Ông Trump sa thải toàn bộ nhân viên địa phương và nhà ngoại giao USAID; Nga nói không chấp nhận đề xuất ngừng bắn của Mỹ ở hiện tại; Ngoại trưởng Đức cáo buộc ông Putin trì hoãn đàm phán... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 2-4.

Ông Trump sắp công bố thuế quan mới
Ngày 1-4, Nhà Trắng xác nhận ông Trump sẽ áp các mức thuế mới vào ngày 2-4 (giờ Mỹ), tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô và phạm vi của các mức thuế này.
Ngoài ra, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết mức thuế mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi ông Trump công bố. Trong khi đó mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu sẽ có hiệu lực vào ngày 3-4.
“Tổng thống Trump có một đội ngũ cố vấn xuất sắc, những người đã nghiên cứu những vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi đang tập trung vào việc khôi phục thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ”, bà Leavitt nhấn mạnh.
Cam kết của ông Trump đối với các biện pháp thuế quan diễn ra trong bối cảnh những sự bất ổn do chính sách thuế quan của Washington gây ra đang làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các hoạt động cứu trợ ở Myanmar diễn ra thuận lợi
Ngày 1-4, ông Marcoluigi Corsi - điều phối viên về hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc tại Myanmar - cho biết các hoạt động viện trợ sau trận động đất 7,7 độ ở Myanmar diễn ra thuận lợi và không bị cản trở.
"Cho đến nay chúng tôi vẫn có thể cung cấp viện trợ cho người dân. Việc phân phối các loại nhu yếu phẩm vẫn đang tiếp tục và chúng tôi chưa gặp phải bất kỳ sự cản trở nào", ông Corsi nói trong cuộc họp báo của Liên hợp quốc.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Julia Rees - đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Myanmar - cho biết nhu cầu cứu trợ đang tăng cao từng giờ. Cơ hội cứu sống các nạn nhân đang dần khép lại, trong khi đó những gia đình bị ảnh hưởng đang đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm, nước sạch và vật tư y tế.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho hay các đội tìm kiếm và cứu nạn đang tăng cường cứu trợ, đặc biệt là ở miền Trung Myanmar, nơi ghi nhận các đợt dư chấn sau động đất.
Người dân Myanmar xếp hàng nhận thức ăn và đồ cứu trợ ngày 1-4 - Ảnh: REUTERS
Mỹ sa thải toàn bộ nhân viên địa phương, nhà ngoại giao USAID
Hãng tin Reuters ngày 1-4 dẫn 3 nguồn thạo tin tiết lộ Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) của tỉ phú Elon Musk đang hoàn tất việc giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) khi ra lệnh sa thải hàng nghìn nhân viên địa phương và các đại diện của USAID tại nước ngoài.
Cuối tuần trước, Quốc hội Mỹ nhận thông báo rằng gần như toàn bộ nhân viên USAID sẽ bị sa thải vào tháng 9, bao gồm lực lượng lao động tại các văn phòng nước ngoài. Ngoài ra, một số chức năng của USAID sẽ chuyển sang Bộ Ngoại giao.
Đây là động thái mới nhất của DOGE nhằm giải thể phần còn lại của USAID. Một cựu quan chức USAID nhận định: “Điều này thật sự là sự khép lại cuối cùng”.
Bên cạnh đó, một nguồn thạo tin tiết lộ số lượng nhân viên USAID địa phương bị cắt giảm có thể lên tới hơn 10.000 người.
Nga nói không chấp nhận đề xuất ngừng bắn của Mỹ ở hiện tại
Tạp chí International Affairs (Nga) ngày 1-4 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga không thể chấp nhận các đề xuất của Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine theo “hình thức hiện tại”, vì chúng không giải quyết được những vấn đề mà Matxcơva cho là nguyên nhân gây ra cuộc xung đột.
“Chúng tôi đã nghiêm túc xem xét các mô hình và giải pháp do phía Mỹ đề xuất, nhưng không thể chấp nhận tất cả ở dạng hiện tại”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Ryabkov cho rằng Nga không thấy yêu cầu chính của họ - giải quyết các vấn đề liên quan đến gốc rễ của cuộc xung đột - xuất hiện trong các đề xuất ngừng bắn của Mỹ. Matxcơva khẳng định tiêu chí này hoàn toàn bị bỏ qua.
Tuyên bố của ông Ryabkov cho thấy Matxcơva và Washington vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng. Trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các đề xuất của Mỹ cần được chỉnh sửa, trong khi ông Trump ngày càng mất kiên nhẫn với sự chậm trễ của Nga trong tiến trình đàm phán.
Ngoại trưởng Đức cáo buộc ông Putin trì hoãn đàm phán
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bắt tay với Tổng thống Ukraine Zelensky trong chuyến thăm Kiev ngày 1-4 - Ảnh: REUTERS
Phát biểu trong chuyến thăm Kiev ngày 1-4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã cáo buộc Tổng thống Putin trì hoãn các cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Ukraine.
Theo bà Baerbock, ông Putin đang tìm cách thoái thác khỏi các cuộc đàm phán và tiếp tục duy trì cuộc chiến ở Ukraine.
“Ông Putin không đáng tin cậy trong tình huống này. Một nền hòa bình thật sự và lâu dài chỉ đạt được khi Tổng thống Nga nhận ra ông ấy không thể chiến thắng trong cuộc chiến này và sự tàn phá của Nga không thành công”, bà Baerbock nói thêm.
Đây là chuyến thăm Kiev đầu tiên của Ngoại trưởng Baerbock kể từ khi ông Trump tái đắc cử. Trước đó vào tháng 3, Đức đã phê duyệt gói viện trợ quân sự mới trị giá 3,25 tỉ USD cho Ukraine.
Mexico tuyên bố không "ăn miếng trả miếng" với thuế quan mới của Mỹ
Ngày 1-4, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố sẽ không phản ứng bằng cách “ăn miếng trả miếng” đối với mức thuế mới của Mỹ có hiệu lực vào ngày 2-4.
Hãng tin AFP dẫn lời bà Sheinbaum cho biết Mexico không tin vào nguyên tắc “ăn miếng trả miếng" vì điều này luôn dẫn đến một viễn cảnh tồi tệ. Bà nhấn mạnh Mexico vẫn thực hiện các biện pháp có qua có lại nhưng ưu tiên duy trì kênh đối thoại.
Trước đó, quốc gia này cam kết sẽ đưa ra phản ứng toàn diện đối với thuế quan mới của Washington, nhưng ưu tiên đối thoại.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mexico được đưa ra một ngày trước khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế quan quy mô lớn vào 2-4, ngày mà ông gọi là "ngày giải phóng". Theo đó sẽ áp thuế đối ứng với tất cả các quốc gia.
Mưu sinh giữa vùng xung đột

Tại vùng Mugunga, Cộng hòa Dân chủ Congo, bà Kahindo - một phụ nữ phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột - đang nhặt đá núi lửa đem bán để kiếm sống. Ngôi nhà của bà đã bị phá hủy trong các cuộc giao tranh - Ảnh: REUTERS
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này