Thượng đỉnh Nga – Mỹ: Không có đột phá nhưng đã tìm ra “công thức kiểm soát đối đầu”
Tin thế giới, Tin tức
author17/06/2021 09:49

Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ vừa qua cho thấy hai nước khó có thể giải quyết những bất đồng nhưng hoàn toàn có thể “kiểm soát đối đầu” vì những lợi ích chung.


Sự kiện ngoại giao được dư luận quốc tế chờ đợi là cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra tại Thụy Sĩ vào tối 16/6 (theo giờ Việt Nam). Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 vừa qua.

Mặc dù được kỳ vọng, cuộc gặp sẽ tạo ra một môi trường ổn định trong quan hệ song phương Nga – Mỹ thời gian tới, song có vẻ như kết quả là hai bên cùng thăm dò và cho nhau thấy rõ “lằn ranh đỏ” của mình đang nằm ở đâu.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6. Ảnh: AP



Thông điệp của Tổng thống Biden

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden lựa chọn việc tham dự các Hội nghị của nhóm G7 và NATO trước khi gặp gỡ Tổng thống Nga Putin tại Thụy Sĩ. Việc Tổng thống Biden có một loạt các hoạt động trước cuộc gặp với Tổng thống Nga cho thấy ông Biden muốn nghe sự tham vấn của các đồng minh cũng như tập hợp lực lượng, huy động sự ủng hộ và hợp tác của các đồng minh trong các mối quan hệ với một số nước mà Mỹ coi là đối thủ chính của mình bao gồm Trung Quốc và Nga.

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden đã làm rõ thông điệp mà ông muốn nhấn mạnh đó là chương trình nghị sự của ông không phải là chống lại Nga mà là vì người dân nước Mỹ. Mục đích của cuộc gặp với Tổng thống Nga của ông Biden đó là xác định các lĩnh vực cụ thể mà hai nước có thể thúc đẩy vì lợi ích chung và có lợi cho thế giới. Tổng thống Biden nhấn mạnh mục đích của ông đó là khẳng định trực tiếp với Tổng thống Nga rằng Mỹ sẽ đáp trả các hành động gây phương hại tới lợi ích của Mỹ và các đồng minh.

Ngoài ra, thông điệp của Tổng thống Biden cũng bao gồm việc làm rõ các ưu tiên và giá trị của Mỹ. Tổng thống Biden đã làm rõ những ưu tiên của Mỹ đồng thời cũng đặt ra một số lằn ranh đỏ trước các cuộc tấn công mạng đối với một số cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng và hệ thống cung cấp nước. Theo Tổng thống Biden, bầu không khí của cuộc gặp khá tích cực và hai bên đã nêu ra các lĩnh vực còn bất đồng một cách thẳng thắn.

Có thể thấy, thông điệp từ Tổng thống Biden đưa ra đối với Nga vừa cứng rắn và vừa mang tính kêu gọi hợp tác, điều đó thể hiện rõ kinh nghiệm ngoại giao của cá nhân Tổng thống Biden. Do vậy, cuộc gặp này có thể được coi là cơ hội để hai bên tìm hiểu lẫn nhau và bản thân Tổng thống Biden cũng khẳng định rằng đây sẽ là cơ sở cho các cuộc đối thoại và các bước cụ thể giữa hai nước sau này và những tháng tới sẽ là phép thử cho cam kết của hai bên.

Cách tiếp cận của Nga trong quan hệ với Mỹ

Trước khi diễn ra cuộc gặp, giới chức Nga và Mỹ đều khẳng định, không đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự kiện bởi quan hệ hai bên còn quá nhiều bất đồng. Tầm nhìn của cả hai là nỗ lực để khiến mọi thứ ổn định và dễ dự đoán hơn, cùng hợp tác về những điều thống nhất và nêu rõ quan điểm về bất đồng. Mục tiêu là bình ổn, giảm thiểu căng thẳng, không phải là nhằm tìm kiếm đột phá trong mối quan hệ hai quốc gia.

Những tuyên bố gần đây của ông Putin không liên quan nhiều đến những gì Nga có thể làm cùng với Mỹ, mà là những gì nước này có thể tự làm được, bao gồm cả việc chống lại ý muốn của Washington.

Theo điện Kremlin, quan điểm của Nga trên thế giới được xác định không phải bởi các cuộc gặp cá nhân với các Tổng thống Mỹ, mà bởi khả năng kiềm chế thành công sức mạnh quân sự của Mỹ và chống lại nhiều hình thức gây áp lực của Mỹ, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt.

Như Tổng thống Putin nêu ngắn gọn trong họp báo sau hội đàm, chủ đề chính hai bên đã thảo luận là về ổn định chiến lược, an ninh mạng, xung đột khu vực, quan hệ thương mại, vấn đề Bắc Cực, việc dỡ bỏ các hạn chế lẫn nhau đối với các cơ quan đại diện ngoại giao.

Tổng thống Putin đánh giá, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Biden không có bất kỳ sự thù địch nào. Cuộc hội đàm diễn ra theo đúng nguyên tắc, mang tính xây dựng. Hai bên có nhiều đánh giá quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, cả hai bên đều thể hiện mong muốn hiểu nhau và tìm cách đưa các quan điểm xích lại gần nhau hơn. Ông Putin cũng nhận xét ông Biden là một người xây dựng, cân bằng, giàu kinh nghiệm.

Rõ ràng bầu không khí và kết quả cuộc gặp này đã vượt trên kỳ vọng ban đầu của mỗi bên. Nhìn chung, cuộc họp diễn ra hiệu quả, thực chất, cụ thể và diễn ra trong không khí thuận lợi để đạt được kết quả. Điều quan trọng là hai bên cảm nhận có những “tia sáng của sự tin tưởng” lẫn nhau.

Hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề như đưa đại sứ trở lại mỗi nước, triển vọng hợp tác tại Bắc Cực. Tuy nhiên, qua cuộc gặp cũng cho thấy các bên còn tồn tại nhiều mâu thuẫn như quan điểm vấn đền Ukraine, quan điểm về nhà chính trị đối lập Navalny, vấn đề về nhân quyền…

Dù vậy, những kết quả đã đạt được trong cuộc gặp lần là một tín hiệu đáng mừng, một khởi đầu mới để cải thiện quan hệ song phương Nga – Mỹ.

Dư luận về kết quả Thượng đỉnh Nga – Mỹ

Có thể nói là cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin là tâm điểm của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden, chính vì vậy mà sự kiện này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Trong chính giới và các nhà quan sát ở Mỹ đã có những ý kiến khác nhau về cuộc gặp này.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc gặp với Tổng thống Putin là phí thời gian vì Tổng thống Putin sẽ không bao giờ hợp tác với Mỹ một cách có ý nghĩa. Trong khi đó, một số nghị sỹ Cộng hòa cho rằng, đáng ra Mỹ phải có các động thái cứng rắn với Nga sau một loạt các hoạt động gây phương hại tới Mỹ trong thời gian qua thì chính quyền ông Biden lại tặng cho Tổng thống Putin một cuộc gặp Thượng đỉnh quá sớm trong nhiệm kỳ của ông Biden và điều đó đã hợp pháp hóa các hoạt động của Nga.

Hạ nghị sỹ Cộng hòa Michael McCaul đại diện bang Texas đã chỉ trích cuộc gặp này cũng như những nhượng bộ của Tổng thống Biden trước các cuộc tấn công mạng gần đây của Nga. Theo Hạ nghị sỹ McCaul, Mỹ cần đặt ra các quy định mới và khẳng định sẽ có hậu quả nếu Nga tiếp tục tiến hành các hoạt động tương tự.

Trong khi đó, một số nhà quan sát thì hoài nghi về các bước tiếp theo sau cuộc gặp Thượng đỉnh này khi cho rằng kết quả khiêm tốn của cuộc gặp chưa đủ làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến lạc quan rằng đây là cơ hội, dù rất nhỏ, để Mỹ và Nga giảm bớt căng thẳng khi ít nhất hai bên đã ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược làm cơ sở cho các biện pháp giảm rủi ro và kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Chính giới và các nhà quan sát, học giả ở Mỹ khá quan tâm tới cách tiếp cận của Tổng thống Biden đối với Nga và điều này phần nào đã được thể hiện qua cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Geneva lần này.

Về phía Nga, giới học giả nhìn chung cho rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên này là tín hiệu tốt, ít nhất là hai bên đã nối lại kênh liên lạc trực tiếp cấp cao nhất giữa hai nước. Tuy nhiên, các nhận định có phần thận trọng khi cho rằng không nên kỳ vọng vào các bước đột phá quan hệ song phương ngay trong cuộc gặp giữa ông Putin và ông Biden.

Những gì diễn ra trong hội nghị đã cho thấy sự thẳng thắn cởi mở, thiện chí của cả hai bên nhằm đạt được mục tiêu xây dựng quan hệ “ổn định và dễ dự báo” hơn. Kết quả của cuộc gặp Thượng đỉnh có thể không xuất hiện ngay lập tức, nhưng thỏa thuận về việc duy trì các kênh liên lạc mở để tránh hiểu lầm giữa Moscow và Washington được coi là một thành công trong cuộc gặp.

Cuộc gặp ở Geneva có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên ở chừng mực nào đó. Về tổng thể, cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ sẽ tiếp tục, song nó sẽ có những hình thức có trật tự hơn. Cuộc gặp Thượng đỉnh ở đây không quyết định nhiều đối với tương lai của mối quan hệ Nga – Mỹ, mà điều này sẽ phụ thuộc trực tiếp vào sự đối đầu giữa hai nước sẽ phát triển như thế nào. Điều quan trọng là sự đối đầu ấy không vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cả hai bên. Tại cuộc gặp lần này, hai bên đã tìm được “công thức kiểm soát đối đầu”, ít nhất là sẽ có các hình thức giảm leo thang nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin được nhận định sẽ khó tạo ra đột phá nào trong quan hệ Nga – Mỹ thời gian tới bởi quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, giải pháp đối thoại trong hội nghị vừa qua chính là cơ hội tốt giúp cho mọi thứ trong mối quan hệ Nga – Mỹ sẽ không trở nên tồi tệ hơn nữa. Nói cách khác, hai bên khó có thể giải quyết những bất đồng nhưng hoàn toàn có thể “kiểm soát đối đầu”, đồng thời tìm ra những vấn đề có thể hợp tác vì lợi ích chung./.

(Nguồn: VOV)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil