Tổng thống Pháp đối mặt làn sóng phản đối trong chuyến thăm quần đảo Mayotte, nơi bị tàn phá nghiêm trọng bởi siêu bão Chido.
Tổng thống Emmanuel Macron ngày 19/12 đến lãnh thổ hải ngoại Mayotte, 5 ngày sau khi siêu bão Chido quét qua quần đảo. Cuộc gặp gỡ người dân của ông chìm trong những tiếng la ó và hỗn loạn.
Nhiều người bức xúc khi chính quyền trung ương tại Pháp không khẩn trương triển khai hàng cứu trợ và lực lượng cứu hộ đến quần đảo phía đông nam châu Phi, lãnh thổ nghèo nhất thuộc Pháp và cách Paris khoảng 7.800 km.
Bão Chido gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến hàng nghìn người dân rơi vào cảnh thiếu nước sạch, điện và thực phẩm.
"Không còn nơi nào an toàn. Mọi người đánh nhau giành nước", một người phụ nữ địa phương nói với ông Macron, khi ông đến thăm bệnh viện Mamoudzou.
"Những cơ sở dịch vụ công của ông đã quá tải rồi. Không có ai đến chỗ chúng tôi sống để hỗ trợ", một người đàn ông khác la hét về phía Tổng thống Pháp.
Nhiều người dân còn hô hào những khẩu hiệu công kích cá nhân Tổng thống Pháp như "Ông Macron hãy từ chức", "Đừng nói lời vô nghĩa", hay "Nước, nước, nước" khi ông Macron cố gắng trao đổi bình tĩnh với đám đông.
"Tôi hiểu các bạn phải đối diện nghịch cảnh ngoài sức chịu đựng trong những ngày qua", ông Macron nói. "Nhưng cơn bão này không do tôi gây ra. Các bạn trút giận vào tôi, nhưng tôi không phải cơn bão".
Tổng thống Pháp cũng kêu gọi người dân kiên nhẫn, chờ các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ từ chính quyền trung ương. Ông cho biết chính phủ cần thời gian để vận chuyển hàng hóa viện trợ đến Mayotte, do không có sự chuẩn bị trước cho thảm họa với quy mô như siêu bão Chido.
Cùng chuyến thị sát của Tổng thống Macron, máy bay chính phủ Pháp đã chở theo 4 tấn hàng cứu trợ gồm lương thực và vật tư y tế. Giới chức địa phương cho biết nhu cầu cấp bách nhất lúc này là lương thực và nước sạch.
Trước phản ứng dữ dội từ người dân, lãnh đạo Pháp quyết định kéo dài chuyến thăm thêm một ngày, thay vì rời đi ngay trong đêm. "Tôi ở lại để thể hiện sự tôn trọng và đồng cảm với những gì người dân đang phải trải qua", ông thông báo.
Bộ Nội vụ Pháp công bố con số thiệt hại sơ bộ với ít nhất 31 người tử vong và 2.500 người bị thương. Tuy nhiên, con số cuối cùng có thể lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người. Pháp sẽ tổ chức một ngày quốc tang vào đầu tuần sau để tưởng nhớ các nạn nhân cơn bão Chido.
Mùa bão ở tây nam Ấn Độ Dương thường kéo dài từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 4 năm sau. Giới khoa học cho hay biến đổi khí hậu đang khiến bão nhiệt đới trở nên cực đoan và xảy ra thường xuyên hơn. Năm 2019, hai cơn bão Idai và Kenneth tấn công Mozambique trong vòng hai tháng, khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng triệu người lâm cảnh khủng hoảng nhân đọa.
Nguồn: Vnexpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này