Các nước chỉ trích Israel đánh trúng lực lượng gìn giữ hòa bình ở Lebanon; Bà Harris thách ông Trump công bố thông tin sức khỏe; Triều Tiên cảnh báo Hàn Quốc vụ drone... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 13-10.
40 nước lên án tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Lebanon
Ngày 12-10, 40 quốc gia đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Lebanon "lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công gần đây" vào lực lượng này ở Lebanon. "Những hành động như vậy phải dừng lại ngay lập tức và cần được điều tra thỏa đáng", Hãng tin AFP dẫn tuyên bố chung nhấn mạnh và kêu gọi các bên xung đột tôn trọng và đảm bảo sự an toàn cho lực lượng này.
Ít nhất 5 lính gìn giữ hòa bình đã bị thương trong những ngày gần đây khi Israel tiến hành cuộc chiến chống lại Hezbollah vào miền nam Lebanon. Trước đó, lãnh đạo các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha cũng chỉ trích các vụ tấn công.
Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Lebanon (UNIFIL) đã cáo buộc quân đội Israel "cố tình" nổ súng vào các vị trí của mình. UNIFIL, bao gồm khoảng 9.500 quân thuộc khoảng 50 quốc tịch, được giao nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn sau cuộc chiến kéo dài 33 ngày vào năm 2006 giữa Israel và Hezbollah.
Người phát ngôn Andrea Tenenti của UNIFIL nói rằng công việc của phái bộ gìn giữ hòa bình đã trở nên "rất khó khăn vì có rất nhiều thiệt hại, ngay cả bên trong các căn cứ". Ông Tenenti cũng cảnh báo sự leo thang xung đột giữa Israel và Hezbollah có thể sớm "trở thành một cuộc xung đột khu vực gây ra tác động thảm khốc cho tất cả mọi người".
Israel công bố thêm khu vực quân sự ở Lebanon
Quân đội Israel cho biết đã tấn công khoảng 280 "mục tiêu khủng bố" ở Lebanon và Gaza. Tel Aviv tiếp tục tuyên bố thêm một "khu vực quân sự đóng" dọc theo biên giới Lebanon ở miền bắc Israel. Trước đó, nước này đã yêu cầu người dân miền nam Lebanon không được trở về nhà.
Bộ Y tế Lebanon cho biết các cuộc không kích của Israel ngày 12-10 giết chết ít nhất 29 người, theo Hãng tin AFP. Trong khi đó, Hezbollah khẳng định đã bắn tên lửa vào miền bắc Israel. Theo Tel Aviv, Hezbollah đã bắn khoảng 320 quả đạn qua biên giới vào Yom Kippur, ngày linh thiêng nhất của người Do Thái.
Ukraine bám trụ ở Kursk
Lực lượng Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga trên chiến tuyến ở miền đông nước này - Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12-10 cho biết Matxcơva đã cố gắng đẩy lùi các vị trí của Ukraine ở khu vực Kursk của Nga nhưng Kiev đang "giữ vững chiến tuyến", theo Hãng thông tấn Ukrinform. Ukraine đã chiếm giữ vững nhiều vùng ở Kursk kể từ khi đưa quân qua biên giới đầu tháng 8-2024. Kiev cho biết cuộc tấn công nhằm tạo ra một vùng đệm trong khu vực để ngăn chặn việc pháo kích của Nga.
Ông Zelensky cũng thừa nhận rằng tình hình của lực lượng Ukraine ở khu vực Donetsk phía đông và khu vực Zaporizhzhia phía nam là "rất khó khăn".
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày thông báo quân đội nước này đã đẩy lùi 5 nỗ lực tấn công của Ukraine, gây cho các lực lượng này tổn thất hơn 400 quân và 18 thiết bị tại khu vực Kursk trong vòng 24 giờ trước đó. Đầu tuần này, Nga cho biết đã chiếm lại được 2 ngôi làng ở khu vực Kursk và tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ của mình.
Triều Tiên dọa đáp trả "khủng khiếp" drone của Hàn Quốc
Triều Tiên tố drone Hàn Quốc vào tận Bình Nhưỡng rải truyền đơn
Bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 12-10 chỉ trích việc "bọn côn đồ quân sự" (ám chỉ lực lượng Hàn Quốc) đưa máy bay không người lái (drone) bay đến tận thủ đô Bình Nhưỡng.
"Khoảnh khắc một drone của Hàn Quốc bị phát hiện trên bầu trời thủ đô của chúng tôi một lần nữa chắc chắn sẽ dẫn đến một thảm họa khủng khiếp", Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời bà Kim.
Cuối tuần này, Bình Nhưỡng cáo buộc drone Hàn Quốc mang theo truyền đơn nhiều lần bay vào không phận Bình Nhưỡng. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun ban đầu đã phủ nhận cáo buộc này, nhưng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân sau đó tuyên bố rằng họ "không thể xác nhận liệu những cáo buộc của Triều Tiên là đúng hay không".
Bà Harris thách ông Trump công bố thông tin sức khỏe
Chiến dịch của bà Harris khẳng định bà hoàn toàn khỏe mạnh - Ảnh: AFP
Chiến dịch của ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Dân chủ Kamala Harris thách thức đối thủ Donald Trump công bố hồ sơ sức khỏe sau khi Nhà Trắng công bố báo cáo y tế cho thấy bà Harris "có sức khỏe tuyệt vời" và đủ sức khỏe để làm tổng thống.
"Ông ta đang che giấu điều gì?", người phát ngôn Ian Sams của chiến dịch nói. Đây được xem là đòn đáp trả những công kích gần đây của ông Trump về sức khỏe tinh thần của bà Harris.
Phản ứng sau đó, chiến dịch của ông Trump khẳng định ông cũng "hoàn toàn khỏe mạnh để trở thành tổng tư lệnh" và cáo buộc rằng Harris không đủ sức để lãnh đạo đất nước.
Hồi tháng 8-2024, khi phóng viên hỏi ông Trump rằng liệu ông có công bố hồ sơ sức khỏe của mình không và ông trả lời: "Chắc chắn rồi, tôi sẽ làm điều đó rất vui lòng, chắc chắn rồi". Nhưng rồi ông không công bố bất kỳ hồ sơ y tế chi tiết nào kể từ đó.
Điện Kremlin phản ứng việc bà Harris gọi ông Putin là độc tài
Ngày 12-10, Điện Kremlin cho biết việc ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Kamala Harris gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "kẻ độc tài" đã phơi bày cách các chính trị gia ở Washington muốn áp đặt quan điểm của họ lên thế giới.
"Giới chính trị cao cấp của Mỹ, xét về mọi mặt, đều thấm nhuần một nền văn hóa chính trị như vậy. Đây có lẽ là bản chất của chính mô hình quan hệ quốc tế mà họ đang cố gắng áp đặt lên toàn thế giới, một mô hình mà hầu hết mọi người trên thế giới ngày càng không thích nữa", các hãng thông tấn Nga trích lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Kremlin nhấn mạnh.
Với mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang lao dốc xuống mức sâu chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, mỗi bên đã yêu cầu bên kia ngừng nói về các vấn đề nội bộ của nhau.
Sau bão
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này