khi các thị trường như Đức lại cắt giảm trợ cấp cho mua xe điện.
Một số nhà sản xuất, trừ Stellantis, đã ủng hộ EU nới lỏng hoặc trì hoãn các mục tiêu này. Họ muốn tránh khoản tiền phạt lên tới 51 tỷ euro (khoảng 55,7 tỷ USD) vào năm 2030, theo ước tính của công ty tư vấn tài chính toàn cầu AlixPartners.
Nhà phân tích Henning Cosman của ngân hàng Barclays dự đoán sẽ có khoảng 70 mẫu xe điện mới ra mắt tại châu Âu vào năm 2025.
Ông cảnh báo giảm giá để thúc đẩy doanh số có thể gây ra "mùa Đông xe điện" khi người tiêu dùng có thể trì hoãn mua hàng, chờ đợi các mẫu xe tốt hơn, giá cả phải chăng hơn.
Trong khi đó, nghiên cứu của Renault chỉ ra các nhà sản xuất ôtô EU cần 20-22% thị phần châu Âu để đảm bảo tuân thủ các mục tiêu khí thải. Hiện tại, họ chỉ đạt dưới 15% thị phần.
Các nhà phân tích cho rằng việc tuân thủ là khả thi thông qua việc mua tín chỉ phát thải từ các đối thủ cạnh tranh có đội xe “sạch” hơn. Tuy nhiên, chiến lược này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty như Volkswagen và Ford, vốn đang tụt hậu trong các mục tiêu so với các đối thủ./.
(Nguồn: vietnamplus.vn)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này